Cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nền tảng phát triển kinh tế số

11:59 | 11/01/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đây là một nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 được Chính phủ ban hành ngày 08/01/2022. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo tinh thần chủ đề điều hành "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" với 6 quan điểm, trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nền tảng phát triển kinh tế số
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

6 trọng tâm chỉ đạo điều hành

Thứ nhất, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, căn cứ vào tình hình thực tiễn để chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường; tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có khả năng chống chịu với tác động tiêu cực từ bên ngoài; nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, biến thách thức thành cơ hội; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; khắc phục hạn chế, yếu kém của năm 2021, nhất là các tồn tại, hạn chế kéo dài; thực hiện thành công, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững.

Thứ hai, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Xác định tiêm chủng vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19 và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân là các yếu tố quyết định trong kiểm soát dịch bệnh thành công để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, chủ động nắm chắc tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Tập trung thực hiện 03 trọng tâm là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả. Phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm.

Thứ tư, tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chú trọng nguồn lực con người, phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động.

Thứ năm, bảo đảm an sinh xã hội, an dân, thực hiện tốt chính sách xã hội đối với người có công, khôi phục và ổn định thị trường lao động, tạo việc làm, cơ cấu lại lực lượng lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thứ sáu, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục củng cố, tăng cường, giữ vững quốc phòng, an ninh. Chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Chính phủ đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Một là, tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022; phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6-6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Ba là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Bốn là, phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Năm là, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Sáu là, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Bảy là, phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Tám là, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chín là, tăng cường công tác xây dựng Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Mười là, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Mười một, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Mười hai, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Về tổ chức thực hiện, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt nghiêm túc phương châm phát huy tối đa các mặt tích cực, khẩn trương kiên quyết, kiên trì khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập; …; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của Bộ, ngành, địa phương mình. Trước ngày 20/01/2022, xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đầu ra đối với từng nhiệm vụ và phân công đơn vị chủ trì thực hiện, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2022.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, chủ động phân tích, đánh giá, dự báo để có giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường và đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số, thực hiện công tác thống kê kịp thời, chính xác; định kỳ hằng quý cập nhật kịch bản phát triển ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, cập nhật kịch bản tăng trưởng chung của quốc gia.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tiến độ, kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng quý, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, các nhiệm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và chuẩn bị nội dung xây dựng Nghị quyết của Chính phủ cho năm 2023, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/11/2022 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tháng 12/2022.

Các Bộ, ngành tổng hợp, phụ trách theo dõi các lĩnh vực kinh tế vĩ mô có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tham mưu, đề xuất giải pháp, biện pháp cụ thể điều hành kinh tế vĩ mô, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và cơ quan liên quan đôn đốc, theo dõi, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết này./.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Minh Hậu

mpi.gov.vn