Điểm tin ngân hàng ngày 29/4: Một số ngân hàng bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động
Một số ngân hàng bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động
Mặc dù mặt bằng lãi suất chung đang có xu hướng giảm, thời gian gần đây một số ngân hàng bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Các ngân hàng như Bac A Bank, Eximbank, OCB, GPBank, CIMB Bank và Agribank đã tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1% đến 0,75%/năm tại nhiều kỳ hạn. Đặc biệt, Agribank - thành viên nhóm Big4 - đã tăng lãi suất kỳ hạn 12–24 tháng lên mức 4,8–4,9%/năm.
![]() |
Một số ngân hàng bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động /Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động chung vẫn duy trì ở mức thấp, phần lớn các ngân hàng tiếp tục thực hiện giảm lãi suất theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân đã giảm khoảng 0,4% so với đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục ổn định trong ngắn hạn.
NHNN cũng duy trì thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào thông qua việc ngừng phát hành tín phiếu và đẩy mạnh bơm ròng vốn, hỗ trợ ổn định lãi suất. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất dao động quanh mức 3,5–4%.
Theo các chuyên gia, lãi suất cho vay thấp tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, với tín dụng toàn hệ thống quý I/2025 tăng 3,93% so với đầu năm. Dù sức ép từ biến động thuế quan và tỷ giá có thể gia tăng về dài hạn, dự báo mặt bằng lãi suất sẽ vẫn được duy trì ở vùng thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Quý 1/2025, lợi nhuận trước thuế OCB đạt 893 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa công bố báo cáo tài chính Quý 1/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 893 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, dù môi trường kinh tế còn nhiều thách thức.
Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của OCB đạt 289.067 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Dư nợ thị trường 1 đạt 184.388 tỷ đồng, trong đó nhóm khách hàng SME tăng trưởng ấn tượng 9,3%. Huy động thị trường 1 cũng tăng 7,9%, đạt 207.984 tỷ đồng.
Tổng thu nhập thuần đạt 2.273 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ 2024. Đáng chú ý, thu nhập thuần từ lãi đạt 2.164 tỷ đồng, tăng 13,8%, nhờ quy mô tín dụng tăng 20,4%. Thu nhập từ dịch vụ tăng 9,4%, đạt 131 tỷ đồng, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số và dịch vụ bảo hiểm.
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc OCB, lợi nhuận chưa đạt kỳ vọng do nợ xấu tăng ở phân khúc khách hàng cá nhân chịu tác động từ kinh tế suy yếu. Tuy nhiên, OCB vẫn kiên trì đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, chuyển đổi số và mở rộng mạng lưới, nhằm tạo nền tảng tăng trưởng bền vững dài hạn.
OCB hiện là một trong những ngân hàng tiên phong triển khai mô hình Ngân hàng mở (Open Banking), giúp tăng mạnh tỉ lệ CASA và lượng khách hàng. Số lượng giao dịch qua kênh số đạt 96,2%, tỷ lệ cao trong ngành. Ngân hàng cũng đẩy mạnh tín dụng xanh, với dư nợ tín dụng xanh chiếm 11% tổng dư nợ.
Năm 2025, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.338 tỷ đồng, tăng 33%. Ngân hàng dự kiến chia cổ tức tiền mặt lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 26.631 tỷ đồng.
ACB hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trước biến động thuế quan
Trước bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu và dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 chậm lại còn 2,7-3,3%, các doanh nghiệp Việt Nam đối diện nhiều thách thức trong hoạt động xuất nhập khẩu. Để vững vàng trước biến động, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động tái cơ cấu thị trường, đa dạng nguồn nguyên liệu, tối ưu chi phí vận hành và tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
![]() |
ACB hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trước biến động thuế quan |
Đồng hành cùng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ. Đặc biệt, ACB triển khai dịch vụ thanh toán quốc tế số hóa thông qua app ACB ONE BIZ và website online.acb.com.vn, cho phép doanh nghiệp thực hiện lệnh chuyển tiền quốc tế nhanh chóng, kèm theo yêu cầu mua ngoại tệ trực tuyến mà không cần nộp hồ sơ giấy.
Chị Ngọc Thủy, kế toán tại một doanh nghiệp dược phẩm, chia sẻ: "Từ ngày sử dụng ACB ONE BIZ, tôi không phải đến ngân hàng, việc thanh toán quốc tế trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều".
Bên cạnh đó, từ nay đến hết tháng 8/2025, ACB triển khai chương trình “Ngày vàng”, ưu đãi phí chuyển tiền quốc tế chỉ 9,9 USD/giao dịch vào thứ Hai hằng tuần, đồng thời cho phép doanh nghiệp giữ tỷ giá ngoại tệ lên đến 48 giờ để giảm thiểu rủi ro tỷ giá.
ACB hiện sở hữu mạng lưới đối tác quốc tế rộng lớn và có tỷ lệ điện chuẩn thanh toán đạt trên 99%, vượt mức trung bình toàn cầu. Chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế của ACB đã được nhiều tổ chức uy tín như JPMorgan Chase, Wells Fargo Bank, Standard Chartered Bank ghi nhận, khẳng định vai trò là người bạn đồng hành tin cậy của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Khi nào ngân hàng nhận tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm?
Tại tọa đàm "Tài sản bảo đảm ngân hàng: Những vấn đề quan tâm hiện nay" , các chuyên gia nhận định tín chỉ carbon có tiềm năng trở thành tài sản bảo đảm trong giao dịch tín dụng. Tuy nhiên, hiện các tổ chức tín dụng vẫn còn thận trọng do khó khăn trong việc xác định giá trị ổn định và thiếu hành lang pháp lý rõ ràng.
Theo TS. Lê Thị Giang (Đại học Luật Hà Nội), tín chỉ carbon mới được thừa nhận về mặt thương mại nhưng chưa được pháp luật Việt Nam ghi nhận cụ thể là tài sản bảo đảm, gây trở ngại cho việc phát triển loại hình này trong lĩnh vực tài chính.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, theo quy định hiện hành, tài sản số và tín chỉ carbon hoàn toàn có thể được coi là tài sản bảo đảm hợp pháp, nếu đáp ứng hai tiêu chí: quyền sở hữu hợp pháp và không bị cấm giao dịch. Tuy nhiên, do giá trị biến động mạnh, việc ngân hàng nhận thế chấp tín chỉ carbon vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn.
Ông Đỗ Giang Nam, thành viên HĐTV VAMC, cho biết Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý cho tín chỉ carbon, hướng tới hình thành thị trường giao dịch hoàn chỉnh vào năm 2028. Ông nhấn mạnh, ngoài hành lang pháp lý, các ngân hàng cần tính toán kỹ khả năng định giá, quản lý và xử lý rủi ro trước khi chấp nhận tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm.
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi sang kinh tế xanh và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tín chỉ carbon được kỳ vọng sẽ trở thành một công cụ tài chính quan trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, cần xây dựng hệ thống giao dịch minh bạch, tiêu chuẩn thẩm định giá chặt chẽ và cơ chế kiểm soát rủi ro hiệu quả để tín chỉ carbon thực sự gia nhập hệ sinh thái tài chính xanh.
Nợ xấu tăng mạnh, ngân hàng siết chặt quản lý tín dụng
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã tăng lên mức 4,3% vào tháng 1/2025, gây lo ngại lớn cho sự ổn định tài chính. Chỉ trong hai tháng đầu năm, nợ xấu đã tăng thêm 34.000 tỷ đồng, trong khi số nợ được xử lý mới đạt 15.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ trích lập dự phòng rủi ro. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng mà còn hạn chế khả năng hỗ trợ doanh nghiệp và làm suy giảm thanh khoản thị trường.
![]() |
Nợ xấu tăng mạnh, ngân hàng siết chặt quản lý tín dụng |
Nguyên nhân chính khiến công tác xử lý nợ xấu gặp khó khăn là do nhiều vướng mắc pháp lý, đặc biệt là quyền thu giữ tài sản bảo đảm chưa được luật hóa. Các ngân hàng thương mại phản ánh rằng, mặc dù Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép thu giữ tài sản bảo đảm, nhưng hiệu quả thực thi còn thấp vì vướng mắc từ Luật Đất đai và quá trình thi hành án kéo dài. Trong số hơn 40.000 vụ việc có hiệu lực thi hành năm 2024, chỉ khoảng 15% được giải quyết thành công.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, nhằm luật hóa một số quy định của Nghị quyết 42. Việc này được kỳ vọng giúp các ngân hàng thu hồi nợ hiệu quả hơn và tăng cường kỷ luật trả nợ trong xã hội.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cảnh báo việc trao quyền thu giữ tài sản cần được quy định chặt chẽ, công khai và minh bạch để tránh nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp. Các ý kiến đề nghị quá trình thu giữ phải dựa trên thỏa thuận tín dụng và đảm bảo sự kiểm soát cần thiết của cơ quan tư pháp, tránh “hành chính hóa” quan hệ dân sự.
Trong bối cảnh nợ xấu có thể tiếp tục gia tăng năm 2025, các ngân hàng đang siết chặt kiểm soát tín dụng và phân loại sớm các khoản nợ rủi ro để bảo vệ an toàn hệ thống.
Huy Tùng ( T/h)
-
Điểm tin ngân hàng tuần qua: Nhiều ngân hàng tham gia gói tín dụng 500.000 tỉ đồng
-
Điểm tin ngân hàng ngày 24/4: Lợi nhuận ACB giảm do thu nhập lãi thuần và lỗ từ chứng khoán
-
Điểm tin ngân hàng ngày 19/4: Ngân hàng dùng gần nửa nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu
-
Điểm tin ngân hàng ngày 16/4: Ngân hàng liên tục rao bán nợ xấu hàng trăm tỷ đồng
- Điểm tin ngân hàng ngày 28/4: Tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank cuối quý 1/2025 vượt 3%
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Nhiều ngân hàng tham gia gói tín dụng 500.000 tỉ đồng
- Techcombank tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025
- ĐHĐCĐ Vietcombank 2025: Thông qua kế hoạch phát hành hơn 543 triệu cổ phiếu riêng lẻ, bầu bổ sung thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát
- Điểm tin ngân hàng ngày 26/4: BIDV công bố kế hoạch tăng vốn gần 22.000 tỉ đồng