Điểm tin ngân hàng ngày 22/5: Người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng kỷ lục
Người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng kỷ lục
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến cuối tháng 2/2025, cho thấy xu hướng gia tăng mạnh mẽ của dòng tiền gửi dân cư.
![]() |
Người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng kỷ lục/Ảnh minh họa |
Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 18,157 triệu tỷ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2024. Trong đó, tổng tiền gửi tại hệ thống TCTD đạt hơn 14,7 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 106.000 tỷ đồng so với tháng trước, dù vẫn giảm nhẹ gần 3.900 tỷ đồng so với cuối năm 2024 do yếu tố mùa vụ của khối doanh nghiệp.
Đáng chú ý, tiền gửi của dân cư tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm, đạt hơn 301.000 tỷ đồng – mức tăng cao nhất trong lịch sử, tương đương 4,26%. Riêng tháng 2, tiền gửi dân cư tăng thêm 178.000 tỷ đồng, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 13 liên tiếp. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức thấp và các kênh đầu tư khác còn nhiều rủi ro, gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn an toàn, được người dân ưu tiên.
Trái lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh hơn 305.000 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm do nhu cầu thanh toán lương, thưởng Tết và đầu tư kinh doanh thời điểm cao điểm.
Về phía các ngân hàng, BIDV đang dẫn đầu hệ thống về quy mô tiền gửi với hơn 1,97 triệu tỷ đồng, tiếp theo là VietinBank và Vietcombank. Trong nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank giữ vị trí số một, còn VPBank là đơn vị tăng trưởng tiền gửi mạnh nhất quý I/2025, với mức tăng hơn 66.700 tỷ đồng (tương đương 13,7%).
Ngành Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh, hướng tới tăng trưởng bền vững
Ngày 21/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm “Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” và công bố Sổ tay Hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì sự kiện.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường tác động mạnh đến phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, NHNN đã sớm vào cuộc, lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào chính sách tín dụng và ban hành Kế hoạch hành động toàn ngành từ năm 2023 nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường – xã hội.
Đến tháng 3/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ xanh, gấp gần 4 lần so với năm 2017. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh bình quân đạt trên 21%/năm – cao hơn trung bình toàn ngành. Dư nợ có đánh giá rủi ro môi trường – xã hội đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với năm 2017.
Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu khung pháp lý, công cụ thẩm định chưa hoàn thiện, vốn quốc tế còn hạn chế. Tọa đàm lần này là dịp để các bên chia sẻ kinh nghiệm, xác định lộ trình cụ thể cho tín dụng xanh, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi bền vững.
Phó Thống đốc kỳ vọng, Sổ tay quản lý rủi ro môi trường – xã hội sẽ là công cụ thiết thực, giúp các TCTD “cầm tay chỉ việc” triển khai hiệu quả tín dụng xanh, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh của quốc gia giai đoạn tới.
VietABank trả cổ tức "khủng" nhất năm 2025
Trong mùa đại hội cổ đông 2025, VietABank bất ngờ vươn lên dẫn đầu hệ thống ngân hàng về tỷ lệ chi trả cổ tức với kế hoạch phát hành hơn 285 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ lên tới 52,8%. Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong năm và cũng là một trong những đợt chi trả cổ tức lớn nhất lịch sử của VietABank. Dự kiến, việc phát hành sẽ hoàn tất trong quý III hoặc đầu quý IV năm nay.
![]() |
VietABank trả cổ tức "khủng" nhất năm 2025 |
Theo thống kê, tính đến nay đã có 18/27 ngân hàng niêm yết công bố kế hoạch trả cổ tức. Trong đó, VietinBank đứng thứ hai với kế hoạch phát hành gần 2,4 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 44,6%. MB cũng lên kế hoạch phát hành gần 2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 32%, bên cạnh chi trả 1.831 tỷ đồng bằng tiền mặt.
Ở nhóm chi trả bằng tiền mặt, LPBank dẫn đầu với tỷ lệ 25%, tương ứng hơn 7.468 tỷ đồng, trở thành ngân hàng chi trả cổ tức tiền mặt lớn nhất về cả tỷ lệ và quy mô. ACB cũng đáng chú ý với kế hoạch chia cổ tức tổng cộng 25% (gồm 10% tiền mặt và 15% cổ phiếu), tương đương hơn 4.467 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác có tỷ lệ cổ tức ở mức cao như: Nam A Bank (25%), VIB (21%), MSB (20%). Trong khi đó, BIDV dự kiến phát hành gần 1,9 tỷ cổ phiếu để chia cổ tức và tăng vốn.
Hiện còn 9 ngân hàng, bao gồm Vietcombank, HDBank và Sacombank, vẫn chưa công bố hoặc không có kế hoạch trả cổ tức trong năm 2025.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm rời ghế CEO Sacombank sau 8 năm
Ngày 20/5, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), chính thức thông báo rời cương vị điều hành sau 8 năm dẫn dắt ngân hàng vượt qua giai đoạn tái cơ cấu đầy thách thức. Bà sẽ tiếp tục đồng hành cùng Sacombank trên cương vị thành viên Hội đồng quản trị, tập trung hoạch định chiến lược phát triển trong thời kỳ hậu tái cấu trúc.
Trong tâm thư gửi tới toàn thể cán bộ nhân viên, bà Diễm bày tỏ niềm tự hào khi được cống hiến và dấn thân trọn vẹn cho hành trình vực dậy Sacombank. “Tôi đã sống, đã dám làm, đã dấn thân hết mình cho hành trình tái cơ cấu, hồi phục và vươn mình mạnh mẽ của Sacombank”, bà chia sẻ.
Gắn bó với Sacombank từ năm 2002, bà Diễm khởi đầu từ vị trí giao dịch viên và từng bước thăng tiến qua nhiều vai trò quản lý quan trọng. Bà được bổ nhiệm làm CEO từ tháng 7/2017 – thời điểm ngân hàng bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập Southern Bank, đối mặt với khoản tài sản không sinh lời lên tới hơn 96.000 tỷ đồng, chiếm gần 30% tổng tài sản.
Dưới sự điều hành của bà Diễm, Sacombank từng bước khôi phục năng lực tài chính, uy tín và hiệu quả hoạt động. Tính đến cuối năm 2024, ngân hàng đã xử lý hơn 76.000 tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ tài sản tồn đọng về còn 2,4% tổng tài sản.
Hiện Sacombank chưa công bố nhân sự kế nhiệm vị trí Tổng giám đốc. Việc bà Diễm rút lui đánh dấu một giai đoạn chuyển giao quan trọng trong hành trình phát triển mới của Sacombank sau gần một thập kỷ tái cấu trúc.
VietinBank tiếp tục đóng loạt phòng giao dịch
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã: CTG) đang tiếp tục lộ trình tinh gọn hệ thống khi công bố chấm dứt hoạt động nhiều phòng giao dịch (PGD) tại các địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Quảng Ninh, Gia Lai và Thừa Thiên Huế, bắt đầu từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2025.
![]() |
Ảnh minh họa |
Cụ thể, PGD Lạc Trung (Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội) và PGD Âu Cơ (Chi nhánh 2, TP HCM) sẽ dừng hoạt động lần lượt vào ngày 24 và 26/5. Tại Đồng Nai, PGD Tân Tiến ngừng giao dịch từ ngày 1/6; PGD Cẩm Tây (Quảng Ninh) cũng đóng cửa cùng thời điểm. Tại miền Trung – Tây Nguyên, PGD Thuận Thành (Huế) sẽ chấm dứt hoạt động từ 7/6, trong khi PGD Phù Đổng và PGD Chư Pưh (Gia Lai) sẽ ngừng hoạt động vào ngày 12/6.
Đây là đợt tinh gọn thứ hai trong năm nay của VietinBank, sau khi đóng 25 PGD vào tháng 3. Tính đến hết quý I/2025, ngân hàng có 157 chi nhánh và 943 phòng giao dịch, giảm 10 đơn vị so với cuối năm 2024.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình khẳng định VietinBank đang tái cấu trúc mạnh mẽ, trở thành ngân hàng đầu tiên trong nhóm Big 4 thực hiện cắt giảm quy mô mạng lưới truyền thống để chuyển hướng sang mô hình ngân hàng số. “Việc cắt giảm hàng trăm điểm giao dịch là bước đi chiến lược, nhường chỗ cho các nền tảng số hiện đại nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng,” ông Bình nhấn mạnh.
Song song với tinh giản bộ máy, VietinBank đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đặc biệt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị và chăm sóc khách hàng, hướng tới tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trong kỷ nguyên số.
Huy Tùng ( T/h)
-
Điểm tin ngân hàng ngày 21/5: Mua bán USD trái phép có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
-
Điểm tin ngân hàng ngày 20/5: Tỷ giá USD thế giới giảm mạnh, “chợ đen” quay đầu tăng
-
Điểm tin ngân hàng ngày 19/5: Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong quý I/2025
-
Điểm tin ngân hàng tuần qua: Mua bán, mở hộ thẻ ngân hàng có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
- Điểm tin ngân hàng ngày 21/5: Mua bán USD trái phép có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
- Điểm tin ngân hàng ngày 20/5: Tỷ giá USD thế giới giảm mạnh, “chợ đen” quay đầu tăng
- Điểm tin ngân hàng tuần qua: Mua bán, mở hộ thẻ ngân hàng có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
- Điểm tin ngân hàng ngày 17/5: Lãi suất huy động chạm đáy, liệu có sớm đảo chiều?
- Sức hút từ “Gói vay mua nhà cho người trẻ” lớn nhất, tốt nhất thị trường