Đà giảm lãi suất huy động sẽ không dừng lại?

13:30 | 13/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Từ đầu tháng 7 đến nay, loạt ngân hàng như MSB, LPBank... dồn dập giảm lãi suất huy động xuống dưới 7,5%. Từ nay đến cuối năm, dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm.
Chuyên gia tài chính chỉ cách khơi thông dòng vốn ngân hàngChuyên gia tài chính chỉ cách khơi thông dòng vốn ngân hàng
Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các hội viên giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dânHiệp hội Ngân hàng kêu gọi các hội viên giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất huy động

Lãi suất huy động giảm mạnh trong những tháng gần đây sau khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành chỉ trong vòng hơn 3 tháng, đánh dấu chu kỳ hạ lãi suất nhanh nhất trong những năm gần đây. Đặc biệt, kể từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục giảm lãi suất huy động.

Đà giảm lãi suất huy động sẽ không dừng lại?
Nhiều ngân hàng dồn dập giảm lãi suất huy động xuống dưới 7,5%/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Mới đây nhất, lãi suất huy động tại SeABank ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,3 điểm % so với trước đó.

Cụ thể, với số tiền gửi trên 10 tỷ - mức tiền gửi được hưởng lãi suất cao nhất, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống còn 6,7%/năm; các kỳ hạn 7 - 11 tháng giảm về còn 6,73 - 6,85%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7,3%/năm xuống còn 7%/năm; các kỳ hạn trên 12 tháng được hưởng lãi suất 7,1 - 7,4%, cùng giảm 0,3 điểm % so với trước đó. Mức lãi suất cao nhất được SeABank áp dụng là 7,4%/năm, dành cho kỳ hạn 36 tháng.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã giảm thêm lãi suất huy động từ đầu tuần này.

Chẳng hạn ngày 10/7 vừa qua, LPBank tiếp tục giảm lãi suất huy động với mức giảm đến 0,4 điểm % áp dụng cho các kỳ hạn tiền gửi từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất huy động online kỳ hạn 6-11 tháng chỉ còn 6%/năm, tức giảm 0,4 điểm %. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng giảm nhẹ 0,1 điểm %, còn 6,5%/năm; kỳ hạn 18-60 tháng giảm 0,2 điểm %, còn 6,8%/năm.

Cùng ngày, BVBank cũng thông báo giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. Kỳ hạn 6 - 7 tháng được giảm 0,1 điểm % xuống còn 7%/năm. Kỳ hạn 8 - 9 tháng giảm 0,3 điểm % xuống còn 7,1%/năm. Kỳ hạn 12 tháng được giảm 0,4 điểm % còn 7,3%/năm. Kỳ hạn 15 - 18 tháng cũng được giảm 0,4 điểm %, còn 7,4%/năm.

Cũng trong ngày 10/7, ngân hàng MSB cũng đồng loạt giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và giữ nguyên tại các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Cụ thể, tại hình thức gửi online - sản phẩm có lãi suất cao nhất - lãi suất huy động kỳ hạn 6 -11 tháng giảm từ 7,3%/năm xuống 7,1%/năm; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm từ 7,4%/năm xuống còn 7,2%/năm.

Ngân hàng Bắc Á cũng đã thông báo giảm lãi suất huy động, áp dụng từ ngày 10/7.

Cụ thể, lãi suất huy động ở các kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,15 điểm % còn 7,45%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng cũng giảm 0,15 điểm % còn 7,55%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đều được giảm 0,2 điểm %. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng còn 7,6%/năm; kỳ hạn 13-15 tháng còn 7,65%/năm; kỳ hạn 18-36 tháng còn 7,7%/năm.

Tương tự, Ngân hàng OCB cũng hạ lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn kể từ ngày 10/7. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng được giảm 0,3 điểm %, còn 7%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,39 điểm %, còn 7,1%/năm; kỳ hạn 12 - 15 tháng giảm 0,3 điểm % còn 7,3%/năm; các kỳ hạn tiền gửi từ 18 - 36 tháng cũng được giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 7,1%/năm.

Như vậy, tính từ đầu tháng 7/2023, khoảng 14 ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất huy động như ABBank, Saigonbank, SHB, NamA Bank, Eximbank, LPBank, VPBank, OCB và MSB, BacA Bank, BVBank, VietBank, OceanBank, TPBank. Trong đó, LPBank đã hai lần giảm lãi suất trong tháng.

Đáng chú ý, một số ngân hàng nhỏ cũng đang có mức lãi suất huy động cao ngang ngửa BaoVietBank như GPBank (7,85%), PVComBank (7,8%), OceanBank (7,8%), Saigonbank (7,8%). Đối với nhóm ngân hàng tư nhân lớn, lãi suất tiền gửi chủ yếu dao động trong khoảng 7 - 7,3%/năm, như SHB (7,2%), MB (7,1%), Techcombank (7,1%), ACB (6,9%), TPBank (6,7%)…

Ngoài ra, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank đang có lãi suất huy động cao nhất chỉ ở mức 6,3%/năm.

Thực tế, từ thời điểm đầu năm 2023, hầu hết các ngân hàng tư nhân đều có mức lãi suất huy động trên 9% cho kỳ hạn 12 tháng, có nhà băng còn niêm yết mức lãi suất trên 10%. Đến thời điểm hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm khoảng 2 -3 điểm % so với thời điểm đầu năm (tháng 1/2023).

Trong báo cáo công bố mới đây, Ngân hàng HSBC cũng kỳ vọng sẽ còn một đợt giảm 0,5 điểm% nữa trong quý III/2023. Động thái này nhiều khả năng sẽ đưa lãi suất điều hành của Việt Nam xuống 4,0%, đảo ngược những nỗ lực thắt chặt trong năm 2022, đồng thời tương đương với mức giảm lãi suất trong suốt đại dịch. Mặc dù vậy, vẫn có khả năng không có thêm đợt cắt giảm lãi suất trong sáu tháng cuối năm 2023 trong trường hợp tăng trưởng "chạm đáy" và bật trở lại sớm hơn kỳ vọng.

Theo bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán KB Việt Nam, dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại sẽ giảm về quanh mức 6,7%/năm.

Cắt giảm lãi suất, các ngân hàng hưởng lợi gì?

Đà giảm lãi suất huy động sẽ không dừng lại?

Lãi suất huy động tăng nhanh từ quý 4/2022 làm cho chi phí vốn tăng nhanh trong khi lãi suất cho vay điều chỉnh chậm hơn (3-6 tháng một lần) dẫn tới chi phí vốn tăng nhanh hơn lãi suất sinh lợi làm giảm tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng trong quý I/2023.

Hiện nay trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn cuối cùng của chu kỳ thắt chặt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những động thái nới lỏng chính sách với 4 lần liên tục cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm.

Động thái này đã kéo theo việc các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng mạnh tay thực hiện các chính sách cắt giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định ngân hàng là một trong các nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất hiện nay.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các đợt giảm lãi suất có thể giúp hỗ trợ nền kinh tế, từ đó giúp mức tăng trưởng tín dụng đạt 13% trong năm 2023. Đồng thời, lãi suất giảm và các chính sách từ NHNN sẽ làm ổn định chất lượng tài sản của ngân hàng. Những yếu tố này đều sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của ngân hàng.

Trong Báo cáo Chiến lược 6 tháng cuối năm 2023, Chứng khoán VNDirect cũng lập luận rằng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng đầu năm đều đã giảm đáng kể so với đầu năm. Tới cuối năm 2023, lãi suất tiền gửi 12 tháng có thể giảm về mức 6-6,5%/năm, tạo điều kiện môi trường cho vay phù hợp hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hoạt động mang lại lợi nhuận chính cho các ngân hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng dự kiến hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất thấp là tình trạng nợ xấu. Khi tài sản tài chính hồi phục, chi phí vốn giảm, tình trạng căng thẳng thanh khoản biến mất sẽ hỗ trợ rất lớn cho sự phục hồi của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. Khi sức khỏe nền kinh tế phục hồi, tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm xuống.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Phương