Ấn Độ nhập khẩu dầu Nga ở mức kỷ lục giữa "bão" trừng phạt

10:00 | 13/12/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nhập khẩu dầu từ Nga của Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12 này, và còn có thể cao hơn nữa vào tháng 1/2023, theo chuyên gia tại công ty phân tích Kpler.
Ấn Độ vẫn miệt mài mua dầu thô Urals của NgaẤn Độ vẫn miệt mài mua dầu thô Urals của Nga
EU nhất trí áp giá trần đối với dầu Nga ở mức 60 USD/thùngEU nhất trí áp giá trần đối với dầu Nga ở mức 60 USD/thùng
Ấn Độ nhập khẩu dầu Nga ở mức kỷ lục giữa

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Phương Tây vừa áp đặt những quy định mới cứng rắn về việc mua dầu của Nga. Nhưng khi các biện pháp này có hiệu lực, Ấn Độ đã đẩy mạnh việc mua dầu thô của Nga lên cao hơn bao giờ hết.

Kể từ khi giới hạn được áp đặt, hàng ngày, một tàu chở dầu đã rời các cảng của Nga để hướng tới bờ biển phía tây của Ấn Độ, tương đương với khoảng 1,6 triệu thùng mỗi ngày (bpd). Con số này tăng gần 50% so với tháng 10 và tháng 11, vốn đã là những tháng với lượng nhập khẩu kỷ lục.

Viktor Katona - Trưởng bộ phận phân tích dầu thô tại công ty dữ liệu Kpler cho biết: “Tháng 12 sẽ đánh dấu mức nhập khẩu dầu từ Nga cao nhất từ trước đến nay của Ấn Độ và tháng 1 năm sau thậm chí còn có thể cao hơn”.

Theo truyền thống, Ấn Độ luôn mua dầu từ các nhà sản xuất khổng lồ như Iraq và Ả Rập Xê-út, những nước chỉ cách Ấn Độ năm đến sáu ngày di chuyển trên biển. Nhưng sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, Ấn Độ đã trở thành đối tác mua dầu khổng lồ của Nga nhờ các đợt giảm giá giữa lúc Moscow bị trừng phạt.

Ấn Độ được cho là tiết kiệm được hơn 350 tỷ rupee từ việc nhập khẩu dầu giảm giá của Nga kể từ khi xung đột tại Ukraine vào tháng 2.

Từng nhập khẩu một lượng rất nhỏ dầu của Nga, giờ đây, Ấn Độ ghi nhận dầu thô của Nga chiếm tới 1/4 tổng lượng dầu nhập khẩu của quốc gia này, vượt qua cả Iraq và Ả Rập Xê-út.

Việc Ấn Độ tăng cường mua dầu của Nga đã gây ra sự bất bình ở Ukraine và các nước châu Âu khi họ đang cố gắng cắt giảm thu nhập từ dầu mỏ của Nga nhằm gây áp lực buộc Moscow phải ngừng chiến tranh.

Trong một nỗ lực tiếp theo nhằm giảm thu nhập từ dầu thô của Moscow, các nước G7, EU và Australia đã áp đặt mức giá trần 60 USD đối với dầu thô của Nga trên toàn cầu. Để thực thi quy tắc này, họ đã ra sắc lệnh vào ngày 5/12 rằng các tàu chở dầu được mua với giá cao hơn mức trần sẽ không nhận được các dịch vụ bảo hiểm, vận chuyển và ngân hàng từ các nước phương Tây. Hàng hóa được mua với giá thấp hơn giới hạn được miễn lệnh cấm vận chuyển và dịch vụ.

Nga đã từ chối bán dầu thô của mình theo cơ chế giá trần và Ấn Độ cho biết sẽ không tuân thủ các biện pháp trừng phạt đối với dầu thô của Nga. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết áp lực thị trường từ mức giá trần có thể mang lại cho các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ và Trung Quốc lợi thế đáng kể để nhận được chiết khấu thậm chí còn cao hơn từ Nga.

Giá trần nhằm mục đích cắt giảm thu nhập từ dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, các nước G7 cũng không muốn chặn hoàn toàn dòng dầu của Nga vì họ sợ điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt toàn cầu và khiến giá dầu tăng vọt.

Giảm giá mạnh

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, đặc biệt là các công ty thuộc khu vực tư nhân như Reliance và Nyara, đã mua số lượng dầu ngày càng lớn của Nga. Công ty dầu khí khổng lồ của Nga Rosneft sở hữu 49% cổ phần của Nyara.

Các công ty Ấn Độ đã được giảm giá mạnh khoảng 30 USD vào giữa năm khi giá dầu tăng vọt lên 130 USD/thùng. Sau đó, họ tái xuất dầu tinh chế với mức giá trên thị trường toàn cầu, chủ yếu sang các nước Đông Nam Á.

Katona cho biết: “Mức chiết khấu thực tế mà các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang mua dầu thô Urals của Nga là khoảng 60 USD/thùng đối với các lô hàng được giao.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đỗ Khánh

vietinbank
ajinomoto