Dự án An Lạc Green Symphony bị phạt 40 triệu đồng: Cần nâng cao mức phạt công trình không phép

19:07 | 06/05/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Việc chủ đầu tư dự án An Lạc Green Symphony bị UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) phạt 40 triệu đồng vì thi công không phép đang dấy lên lo ngại “phạt cho tồn tại” sẽ xảy ra tình trạng nhờn luật.
TP HCM: Cảnh báo tin giả về mở bán dự án chung cư nhà ở xã hội Lý Thường KiệtTP HCM: Cảnh báo tin giả về mở bán dự án chung cư nhà ở xã hội Lý Thường Kiệt
Khánh Hòa: Sẽ cưỡng chế thu hồi dự án nghỉ dưỡng Anami Bình BaKhánh Hòa: Sẽ cưỡng chế thu hồi dự án nghỉ dưỡng Anami Bình Ba

Ngày 20/4/2021, phòng quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Hoài Đức đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với dự án KĐT mới An Lạc Green Symphony. Nguyên nhân là chủ đầu tư dự án đã tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có.

Dự án An Lạc Green Symphony bị phạt 40 triệu đồng: Cần nâng cao mức phạt công trình không phép
Chủ đầu tư An Lạc Green Symphony bị phạt 40 triệu đồng vì thi công không phép

Cụ thể, tại ô đất có ký hiệu C1-CT khu đô thị mới An Lạc Green Symphony, chủ đầu tư đang tổ chức thi công phần hầm, diện tích xây dựng 6.177 m2.

Về vụ vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng trên, mới đây, UBND huyện Hoài Đức đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng.

Theo quyết định xử phạt của UBND huyện Hoài Đức, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính là 20/4/2021, Công ty An Lạc phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Trường hợp qua 60 ngày, Công ty An Lạc không xuất trình được giấy phép xây dựng sẽ bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ theo quy định.

Quyết định xử phạt của UBND huyện Hoài Đức cũng nêu rõ về số tiền nộp phạt 40 triệu đồng kể trên, Công ty An Lạc phải nộp trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định.

Trên thực tế, tình trạng chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng không phép, sau khi bị phát hiện, xử phạt hành chính sau đó lại tiếp tục xin giấy phép xây dựng đang trở thành chuyện thường ở các thành phố lớn.

Như trường hợp dự án chung cư Phương Đông Green Park (quận Hoàng Mai, Hà Nội), khởi công từ đầu năm 2017 nhưng sau đó bị đình chỉ thi công vì không có giấy phép xây dựng. Đến cuối năm 2019, sau 3 năm nằm "đắp chiếu" chủ đầu tư tái khởi động lại dự án khi được cấp giấy phép.

Hay trường hợp của tỉnh Hưng Yên khi đề nghị hướng dẫn hợp thức hoá dự án Vườn Vạn Tuế đã từng bị thanh tra, phạt vì xây, bán "chui" 200 căn biệt thự.

Dự án An Lạc Green Symphony bị phạt 40 triệu đồng: Cần nâng cao mức phạt công trình không phép
Mức phạt 40 triệu đồng là quá nhỏ so với quy mô công trình sai phạm.

Không những vậy, chuyện xử phạt xong rồi lại cho tồn tại cũng từng khiến nghị trường Quốc hội luôn nóng. Theo các chuyên gia, việc “phạt cho tồn tại” sẽ làm suy giảm tính nghiêm minh về kỷ cương trật tự xây dựng.

Dù Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản đã bỏ quy định “phạt cho tồn tại,” buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại. Song, việc khôi phục tình trạng ban đầu đến nay vẫn chưa mấy dự án bị áp dụng.

Theo luật sư Nguyễn Vân Trường (Đoàn luật sư TP HCM), việc cơ quan chức năng làm ngơ, cho tồn tại các dự án vi phạm người được hưởng lợi nhiều nhất là chủ đầu tư, là những tổ chức, cá nhân đã bảo kê cho sai phạm này. Còn khách hàng đã bỏ tiền ra mua theo giá thị trường chẳng lợi lộc gì.

"Việc hợp pháp hóa các sai phạm đang khiến tình trạng vi phạm ngày càng nở rộ bởi nguồn lợi đến từ việc bán lúa non dự án cao hơn rất nhiều so với mức phạt. Do đó, cần siết chặt, nâng cao mức phạt đối với các công trình xây dựng không phép tránh tình trạng chủ đầu tư cố tình vi phạm để được hợp thức hóa dự án, gây ảnh hưởng đến quy hoạch và hoạt động kinh doanh bất động sản" - vị luật sư cho biết.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Enternews.vn

vietinbank
ajinomoto