EU tìm cách giảm phụ thuộc vào kim loại hiếm của Trung Quốc

14:00 | 25/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sau khi ký kết một thỏa thuận thương mại mới vào tháng 12/2022, vào tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết thêm một thỏa thuận hợp tác chiến lược với Chile, nhằm tăng cường hợp tác trong chuỗi giá trị nguyên liệu thô quan trọng. Chile hiện là nhà cung cấp lithium chính của EU và chiếm hơn 40% nguồn cung lithium toàn cầu
EU tìm cách giảm phụ thuộc vào kim loại hiếm của Trung Quốc

EU – Chile ký kết hợp tác trong lĩnh vực nguyên liệu thô quan trọng

Với EU, đây là mối quan hệ hợp tác thứ 6 kể từ lần hợp tác với Canada và Ukraine vào năm 2021, Kazakhstan và Namibia vào tháng 11/2022 và Argentina vào tháng 6/2023. Theo Uỷ ban châu Âu, các cuộc đàm phán đang được tiến hành với các quốc gia trên khắp lục địa châu Phi như Nam Phi, Algeria, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Maroc, Uganda, Rwanda, Senegal và Zambia.

EU triển khai kế hoạch hành động đối với các khoáng sản quan trọng do nhận thức được sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc đối với mặt hàng nhập khẩu này. Brussels muốn đảm bảo nguồn cung đa dạng bằng cách hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và số hóa các nền kinh tế đối tác, đồng thời tránh tắc nghẽn nguồn cung trong tương lai.

"Việc tăng cường các mục tiêu năng lực cung ứng nội địa đối với nguyên liệu thô chiến lược, 10% cho khai thác, 40% cho chế biến và 15% cho tái chế, là khía cạnh gây tranh cãi nhất trong Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng của EU. Có vẻ các ngưỡng yêu cầu về nguyên liệu thô quan trọng là thách thức lớn nhất đối với quá trình tinh chế lithium và khai thác coban", theo các nhà phân tích tại Ngân hàng MUFG. Bên cạnh đó, EU cũng có thể sẽ gặp khó khăn về nguồn cung các khoáng sản như magiê, than chì tự nhiên và đất hiếm.

Do đó, EU đã đề xuất một chiến lược mới nhằm đẩy nhanh quá trình hợp tác. Dự án Global Gateway, ra mắt hồi tháng 12/2021, nhằm huy động 300 tỷ euro vốn đầu tư từ ngân sách công và tư từ đây đến năm 2027 dưới hình thức tài trợ, cho vay với lãi suất thấp và có sự bảo lãnh của EU. Sáng kiến này huy động một số quỹ tài chính của EU gồm Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) cũng như các nhà đầu tư tư nhân khác. Liên minh Nguyên liệu thô Châu Âu (ERMA), được thành lập vào tháng 9/2020, quy tụ tổng cộng 700 công ty trong lĩnh vực liên quan đến khoán sản quan trọng. Ngân hàng EIB cam kết đầu tư hơn 50 tỷ euro và dự kiến tổng mức đầu tư là 100 tỷ euro.

Một trong những nước được hưởng lợi từ dự án Global Gateway là Kazakhstan. Ngoài là nhà cung cấp phốt pho chính cho EU, quốc gia này còn khai thác nhiều khoáng sản quan trọng khác như berili, crom, liti, vonfram và đất hiếm. Công ty khai thác mỏ quốc gia Tau-Ken Samruk và ERMA đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 6 năm ngoái nhằm hiện đại hóa lĩnh vực khai thác mỏ. “Mối quan hệ kinh tế của chúng ta từ lâu đã rất bền chặt. EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Kazakhstan, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là hơn 78 tỷ USD, tương đương 51% tổng mức đầu tư”, ông Maroć, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, chia sẻ.

Các mối quan hệ đối tác tương tự vừa mang tính chiến lược vừa đáp ứng được kỳ vọng của ngày càng nhiều quốc gia giàu tài nguyên với mong muốn tiến lên trong chuỗi giá trị nguyên liệu thô quan trọng. Vì vậy, vào tháng 6 vừa qua, Namibia đã quyết định hạn chế xuất khẩu lithium chưa qua chế biến và các khoáng sản quan trọng khác như coban, mangan, than chì và đất hiếm. EU đã tuyên bố tham gia vào các dự án hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cảng và đường bộ, đồng thời trợ cấp 120 triệu euro cho quá trình phát triển hydro xanh. Trong khi đó, EIB cũng có kế hoạch đồng tài trợ cho 2 dự án trong lĩnh vực này với tổng mức đầu tư là 110 triệu USD.

Nga tiếp cận nhiều mỏ kim loại và đất hiếm ở châu PhiNga tiếp cận nhiều mỏ kim loại và đất hiếm ở châu Phi
Pháp lập quỹ đầu tư kim loại hiếmPháp lập quỹ đầu tư kim loại hiếm

Ý Thiên

AFP