Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Ai Cập đặt mục tiêu sản xuất hydro xanh với chi phí thấp nhất toàn cầu

06:10 | 31/10/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trà Vinh xây dựng nhà máy điện sinh khối hơn 1.000 tỷ đồng; Ba Lan lựa chọn nhà thầu Mỹ xây dựng nhà máy điện hạt nhân; Hungary cam kết thúc đẩy năng lượng địa nhiệt… là một số tin tức đáng chú ý.
Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Ai Cập đặt mục tiêu sản xuất hydro xanh với chi phí thấp nhất toàn cầu
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ai Cập đặt mục tiêu sản xuất hydro xanh với chi phí thấp nhất toàn cầu

Tại Hội nghị Kinh tế 2022 tổ chức ở thành phố Sharm El-Sheikh ngày 24/10, Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo Ai Cập Mohamed Shaker cho biết bộ này cùng Bộ Dầu khí đã ký Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), nhằm tài trợ cho những nghiên cứu tiềm năng liên quan tới chuỗi cung ứng hydro carbon thấp.

Theo ông Shaker, EBRD sẽ giúp Ai Cập khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh bằng cách hỗ trợ phát triển chiến lược quốc gia nhằm sản xuất hydro xanh với chi phí thấp.

Chiến lược nói trên sẽ giúp Ai Cập sản xuất hydro xanh với chi phí thấp nhất trên toàn thế giới, có giá khoảng 1,7 USD/kg, vào năm 2050. Mục tiêu tham vọng này cũng mở đường cho việc thực hiện kế hoạch lớn nhằm hỗ trợ đất nước Bắc Phi này giành được 8% thị phần thị trường hydro toàn cầu.

Trà Vinh xây dựng nhà máy điện sinh khối hơn 1.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Quyết định số 1947/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh, tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú. Dự án có 4 đơn vị doanh nghiệp thực hiện gồm Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2; Công ty CP Năng lượng HCG Trà Vinh; Công ty CP Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ; Công ty CP Năng lượng tái tạo và Nông nghiệp Ninh Thuận.

Dự án Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh có quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 11 ha và 0,6 ha mặt nước. Nhà máy điện sinh khối sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, sử dụng lò hơi đốt ghi xích với công suất thiết kế của nhà máy 25MW.

Tổng vốn đầu tư Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh cùng một số công trình phụ trợ khác là trên 1.066 tỷ đồng, thời gian thực hiện 3 năm kể từ ngày được cấp chủ trương đầu tư và thời hạn hoạt động của dự án 49 năm. Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng từ quý II/2023 và thời gian vận hành thương mại nguồn năng lượng tái tạo vào quý I/2025.

EU cấm ô tô chạy bằng xăng và động cơ diesel từ năm 2035

Ngày 27/10, các nhà đàm phán của EU đã ký thỏa thuận đầu tiên của gói “Phù hợp cho 55” do Ủy ban châu Âu thiết lập nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu của EU là cắt giảm 55% lượng khí thải gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu trong thập kỷ này.

Nghị viện EU cho biết thỏa thuận này là một "tín hiệu rõ ràng trước Hội nghị về biến đổi khí hậu COP27 của LHQ rằng EU nghiêm túc trong việc thông qua các luật cụ thể để đạt được các mục tiêu tham vọng hơn được đề ra trong Luật Khí hậu của EU".

Theo dữ liệu của Eu, giao thông vận tải là lĩnh vực duy nhất có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng lên trong ba thập kỷ qua, tăng 33,5% trong giai đoạn 1990 - 2019. Xe du lịch là tác nhân gây ô nhiễm lớn, chiếm 61% tổng lượng khí thải CO2 trong vận tải đường bộ của EU.

EU muốn giảm mạnh lượng khí thải từ giao thông vận tải vào năm 2050 và thúc đẩy ô tô điện, nhưng theo báo cáo năm ngoái cho thấy khu vực này đang thiếu các trạm sạc thích hợp.

Ba Lan lựa chọn nhà thầu Mỹ xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Thủ tướng Ba Lan - ông Mateusz Morawiecki ngày 28/10 xác nhận Ba Lan đã chấp nhận lời đề nghị của Mỹ về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước này. Theo đó, Tập đoàn Điện hạt nhân Westinghouse Electric của Mỹ và chính phủ Ba Lan sẽ ký hợp đồng xây dựng các lò phản ứng hạt nhân.

Ba Lan dự kiến xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiệt điện. Trong đó, 3 lò phản ứng đầu tiên do công ty Mỹ Westinghouse Electric xây dựng, sẽ được khởi công vào năm 2026 và đi vào hoạt động vào năm 2033. Theo thiết kế, tất cả 6 lò phản ứng sẽ hoạt động vào năm 2043, với tổng công suất lắp đặt từ 6-9 GW.

Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Mỹ cho biết: “Đây là một thỏa thuận lớn. Việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân không chỉ bó hẹp trong một dự án năng lượng thương mại mà còn cho thấy sự lựa chọn về hợp tác an ninh quốc phòng trong nhiều thập kỷ tới”.

Indonesia lên kế hoạch kết nối điện tại khu vực Đông Nam Á

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, quốc gia này đang có kế hoạch xây dựng kết nối điện ở Đông Nam Á với sự tham gia của một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Singapore, Malaysia và Brunei.

Thông tin trên được ông Hartarto công bố trong cuộc thảo luận với quan chức cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) Mari Elka Pangestu ngày 23/10.

Trong thông báo chính thức ngày 25/10, ông Hartarto nhấn mạnh: “Việc cung ứng điện là rất quan trọng. Vì vậy, cần xây dựng các cơ sở sản xuất điện thay thế như các nhà máy điện mặt trời nổi (PLTS) trong khuôn khổ hợp tác cơ sở hạ tầng mạng lưới điện khu vực Đông Nam Á”.

Tại buổi làm việc, ông Hartarto và bà Pangestu đã thảo luận về các nỗ lực của chính phủ Indonesia và vai trò của WB trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là quá trình chuyển đổi năng lượng. Hai bên cũng thảo luận về một số chủ đề khác, như vai trò của Indonesia trong kết nối hệ thống năng lượng ASEAN…

Hungary cam kết thúc đẩy năng lượng địa nhiệt

Trong một tuyên bố vào ngày 22/10, Bộ Đổi mới và Công nghệ Hungary cam kết thúc đẩy việc sử dụng năng lượng địa nhiệt - được coi là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của đất nước. Theo đó, cơ quan này sẽ thiết lập môi trường pháp lý cho việc sử dụng năng lượng địa nhiệt và thúc đẩy các hoạt động đầu tư liên quan. Hungary cũng có kế hoạch chi khoảng 16 tỷ euro cho kế hoạch địa nhiệt vào cuối thập niên này.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết Hungary sẽ triển khai một chương trình tiết kiệm năng lượng trị giá lên tới 360 triệu USD cho các nhà máy sẽ bắt đầu vào tháng 11 tới. Theo đó, Hungary sẽ cung cấp các khoản trợ cấp nhà nước lên tới 30% cho các công ty ở Budapest và 45% cho các công ty có trụ sở bên ngoài thủ đô.

Ông Peter Szijjarto nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga nhằm đáp trả cuộc xung đột là lý do dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Ông chỉ trích các biện pháp này của EU đang gây ảnh hưởng nặng nề cho các công ty, người dân và các quốc gia châu Âu. Các quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về năng lượng đặc biệt trong mùa đông này.

G.Minh (t/h)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/