Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Công suất điện mặt trời ở EU tăng kỷ lục trong năm 2022

10:00 | 26/12/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Điện gió Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục về vận hành với 3.386 MW; Dự án hạt nhân tại Mỹ chậm trễ do ngừng sử dụng nguồn nhiên liệu từ Nga; Luật khẩn cấp về năng lượng mặt trời ở châu Âu… là một số tin tức đáng chú ý.
Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Indonesia triển khai chương trình nhiên liệu B35 từ năm 2023Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Indonesia triển khai chương trình nhiên liệu B35 từ năm 2023
Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Công suất điện mặt trời ở EU tăng kỷ lục trong năm 2022
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Công suất điện mặt trời ở EU tăng kỷ lục trong năm 2022

Báo cáo mới công bố của tổ chức đại diện cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời châu Âu (Solar Power Europe) cho biết, công suất năng lượng mặt trời tại Liên minh châu Âu (EU) tăng kỷ lục trong năm 2022 lên tới 41,4 GW, tăng 47% so với năm 2021 (28,1 GW công suất lắp đặt).

Theo Solar Power Europe, Đức vẫn là thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất ở châu Âu trong năm 2022, với 7,9 GW, tiếp theo là Tây Ban Nha (7,5 GW), Ba Lan (4,9 GW), Hà Lan (4,0 GW) và Pháp (2,7 GW). Trong năm 2022, 26 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã triển khai nhiều năng lượng mặt trời hơn so với năm trước.

Giám đốc điều hành của Solar Power Europe tuyên bố: “Chúng tôi đang vượt xa dự báo của chính mình từ một năm trước”. Theo dự báo của Solar Power Europe, tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường năng lượng mặt trời sẽ tiếp tục và sẽ vượt mức 50 GW công suất mới vào năm 2023, đạt 85 GW vào năm 2026.

Điện gió Việt Nam đã đạt mốc kỷ lục về vận hành với 3.386 MW

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, gió Đông Bắc dù đến muộn nhưng đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các khu vực tập trung điện gió như Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, khiến các nguồn điện gió trên cả nước đồng loạt phát cao, với công suất thường xuyên duy trì ở mức 1.500-2.500 MW và sản lượng điện bình quân đạt xấp xỉ 50 triệu kWh/ngày, cao hơn 140% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, trong các ngày 17 và 18/12, hệ thống điện quốc gia ghi nhận mức tổng công suất phát của các nguồn điện gió thường duy trì trên 3.000 MW, đạt cao nhất 3.386 MW vào lúc 15h20 ngày 17/12. Kỷ lục vận hành gần nhất là 3.077 MW vào ngày 5/2/2022. Hiện hệ thống có 4.667 MW điện gió đang nối lưới vận hành.

Với mức công suất mới này, các nguồn điện gió Việt Nam đã phát đồng thời được đến 85% công suất lắp đặt. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, thách thức trong vận hành nguồn điện này, bởi khi gặp gió quá lớn (thường có tốc độ trên 21-22m/s), các turbine sẽ đạt tới giới hạn và phải ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn.

Dự án hạt nhân tại Mỹ chậm trễ do ngừng sử dụng nguồn nhiên liệu từ Nga

Công ty TerraPower cho biết việc xây dựng lò phản ứng tiên tiến của TerraPower sẽ phải đối mặt với sự chậm trễ ít nhất trong hai năm vì nguồn nhiên liệu duy nhất của nó là từ Nga và mối quan hệ thương mại này đã bị ngưng lại từ sau cuộc xung đột tại Ukraine.

Giám đốc điều hành của TerraPower, cho biết nguồn nhiên liệu HALEU thương mại duy nhất từ Nga không thể trở thành một phần khả thi trong chuỗi cung ứng cho TerraPower, cũng như cho những công ty khác trong ngành năng lượng hạt nhân ở Mỹ. Do vậy, hiện tại công ty thiếu nhiên liệu và không có công trình nào được khởi công xây dựng trên các cơ sở làm giàu nhiên liệu mới. TerraPower đang dự đoán thời gian chậm trễ tối thiểu là hai năm để có thể đưa lò phản ứng Natrium vào hoạt động.

Thiết kế nhà máy điện hạt nhân tiên tiến của Terrapower, được gọi là Natrium, sẽ nhỏ hơn các lò phản ứng hạt nhân thông thường và dự kiến ​​tiêu tốn 4 tỷ USD, với một nửa số tiền đó đến từ Bộ Năng lượng Mỹ. Nhà máy sẽ cung cấp công suất tải cơ bản là 345 megawatt, với khả năng mở rộng công suất lên 500 megawatt, khoảng một nửa mức cần thiết để cung cấp năng lượng cho một thành phố cỡ trung bình, theo phương cách Bill Gates đề cập trong cuốn sách của mình“Làm thế nào để tránh một thảm họa khí hậu”.

Nhà máy phụ thuộc vào uranium làm giàu ở mức độ cao, hay còn gọi là HALEU. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết đội lò phản ứng hạt nhân hiện có ở Mỹ chạy nhiên liệu uranium-235 được làm giàu tới 5%, trong khi HALEU được làm giàu từ 5% đến 20%.

Luật khẩn cấp về năng lượng mặt trời ở châu Âu

Theo điều luật mới, từ tháng 1/2024, những dự án lắp đặt năng lượng mặt trời lên các cơ sở hạ tầng sẽ có thời hạn phê duyệt tối đa là 3 tháng. Nhờ văn bản này, những nước EU sẽ có thể triển khai những dự án năng lượng mặt trời nhanh chóng và dễ dàng hơn.

EU đặt mục tiêu đạt được 60 GW năng lượng mặt trời cho mùa đông năm 2023. Như vậy, quyết định này là biện pháp khẩn cấp đầu tiên của EU cho ngành năng lượng tái tạo. Hơn nữa, mục tiêu đạt được 60 GW này sẽ tạo ra cơ hội thương mại để thu hút những công ty năng lượng tái tạo như SolarPower Europe.

Ngoài ra, những dự án có công suất dưới 50 KW phải được phê duyệt trong một tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp bị hạn chế về mạng lưới điện, quy mô dự án có thể sẽ bị giảm xuống còn 10,8 KW.

Điều luật mới dự kiến ​​sẽ đi vào hiệu lực từ tháng 1/2023 và kéo dài trong 18 tháng.

EU thông qua kế hoạch hỗ trợ năng lượng tái tạo 28 tỷ euro của Đức

Kế hoạch hỗ trợ trị giá 28 tỷ euro của Chính phủ Đức sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Kế hoạch hỗ trợ sẽ kéo dài đến năm 2026 với mục tiêu sản xuất 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết kế hoạch này là cần thiết và phù hợp để thúc đẩy năng lượng tái tạo cũng như giảm lượng khí thải. Mở rộng sản xuất năng lượng sạch được coi là chìa khóa để đáp ứng mục tiêu của Đức là loại bỏ lượng khí thải nhà kính ròng vào năm 2045 cũng như bù đắp một phần nguồn cung năng lượng thiếu hụt do tình hình xung đột tại Ukraine gây ra.

Trước đó, Chính phủ Đức khẳng định trong chưa đầy một thập niên nữa, Đức sẽ tăng gần gấp đôi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ điện và tăng gấp ba lần tốc độ mở rộng điện tái tạo - trên mặt nước, trên đất liền và trên mái nhà. Đây là điều kiện để Đức có thể đảm bảo an ninh năng lượng và chủ quyền năng lượng, đặt nền tảng để trở thành quốc gia trung hòa carbon.

G.Minh (t/h)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

vietinbank
ajinomoto