Cà Mau: Tranh chấp ngư trường và bài học quản lý khai thác trên biển

21:57 | 23/01/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngư trường Cà Mau vốn rộng lớn, là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của quốc gia, trải dài từ Đông sang Tây, nhiều tiềm năng. Đối với vùng Tây Nam, điều kiện tự nhiên vốn bình yên, thêm vào thời điểm đầu năm biển thường lặng sóng. Tuy nhiên, với việc phát triển đội tàu khai thác quá mức, hình thành nhiều ngành nghề khai thác, đặc biệt là vùng ven bờ, trong khi nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, họ tranh nhau từng khu vực, vị trí để khai thác. Từ đó, dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp, tạo thành những “điểm nóng”, làm vùng biển Cà Mau có lúc chưa bình yên để ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển.

Bài 1: Tranh chấp khu vực khai thác

Theo ngành chức năng, những vụ việc trộm cắp trên biển, tranh chấp khu vực khai thác ngư trường, chiếm bãi khai thác… trên vùng biển Tây Nam chủ yếu xảy ra đối với nghề và vùng khai thác ven bờ, tập trung nhiều từ cửa biển Đá Bạc - Sào Lưới (huyện Trần Văn Thời) qua Ba Tỉnh - T29 đến Khánh Hội (xã Khánh Hội, huyện U Minh). Từ đó, làm cho tình hình an ninh, trật tự trên biển luôn diễn biến ngày càng phức tạp.

Năm 2022, Công an tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận, xử lý 1 vụ cưỡng đoạt tài sản, với 6 bị can và 2 vụ trộm ốc bẫy mực, với 8 bị can liên quan đến khai thác hải sản trên biển. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024, tình trạng tranh chấp khu vực khai thác trên ngư trường vùng biển Tây Nam có chiều hướng gia tăng, trở thành “điểm nóng” tại những vị trí khai thác ven bờ.

Cà Mau: Tranh chấp ngư trường và bài học quản lý khai thác trên biển
Các tàu đang chiếm giữ khu vực tranh chấp khai thác tại một vị trí trên vùng ven bờ biển Tây Cà Mau, nguy cơ xảy ra xung đột. (Ảnh chụp ngày 15/01/2024), https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Từ việc đâm va…

Ngày 29/11/2023, từ toạ độ 09°17’N - 104°36’E đến toạ độ 09°19’N - 104°39’E trên vùng biển thuộc địa bàn huyện U Minh, Lê Quốc Huy đang điều khiển tàu cá CM-06377-TS khai thác hải sản (kéo ốc bẫy mực), thì Lê Thanh Mơ điều khiển tàu cá CM-92428-TS đến ngăn cản không cho tàu của Huy hoạt động và đâm vào tàu Huy, làm vỡ be tàu (mạn tàu) và ốp tàu.

Trước đó, ngày 23/11/2023, tại tọa độ 09°17’N - 104°39’E (cách cửa biển Khánh Hội khoảng 10 hải lý về hướng Tây Nam), Lê Thanh Mơ điều khiển tàu cá CM-92428-TS đâm vào làm hỏng mạn trái tàu cá CM-06377-TS của Lê Quốc Huy.

Đến ngày 5/12/2013, tại tọa độ 09°17’N - 104°37’E; 09°19’N - 104°38’E, cũng trên vùng biển thuộc địa bàn huyện U Minh, Lê Hoàng Hận điều khiển tàu cá CM-91296-TS thả ốc bẫy mực, thì có nhiều tàu cá khác đến ngăn cản không cho thả ốc; tàu của Hận bị tàu cá CM-92282-TS đâm vào lái làm gãy trụ buộc dây.

Cùng ngày 5/12/2023, tại tọa độ 09°17’N - 104°37’E; 09°19’N - 104°38’E, Lê Quốc Huy điều khiển tàu cá CM-06377-TS thả ốc bẫy mực, thì có nhiều tàu cá khác đến ngăn cản và đâm làm thủng mũi tàu.

Ngày 16/12/2023, tại tọa độ 09°17’N - 104°38’E, cũng trên địa bàn huyện U Minh, tàu cá CM-02841-TS của Nguyễn Thái Học đậu giữ ốc, bị Lê Văn Tiếng điều khiển tàu cá CM-92979-TS đâm vào làm gãy trụ buộc dây lái, vờ be gió. Ngày 18/12/2023, tại tọa độ 09°17’N - 104°38’E, tàu cá CM-02841-TS của Học đang neo đậu thì bị Trương Vũ Minh điều khiển tàu CM-06377-TS đâm từ phía sau làm vỡ góc lái, be gió và ốp cabin tàu...

Tất cả các vụ việc trên đều được cơ quan Công an tiếp nhận tin báo, và qua đấu tranh khai thác đã xác định đối tượng, mời làm việc và đối tượng đã thừa nhận hành vi. Hiện các vụ việc đang trong quá trình giám định thiệt hại tài sản để cơ quan chức năng thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Cà Mau: Tranh chấp ngư trường và bài học quản lý khai thác trên biển
Nhiều phương tiện khai thác sai vị trí cấp phép, phần lớn thuộc khu vực ven bờ biển Tây Cà Mau. (Ảnh chụp ngày 12/01/2024), https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

… đến manh động đốt tàu

Các đối tượng tranh chấp khu vực khai thác không chỉ “cảnh cáo” bằng hành động ngăn cản, mà đã lên đến đỉnh điểm một cách manh động, liều lĩnh, xem thường tài sản và sinh mạng người khác, làm cho an ninh trên biển đến mức báo động.

Đỉnh điểm của sự việc là ngày 17/12/2023, tàu cá CM-02926-TS hoạt động tại tọa độ cách cửa biển Đá Bạc khoảng 4 hải lý về hướng Tây thì bị một người được xác định ban đầu tên Lợi (ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) đi trên phương tiện vỏ composite tiếp cận, ném chai bia và vỏ ốc bẫy mực vào tàu cá, nhưng không thiệt hại về tài sản. Sau khi đối tượng rời đi, đến 15 giờ cùng ngày, có 6 người đi trên vỏ composite tiếp cận, dùng gậy đánh bị thương nhẹ các thuyền viên trên tàu cá CM-02926-TS, đồng thời lấy đi khoảng 8 kg mực khô, 1 tay lái tàu, ước thiệt hại khoảng 8 triệu đồng.

Bị hại Lê Văn Tiếng và Trần Minh Đời (cùng thường trú xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) thông tin vụ việc nói trên đến cơ quan chức năng, và ngày 21/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trần Văn Thời ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Nguyễn Y Răn. Đến ngày 4/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trần Văn Thời ra quyết định khởi tố 5 bị can có liên quan. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, ngày 29/12/2023, tại tọa độ 09°17’N - 104°34’E, trên vùng biển thuộc địa bàn huyện U Minh, tàu cá của ông Lê Hoàng Quốc đang hoạt động thì có tàu cá khác (chưa xác định chủ sở hữu) lao đến, người trên tàu cá này dùng ná thun, bắn đạn bi sắt vào tàu cá của ông Quốc, làm ông bị thương.

Ngay sau đó 1 ngày (ngày 30/12/2023), tại tọa độ 09°17’N - 104°37’E, cũng trên vùng biển huyện U Minh, tàu cá CM- 97980-TS đang hoạt động thì tàu cá CM-06337-TS ập đến, trên tàu có người dùng ná thun, bắn đạn bi sắt, làm thuyền viên Dương Văn Đệ trên tàu cá CM- 97980-TS bị thương vùng đầu và ngực. Qua xác minh, cơ quan chức năng đã xác định được 4 đối tượng cùng thường trú tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời liên quan đến vụ việc.

Cùng thời điểm trên, tàu cá CM-92324-TS đang hoạt động cách cửa biển Đá Bạc khoảng 12 hải lý về hướng Tây Bắc cũng bất ngờ bị người đi trên phương tiện của ông Dạn ở Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây dùng dụng cụ bắn bi sắt và bi keo qua tàu làm bể kính cabin, làm bị thương 1 thuyền viên.

Một sự việc càng nghiêm trọng hơn xảy ra vào ngày 2/1/2024, tàu cá CM-91296-TS của Lê Hoài Hận giao cho Lê Thanh Toàn trực tiếp quản lý, sử dụng, thuê ông Phong làm thuyền trưởng (hành nghề ốc bẫy mực), trên tàu có 5 người, đang neo đậu tại toạ độ 09017’N - 104°37’E thì có khoảng 4 đối tượng lạ mặt điều khiển vỏ composite đến, dùng chai thủy tinh chứa xăng, đốt ném qua tàu cá, hậu quả làm tàu cá bị cháy và chìm tại toạ độ nêu trên.

Cũng với hành vi manh động nguy hiểm như trên, trước đó (ngày 8/11/2023), tại tọa độ 08°46’N - 104°12’E, tàu cá KG-62299-TS đang hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển của tỉnh Cà Mau thì có khoảng 10 đối tượng điều khiển 2 vỏ composite chạy xung quanh, ném chai thuỷ tinh có chất gây cháy (nghi ngờ là xăng) lên tàu. Hậu quả, cabin tàu KG-62299-TS bị cháy xém, vỡ cửa kính, thuyền viên Lê Thành Việt bị thương. Vụ việc do Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang tiếp nhận, chuyển Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cà Mau thụ lý, điều tra.

Hiện các vụ việc được cơ quan chức năng tiến hành làm việc với bị hại, nhân chứng; phối hợp với các đơn vị có liên quan xác định hành trình và toạ độ xảy ra vụ việc, tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Trần Nguyên

baocamau.vn