Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 19/7: Đề xuất phạt 160 triệu đồng nếu kinh doanh bất động sản không lập doanh nghiệp
Đề xuất phạt 160 triệu đồng nếu kinh doanh bất động sản không lập doanh nghiệp
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Theo dự thảo, mức phạt từ 120 - 160 triệu đồng sẽ áp dụng cho những trường hợp kinh doanh bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định. Mức xử phạt hiện hành tối đa cho vi phạm này là 120 triệu đồng.
Đề xuất phạt 160 triệu đồng nếu kinh doanh bất động sản không lập doanh nghiệp/Ảnh minh họa |
Ngoài ra, mức phạt này cũng áp dụng cho các trường hợp: sàn giao dịch bất động sản ký hợp đồng với môi giới viên không đủ điều kiện, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ địa ốc không có cá nhân có chứng chỉ môi giới, sàn giao dịch niêm yết thông tin sai lệch và sàn hoạt động không có giấy phép.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2024 cũng đưa ra tiêu chí xác định kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ với tổng doanh thu không quá 300 tỷ đồng và số lần bán, chuyển nhượng không quá 10 lần mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng quy định này chưa có căn cứ pháp luật và không phản ánh đúng thực tế. Họ đề xuất giới hạn doanh thu dưới 100 tỷ đồng và chuyển nhượng tối đa 10 lần mỗi năm.
Chuyên gia cảnh báo rằng quy định mới có thể gây thất thu ngân sách, vì nhà nước đang khuyến khích các cá nhân, hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Nếu cá nhân kinh doanh bất động sản với doanh thu dưới 300 tỷ đồng, mức nộp ngân sách là 2% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, nếu thành lập doanh nghiệp, số thu ngân sách sẽ cao hơn, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nguồn cung căn hộ chung cư tại Thanh Hóa khan hiếm
Thanh Hóa đang trải qua giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, thu hút nhiều vốn đầu tư và lao động từ các địa phương khác. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là căn hộ chung cư tại các khu vực trung tâm và khu công nghiệp.
Với thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, người dân Thanh Hóa hiện có khả năng chi trả cho các căn nhà khang trang, tiện nghi hơn, bao gồm cả căn hộ chung cư. Ngoài ra, quan niệm về nhà ở cũng đang thay đổi khi nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, ưa chuộng mô hình nhà ở chung cư bởi sự tiện nghi, an ninh và môi trường sống hiện đại.
Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ chung cư tại Thanh Hóa hiện đang rất khan hiếm. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố chỉ có khoảng 6 dự án chung cư thương mại đã bàn giao và đi vào hoạt động. Do nguồn cung hạn chế, giá bán căn hộ chung cư tại đây liên tục tăng, có dự án tăng giá đến 30% chỉ trong vòng chưa đầy một năm.
Tại khu vực trung tâm thành phố Thanh Hóa, hiện chưa có nhiều lựa chọn về các khu căn hộ chung cư được quy hoạch bài bản, đầy đủ tiện ích đáp ứng nhu cầu sống văn minh của cư dân mới, đặc biệt là giới doanh nhân, trí thức và người trẻ thành đạt. Vì vậy, thông tin về dự án khu căn hộ chung cư thương mại Bình An Plaza nằm tại khu dân cư Tây Nam chợ Quảng Thắng, dự kiến bàn giao trong năm tới, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Bình An Plaza tọa lạc gần tổ hợp các bệnh viện lớn của tỉnh, với quy mô 12.000m², cung cấp 786 căn hộ và 30 tiện ích nội khu như công viên cây xanh, sân thể thao, khu vui chơi trẻ em, khu thể dục cho người cao tuổi. Đây là dự án chung cư được thiết kế theo phong cách Singapore, hứa hẹn sẽ là nơi an cư lý tưởng cho cư dân thế hệ mới tại Thanh Hóa.
Khởi công từ tháng 10/2023, Bình An Plaza đang được triển khai xây dựng với tiến độ nhanh chóng, đảm bảo bàn giao đúng dự kiến. Sau khi đi vào hoạt động, Bình An Plaza sẽ trở thành biểu tượng sống mới về cuộc sống hiện đại, năng động và bền vững đầu tiên tại Thanh Hóa.
Hơn 300 dự án chậm tiến độ tại Hà Tĩnh đang bị kiểm tra và xử lý
Ngày 18/7, trong kỳ họp thứ 20 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Việt Hà, cho biết hiện tỉnh có 240 dự án (ngoài Khu du lịch Xuân Thành) và 73 dự án tại Khu du lịch Xuân Thành chậm tiến độ kéo dài, đang được kiểm tra để xử lý.
Ảnh minh họa |
Ông Hồ Huy Thành, Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh, bày tỏ lo ngại về việc tỉnh chấp thuận nhiều dự án đầu tư nhưng thiếu kiểm soát và hậu kiểm sau khi chấp thuận, dẫn đến chậm trễ trong triển khai. Ông Thành đề nghị phân cấp hậu kiểm các dự án đã được chấp thuận cho cấp huyện, dưới sự hướng dẫn của Sở KH&ĐT.
Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, dự án của Tập đoàn Thiên Minh Đức ở huyện Kỳ Anh đang gặp vướng mắc về đất đai. Các dự án đầu tư trên địa bàn không chỉ thuộc chức năng của Sở KH&ĐT mà còn liên quan đến các sở, ngành và địa phương khác.
Tại huyện Cẩm Xuyên, Dự án Tre Nguồn ở khu du lịch Thiên Cầm chậm tiến độ và nợ ngân sách. Thanh tra tỉnh, Cục thuế và các cơ quan chức năng đã làm việc với chủ đầu tư để thống nhất việc nộp ngân sách và chấm dứt dự án trước ngày 30/7. Dự án xây dựng chợ, khách sạn, trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp Cẩm Xuyên giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, nhưng giai đoạn 2 chậm triển khai và đã bị xử phạt.
Ông Trần Việt Hà nhấn mạnh, Sở KH&ĐT thường xuyên phối hợp với các nhà đầu tư, sở, ngành và địa phương để cập nhật tiến độ, tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án. Đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án để điều chỉnh và xử lý phù hợp nhằm không để tình trạng tồn đọng kéo dài.
Quảng Nam ra 'tối hậu thư' về vụ tranh chấp bất động sản lớn nhất miền Trung
Ba dự án Khu đô thị Bách Đạt 1, Khu đô thị Hera Complex Riverside và Khu đô thị 7B mở rộng ở thị xã Điện Bàn, Quảng Nam do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư đang bị tranh chấp suốt 7 năm, khiến người dân không đòi được sổ đỏ. Công ty CP Bách Đạt An và Công ty Hoàng Nhất Nam đã ký hợp đồng bán khoảng 1.000 lô đất cho hơn 840 khách hàng nhưng không thống nhất được việc thực hiện hợp đồng, dẫn đến kiện tụng.
Trong buổi đối thoại mới đây, người dân bày tỏ bức xúc và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm chính quyền địa phương và hai doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu xử lý hành vi "lừa đảo" và chiếm dụng vốn của hai công ty này. Người dân cũng yêu cầu sớm ra sổ đỏ cho người mua đất.
Ông Nguyễn Công Mẫn, Chủ tịch HĐQT Bách Đạt An, cam kết sẽ hoàn thành nghĩa vụ thuế và làm việc với Công ty Hoàng Nhất Nam để tiếp tục thực hiện dự án trước ngày 26/7. Ông Trương Văn Hào, Tổng Giám đốc Hoàng Nhất Nam, cũng cam kết sẽ phối hợp với Bách Đạt An để hoàn thiện dự án, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Thượng tá Hà Thế Xuyên, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam, cảnh báo nếu Công ty Bách Đạt An không thực hiện các cam kết, vụ án hình sự có thể sẽ được khởi tố.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng, ra "tối hậu thư" cho Bách Đạt An, yêu cầu công ty hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định trước ngày 31/8, bao gồm nộp tiền nợ thuế, giải phóng mặt bằng và nộp tiền ký quỹ. Nếu không, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Lương Nguyễn Minh Triết, nhấn mạnh sẽ hỗ trợ để dự án được triển khai nhưng kiên quyết xử lý nếu công ty không thực hiện đúng cam kết, kể cả khởi tố hình sự nếu cần.
Hà Nam dừng chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật Khu Đại học Nam Cao giai đoạn 2
HĐND tỉnh Hà Nam thông qua Nghị quyết về dừng chủ trương đầu tư (kết thúc dự án) dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Đại học Nam Cao giai đoạn 2.
Hà Nam dừng chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật Khu Đại học Nam Cao giai đoạn 2/Ảnh minh họa |
Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hà Nam khóa XIX vừa qua, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua 27 Nghị quyết quan trọng. Trong số đó, thông qua Nghị quyết về dừng chủ trương đầu tư (kết thúc dự án) dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Đại học Nam Cao giai đoạn 2.
Về dự án này, trước đó vào tháng 8/2022, HĐND tỉnh Hà Nam cũng đã phê duyệt Nghị Quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Đại học Nam Cao giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư điều chỉnh từ 254,134 tỷ đồng thành 235,16 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 70 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 165,16 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án điều chỉnh từ 2016 - 2023.
Dự án Khu Đại học Nam Cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội. Khu đại học này được quy hoạch tại huyện Duy Tiên và thành phố Phủ Lý, với tổng diện tích 754 ha, bao gồm các cơ sở đào tạo, khu ở đô thị và hạ tầng kỹ thuật.
Huy Tùng (T/h)
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 19/9: Nghệ An hủy dự án Công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 18/9: Dự án sân bay Sa Pa gặp khó khăn vì thiếu nhà đầu tư
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 17/9: Hà Nội chuẩn bị đấu giá hơn 80 lô đất, khởi điểm từ 5,3 triệu đồng/m2
- Đấu giá đất: Thật hay ảo?
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 16/9: Hà Nội sắp có thêm chung cư hơn 24ha tại quận Ba Đình
- Điểm tin xây dựng - bất động sản tuần qua: Yêu cầu kiểm tra các bất động sản có yếu tố thổi giá
- Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 14/9: Cần phân hạng chung cư trước khi mở bán để bảo đảm minh bạch
- Điểm tin Xây dựng - bất động sản ngày 13/9: Xem xét chấm dứt hoạt động dự án chuyển đổi gần 900 ha rừng ở Gia Lai
- Điểm tin Xây dựng - bất động sản ngày 12/9: Đà Nẵng chờ quyết định của Thủ tướng về số phận dự án Golden Hills
- Điểm tin Xây dựng - Bất động sản ngày 11/9: Dự án chung cư QMS Tower bất ngờ dừng bán