Buôn chứng khoán, 'ông lớn' ngân hàng ngậm ngùi báo lỗ đậm

17:27 | 24/05/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
3 tháng đầu năm 2022, hàng loạt 'ông lớn' ngân hàng buôn chứng khoán như MBBank, Techcombank, ACB... ghi nhận lợi nhuận trái chiều.

Hoạt động buôn chứng khoán tại Techcombank, ACB... lỗ đậm

Kết thúc 3 tháng đầu năm 2022, hoạt động đầu tư - kinh doanh chứng khoán tại nhiều ngân hàng quy mô lớn ghi nhận tăng trưởng âm, thậm chí là thua lỗ nặng.

Điển hình tại 'ông lớn' Techcombank chuyển từ lãi sang lỗ từ buôn chứng khoán. Cụ thể, quý 1/2022 hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 219 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lãi hơn 671 tỷ đồng. Đồng thời, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng lỗ gần 96 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lãi gần 135 tỷ đồng.

Buôn chứng khoán, 'ông lớn' ngân hàng ngậm ngùi báo lỗ đậm
Hoạt động đầu tư - kinh doanh chứng khoán tại Techcombank (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại Techcombank).

Thậm chí, một ngân hàng có quy mô như Vietcombank cũng thất thu từ buôn chứng khoán. Cụ thể, quý 1/2022 hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh giảm tới 80% so với cùng kỳ 2021, chỉ mang về 16,5 tỷ đồng. Chưa hết, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tại Vietcombank cũng lỗ 164 triệu đồng.

Tương tự như ngân hàng ACB, quý đầu năm, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm tới 87%, chỉ mang về 6,5 tỷ đồng. Trong khi đó, mua bán chứng khoán kinh doanh tại ACB còn lỗ hơn 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lãi hơn 113 tỷ đồng.

Buôn chứng khoán, 'ông lớn' ngân hàng ngậm ngùi báo lỗ đậm
Hoạt động đầu tư - kinh doanh chứng khoán tại ACB (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại ACB).

Những ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng 'khóc ròng' từ buôn chứng khoán.

Đơn cử như ngân hàng ABBank, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư quý này ghi nhận lỗ 10 tỷ đồng, cùng kỳ 2021 cũng lỗ 11 tỷ đồng. Hơn nữa, hoạt động mua bán chúng khoán kinh doanh cũng lỗ hơn 57 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lãi gần 114 tỷ đồng.

Trường hợp tại ngân hàng MSB, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư quý này giảm tới 68%, chỉ thu về gần 104 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng lỗ 63 triệu đồng, cùng kỳ 2021 lỗ 64 triệu đồng.

Buôn chứng khoán, 'ông lớn' ngân hàng ngậm ngùi báo lỗ đậm
Hoạt động đầu tư - kinh doanh chứng khoán tại MSB (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022 tại MSB).

Hay như tại VIB, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm tới 96% so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng. Tương tự, tại ngân hàng TPBank giảm tới 70%, xuống còn 81 tỷ đồng.

Thậm chí tại ngân hàng Sacombank chịu lỗ hơn 2,4 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán đầu tư (cùng kỳ 2021 lãi hơn 34 tỷ đồng). Tại LienVietPostBank cũng lỗ 9,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lãi hơn 3 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, vẫn có nhà băng 'bộn thu' tiền từ buôn chứng khoán. Chẳng hạn như ngân hàng MBBank ghi nhận lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư quý 1/2022 tăng tới 52%, đạt hơn 1.024 tỷ đồng. Tương tự, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tại MB đạt hơn 99 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ 2021. ​

Thực tế, đầu tư vào các loại hình chứng khoán về lý thuyết là một hoạt động bình thường của ngân hàng, một kênh đầu tư vào những tài sản sinh lợi góp phần đảm bảo dự trữ thanh khoản. Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng bao gồm các loại giấy tờ có giá, trong đó chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng), tín phiếu và các công cụ phái sinh có rủi ro thấp. Trong đó, trái phiếu thường là loại giấy tờ có giá trị lớn trong danh mục chứng khoán đầu tư của các ngân hàng.

Cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp

Hai năm trở lại đây, ngân hàng có xu hướng tăng nắm giữ trái phiếu của doanh nghiệp, trong khi đây là nhóm trái phiếu đang được cảnh báo nhiều vì rủi ro không có tài sản đảm bảo. Đặc biệt rủi ro còn gia tăng bởi hầu hết các doanh nghiệp đều tổn thương do dịch bệnh dai dẳng khiến tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ… Do đó, sẽ khó nói trước được hậu quả nếu các ngân hàng tiếp tục dồn vốn vào sản phẩm này.

Đầu tư vào trái phiếu, ngân hàng sẽ hưởng lãi định kỳ và tất toán khoản đầu tư vào ngày đáo hạn, hoặc khi chủ thể phát hành mua lại trái phiếu. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp thường có lãi suất cao hơn, độ rủi ro cũng lớn hơn; trong khi trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng tuy có lãi suất thấp nhưng độ rủi ro cũng thấp hơn nhiều. Vì vậy, trong cơ cấu đầu tư, các ngân hàng tập trung vốn nhiều hơn vào trái phiếu có độ rủi ro thấp.

Buôn chứng khoán, 'ông lớn' ngân hàng ngậm ngùi báo lỗ đậm

3 tháng đầu năm 2022, ngân hàng Techcombank đang nắm giữ hơn 76.582 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 22,3% so với đầu năm, chiếm 11% trong tổng tài sản của nhà băng. Như vậy, Techcombank tiếp tục là “quán quân” về lượng trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ.

Tương tự, ngân hàng MBBank cũng đang ‘ôm’ hơn 46.319 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 26% so với đầu năm.

Tại TPBank, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022 đã "ôm" thêm khoảng 9.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, nâng số lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đang nắm giữ hơn 27.589 tỷ đồng, tương đương tăng 49% so với đầu năm.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hoàng Long

vietinbank
ajinomoto