"Cạn tiền" trả nợ vay đến hạn, FCN muốn thu trên 400 tỷ đồng chào bán cổ phiếu riêng lẻ

10:14 | 11/09/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
FCN muốn huy động 416 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu riêng lẻ để bổ sung vốn và trả nợ vay đến hạn.

HĐQT Công ty cổ phần FECON (HOSE: FCN) vừa thông qua Nghị quyết triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ năm 2021, phương án đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài của đợt phát hành.

Cụ thể, FCN công bố chào bán 32 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư tổ chức với giá 13.000 đồng/cp, thị giá cổ phiếu FCN hiện đang ở mức 13.950 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Ngoài ra, HĐQT FCN cũng đã thông qua phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 50%. Hiện, tỷ lệ sở hữu của nước ngoài tại ngày chốt danh sách cổ đông họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Công ty hơn 40 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 32% số lượng cổ phiếu đang lưu hành và 25,52% số lượng cổ phần lưu hành dự kiến sau phát hành.

Như vậy, số lượng cổ phần nhà đầu tư nước ngoài được mua tối đa tại đợt phát hành là 32 triệu cp.

Với giá chào bán là 13.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến là 416 tỷ đồng sẽ được doanh nghiệp sử dụng bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh (216 tỷ đồng) và dùng 200 tỷ còn lại để trả nợ các khoản vay tới hạn.

Kế hoạch sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu của FECON. (Nguồn: Nghị quyết HĐQT của CTCP Fecon)

Được biết, tính đến cuối tháng 6/2021, tổng nợ đi vay của FCN tiếp tục ở mức cao, tăng 63% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2.605 tỷ đồng, chiếm tới 49% nợ phải trả và đã vượt qua vốn chủ sở hữu của Fecon (vốn chủ sở hữu hơn 2.230 tỷ đồng).Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng mạnh 138% lên gần 1.683 tỷ đồng; vay nợ dài hạn cũng tăng vọt 246% lên hơn 922 tỷ đồng.

Hiện BIDV là ngân hàng cho vay ngắn hạn nhiều nhất với hơn 530 tỷ đồng, tiếp đến là ngân hàng MBBank với gần 505 tỷ đồng. Ngoài ra còn có nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, VIB, TPBank...

Mô phỏng tình hình vay nợ của FCN vài năm gần đây/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Nợ vay tại FECON tăng dẫn tới chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh 146% so với cùng kỳ 2020, lên hơn 64 tỷ đồng. Ngoài chi phí lãi vay tại Fecon tăng, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong kỳ tăng 48%, lên hơn 68 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, FCN chỉ có gần 325 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm nhẹ so với đầu năm. Ngoài ra, còn hơn 36,7 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Hai khoản này cộng vào khoảng 362 tỷ đồng, chỉ có thể giải quyết được một phần rất nhỏ các khoản vay nợ tài chính ngắn hạn.

Do đó, FCN đã dùng phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để lấy một nửa số tiền huy động được trả nợ các khoản vay tới hạn, giải quyết khó khăn trước mắt.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2021 (đã soát xét)/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Kể từ đầu năm tới nay, cổ phiếu FCN biến động thất thường và hiện đang chứng kiến nhịp tăng từ giữa tháng 7. Kết thúc phiên sáng ngày 10/9, FCN đang dừng ở mức 13.950 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 38% sau chưa đầy 2 tháng.

Diễn biến cổ phiếu FCN từ đầu năm đến nay/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong năm 2021, FCN đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 3.900 tỷ đồng và lãi sau thuế 175 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 31% so với thực hiện năm trước. Sau 6 tháng, FCN ghi nhận doanh thu thuần gần 1.341 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 50 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, FCN mới chỉ thực hiện được 34% chỉ tiêu doanh thu và 29% chỉ tiêu lãi sau thuế 2021.

FECON là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, trong đó, tập trung vào chuyên ngành sâu là nền móng và công trình ngầm. Hiện nay, công ty này đang thực hiện vai trò tổng thầu xây dựng và hạ tầng tại nhiều dự án năng lượng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hoàng Phương - Huy Tùng