Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 9/7: Hải Phòng kêu gọi loạt dự án nghìn tỷ đồng sau hợp nhất
Bất động sản Khánh Hòa bật tăng sau sáp nhập, cẩn trọng “bong bóng” giá đất
Sau khi chính thức sáp nhập Ninh Thuận vào Khánh Hòa, thị trường bất động sản Khánh Hòa mới nhanh chóng trở thành một trong những điểm sáng thu hút nhà đầu tư tại Nam Trung Bộ nhờ quỹ đất ven biển mở rộng và hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, giá đất một số khu vực liên tục lập đỉnh so với thu nhập của người dân.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Khánh Hòa (cũ), 6 tháng đầu năm 2025, địa phương ghi nhận gần 16.200 giao dịch bất động sản, riêng quý II đạt hơn 9.200 giao dịch, tăng 32% so với quý I, với tổng giá trị hơn 11.700 tỷ đồng.
Việc sáp nhập Ninh Thuận vào Khánh Hòa từ 1/7/2025 đã tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, đặc biệt ở phân khúc đất nền và nhà chung cư. Đáng chú ý, mặc dù số lượng giao dịch đất nền giảm nhẹ nhưng tổng giá trị lại tăng mạnh, gần 3 lần với mức tăng 274% so với quý I. Điều này phản ánh dòng tiền chuyển hướng từ các giao dịch lướt sóng nhỏ lẻ sang gom quỹ đất lớn có pháp lý hoàn chỉnh. Các vùng ven như Cam Lâm, Cam Ranh, Vạn Ninh hay khu vực giáp ranh Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.
![]() |
Thị trường bất động sản Khánh Hòa tăng bật trong 6 tháng đầu năm 2025 (Ảnh: Trung Nhân) |
Làn sóng đầu tư đón đầu thông tin sáp nhập tỉnh thành đã diễn ra mạnh mẽ đến từ nhiều nơi trong cả nước thể hiện qua số lượng giao dịch tăng mạnh lên đến hai con số so với quý 1/2025, kéo theo giá nhiều khu vực tăng nóng. Từ đầu năm 2025, một số chủ đất khu vực đất vùng ven Nha Trang, Cam Lâm bỗng nhiên thông báo tăng giá bán lên 20-30% chỉ trong vài tháng vì cho rằng như vậy mới đúng tiềm năng, bất chấp thực tế giao dịch thực không nhiều. Cá biệt, có trường hợp “bẻ cọc” giao dịch tại Nha Trang, người bán sẵn sàng hủy cọc để bán giá cao hơn, cho thấy tâm lý gom đất lướt sóng vẫn hiện hữu.
Điện Biên duyệt dự án nhà ở xã hội đầu tiên trên địa bàn
UBND tỉnh Điện Biên vừa phê duyệt dự án nhà ở xã hội đầu tiên trên địa bàn, với tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và đối tượng chính sách.
Theo đó, dự án nằm trong phạm vi Khu dân cư đô thị mới phía Bắc đường Hoàng Văn Thái - Khe Chít, thuộc phường Mường Thanh, trên diện tích gần 6.500m2. Đây là phần quỹ đất dành riêng để phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch.
Dự án với quy mô đầu tư 69,58 tỷ đồng, được huy động từ 2 nguồn chính: gần 14 tỷ đồng vốn góp của chủ đầu tư và hơn 55,58 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư VCN (trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa) làm chủ đầu tư và trực tiếp triển khai xây dựng. Dự án này bao gồm nhà ở riêng lẻ, với diện tích đất xây dựng tối đa 70m2/căn và diện tích sàn xây dựng tối đa 140m2/căn.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư từ quý III/2025 đến quý IV/2025; khởi công xây dựng vào quý I/2026 và dự kiến đưa vào khai thác từ quý I/2027. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
TPHCM duyệt giá đất 2 dự án của Lotte và Vingroup hơn 43.500 tỷ đồng
Theo báo cáo tóm tắt của Sở Nông nghiệp và Môi trường TPHCM trong nửa đầu năm, 9 dự án đã được phê duyệt giá đất với nguồn thu dự kiến hơn 52.500 tỷ đồng. Trong đó, dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm thuộc khu chức năng số 2a, khu đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt 16.190 tỷ đồng, các khu đất thuộc dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ là 27.317 tỷ đồng. Tổng giá đất được phê duyệt của 2 dự án lớn này là 43.507 tỷ đồng.
Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm thuộc khu chức năng số 2a, khu đô thị mới Thủ Thiêm (tên thương mại Lotte Eco Smart City) do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Từ tháng 9/2022, dự án được khởi công, hoàn tất san lấp mặt bằng với vốn đầu tư công bố hơn 20.000 tỷ đồng, bao gồm khách sạn, khu dân cư, khu thương mại trên diện tích 7,4ha. Nhưng đến nay, Lotte Eco Smart City vẫn chưa được xây dựng, một phần do vướng mắc từ nghĩa vụ tài chính.
Còn dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (tên thương mại Vinhomes Green Paradise) do công ty con của Vingroup làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô hơn 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (cũ). Sở Nông nghiệp và Môi trường TPHCM nêu, tổng nguồn thu từ đất tại TPHCM (cũ) ước đạt hơn 65.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu đã thực hiện là hơn 12.720 tỷ đồng, bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước, thu từ chuyển nhượng bất động sản. Sở này ước tính nguồn thu từ đất đạt 90,7% so với chỉ tiêu giao cho năm nay (72.000 tỷ đồng).
Sở đã trình phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án Khu dân cư và thương mại đa chức năng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng giá trị khởi điểm cho 3 khu là 5.705 tỷ đồng. 6 tháng qua, 214 giấy chứng nhận lần đầu được cấp. Tổ công tác cấp giấy chứng nhận đã họp xem xét, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với 142 dự án, trong đó đã tháo gỡ dứt điểm đối với 97 dự án, tương ứng với khoảng 71.400 căn đủ điều kiện...
Hải Phòng kêu gọi loạt dự án nghìn tỷ đồng sau hợp nhất
Ngay trong những ngày đầu TP Hải Phòng (mới) đi vào hoạt động, một loạt dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng đã được thành phố kêu gọi đầu tư, tạo ra làn sóng quy hoạch. Theo đó, trong số các dự án được mời gọi đầu tư, 8 dự án khu đô thị mới, nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư lên đến hơn 33.000 tỷ đồng và thời gian thực hiện kéo dài từ 5-9 năm.
![]() |
Một góc đô thị phường Hồng Bàng (Ảnh: Hồng Phong) |
Đầu tiên là dự án Mở rộng Khu đô thị - Dịch vụ thương mại và Nhà ở công nhân Tràng Duệ. Dự án nổi bật với tổng vốn đầu tư lớn nhất lên tới 9.384 tỷ đồng và quy mô 90,76 ha tại các phường An Hải, An Dương, An Phong. Nối tiếp là Dự án Đầu tư Khu đô thị mới Hồng Thái - An Hải được mời gọi nhà đầu tư thực hiện theo tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động là 9 năm. Dự án có tổng mức đầu tư 6.966,19 tỷ đồng, được thực hiện trên địa bàn phường An Dương và phường An Hải.
Trong khi đó, dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị tại phường Hồng Thái, phường An Hải cũng không kém phần quan trọng. Với tổng vốn đầu tư 2.102 tỷ đồng và quy mô 21,49ha, dự án sẽ cung cấp các sản phẩm nhà ở liền kề, biệt thự và nhà ở xã hội, góp phần đáng kể vào việc phát triển đô thị tại khu vực này trong vòng 5 năm.
TP Hải Phòng đang triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị tại phường Lê Lợi và phường An Hả có quy mô 20ha với tổng mức đầu tư 2.780 tỷ đồng. Và nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, tại phường Nam Sơn (nay là phường An Dương), Hải Phòng kêu gọi đầu tư 2 dự án khu nhà ở xã hội, với tổng mức đầu tư 4.462 tỷ đồng trên diện tích khoảng 27,8 ha.
Tiếp đến là Dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Đông Sơn - Hòa Bình tại phường Trần Hưng Đạo và phường Hòa Bình, TP Thủy Nguyên với tổng vốn đầu tư 2.687,23 tỷ đồng, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành là 5 năm. Dự án được thực hiện trên diện tích 266.866 m2 tại phường Lưu Kiếm và phường Hòa Bình. Cuối cùng là dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị Thủy Đường - Thủy Sơn, với tổng vốn đầu tư gần 965 tỷ đồng và diện tích 76,78ha tại phường Thủy Nguyên.
P.V (t/h)
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 7/7: Đà Nẵng quy hoạch khu đô thị hơn 2.800ha quanh núi
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 5/7: Hải Phòng “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư loạt dự án nghìn tỷ
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 4/7: Đề xuất áp dụng 3 bảng giá đất tại TPHCM đến cuối năm nay
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 3/7: Duyệt chủ trương đầu tư 2 khu đô thị 54.600 tỷ đồng ở KKT Dung Quất
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 2/7: Hơn 100 dự án ở TPHCM đủ điều kiện miễn giấy phép xây dựng