Xây dựng Hòa Bình lại lỗ thêm hàng nghìn tỷ sau kiểm toán, muốn huy động hơn 3.000 tỷ để trả nợ

14:45 | 21/06/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sau kiểm toán, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận khoản lỗ ròng năm 2022 tăng thêm gần 1.500 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Năm 2023 doanh nghiệp kỳ vọng lãi sau thuế 100 tỷ đồng, đồng thời muốn huy động ít nhất 3.288 tỷ đồng để hoán đổi nợ.
HoSE tiếp tục nhắc nhở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình do không công bố thông tinHoSE tiếp tục nhắc nhở Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình do không công bố thông tin
Khối nợ tại Xây dựng Hòa Bình sụt giảm, dòng tiền kinh doanh dương trở lạiKhối nợ tại Xây dựng Hòa Bình sụt giảm, dòng tiền kinh doanh dương trở lại

Xây dựng Hòa Bình lỗ thêm 1.500 tỷ đồng sau kiểm toán, vẫn kỳ vọng lãi 100 tỷ đồng năm 2023

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, dự kiến tổ chức chiều ngày 27/6 tới đây tại TP HCM.

Tại mục báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2022, Xây dựng Hòa Bình cho biết, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 14.149 đồng, tăng gần 25% so với năm 2021 và tăng nhẹ so với con số ở báo cáo tự lập. So với kế hoạch doanh thu năm, tập đoàn đạt gần 81% chỉ tiêu.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sau kiểm toán âm 2.594 tỷ đồng, trong khi ở báo cáo tự lập chỉ lỗ ròng 1.138 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm gần 1.500 tỷ đồng so với báo cáo mà doanh nghiệp tự lập. Kể từ khi niêm yết, đây là con số lỗ lớn nhất của Xây dựng Hoà Bình

Việc thua lỗ lớn trong năm qua khiến vốn chủ sở hữu của HBC tại ngày 31/12/2022 chỉ còn 1.196 tỷ đồng, giảm 70,5% so với cuối năm 2021. Quy mô tổng tài sản đạt 15.573 tỷ đồng. Do năm 2022 thua lỗ nên doanh nghiệp cũng đề xuất không chia cổ tức đồng thời không có thưởng cho HĐQT, ban điều hành và cán bộ trọng yếu.

Xây dựng Hòa Bình lại lỗ thêm hàng nghìn tỷ sau kiểm toán, muốn huy động hơn 3.000 tỷ để trả nợ

Sau năm lỗ hàng nghìn tỷ đồng, Xây dựng Hòa Bình vẫn đặt kỳ vọng năm 2023 đạt 7.500 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực thế trong quý đầu năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thuần giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1.194 tỷ đồng và rơi về mức thấp nhất kể từ quý 2/2015. Hụt thu từ hoạt động tài chính trong khi chi phí lãi gia tăng, cùng với các chi phí khác khiến Xây dựng Hòa Bình lỗ sau thuế quý I/2023 gần 444 tỷ đồng và là quý lỗ đậm thứ hai liên tiếp. Khoản lỗ hợp nhất xuất phát chủ yếu từ công ty mẹ.

Kế hoạch mới công bố trên cũng thấp hơn nhiều so với mục tiêu công bố hồi tháng 2/2023 là 12.500 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 125 tỷ đồng.

Kỳ vọng huy động ít nhất 3.288 tỷ từ nhà đầu tư để có tiền xoay sở

Hòa Bình dự kiến trình cổ đông phương án phát hành 274 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược/nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá tối thiểu 12.000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, số tiền thu về tối thiểu là 3.288 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Mục đích chào bán để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án. Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Xây dựng Hòa Bình lại lỗ thêm hàng nghìn tỷ sau kiểm toán, muốn huy động hơn 3.000 tỷ để trả nợ

Đáng chú ý, Xây dựng Hòa Bình kế hoạch thoái hết vốn tại công ty con.

Cụ thể, ngày 17/6, doanh nghiệp thông qua hai nghị quyết. Thứ nhất là hủy nghị quyết số 30.6 ngày 20/5/2023, tức là hủy việc chuyển 20 tỷ đồng mà ông Nguyễn Trung Thành tạm ứng nhằm mục đích phát triển khách hàng tiềm năng thành khoản vay của cá nhân ông Thành đối với công ty.

Thứ hai, HĐQT cũng chấp thuận chuyển nhượng 100% vốn góp của tập đoàn tại Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng MATEC cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính để nhận chuyển nhượng vốn góp.

Xây dựng Hòa Bình cho biết công ty cũng đã tiến hành làm việc với nhà đầu tư để đàm phán chuyển nhượng và sau khi có nghị quyết này hai bên sẽ triển khai chính thức. Dự kiến tổng giá trị chuyển nhượng và một phần thiết bị đã khấu hao là hơn 1.100 tỷ đồng và bổ sung vào vốn lưu động cho tập đoàn. Nguồn vốn này sẽ giúp cho tài chính của HBC thanh khoản ổn định, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh được duy trì và phát triển.

Theo giới thiệu, MATEC là một trong 6 công ty con của Tập đoàn, có trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Bình, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An do ông Phạm Ngọc Hùng làm đại diện pháp luật. Ngành nghề chính của công ty này là cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác. Tại ngày 31/3/2023, HBC đang góp 20 tỷ đồng vào MATEC.

Cuối tháng 3, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT đã chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên trong suốt 35 năm, HBC phải đối mặt với muôn vàn khó khăn làm ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp nặng nề như thế. Những khó khăn đó đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên của HBC, hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công; tác động tiêu cực đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người. Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được".

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lê Thanh - Huy Tùng