VNDirect công bố báo cáo cập nhật vĩ mô ảnh hưởng từ đợt dịch thứ 4

19:13 | 16/06/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngày 15/6, Công ty Cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDIRECT) đã công bố báo cáo cập nhật vĩ mô ảnh hưởng từ đợt dịch thứ 4 lan rộng và đưa ra một số nhận định, dự báo trong thời gian tới.
VNDIRECT ra mắt gói phí trả trước giao dịch chứng khoán đầu tiên tại Việt NamVNDIRECT ra mắt gói phí trả trước giao dịch chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam

Ngành dịch vụ suy yếu do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã có tác động tiêu cực đến ngành dịch vụ. Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi khách đồng loạt hủy chuyến bay và khách sạn do nỗi lo bị lây nhiễm Covid-19. Ngoài ra, việc phong tỏa tại một số khu vực trong tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, cùng với việc tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu ở một số tỉnh, thành khác đã kìm hãm sự tăng trưởng của một số phân ngành dịch vụ, bao gồm lưu trú và ăn uống, du lịch và giải trí. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 giảm 3,1% so với tháng trước và 1,0% so với cùng kỳ (so với mức tăng mạnh 1,5% so với tháng trước và 29,9% so với cùng kỳ của tháng 4).

VNDIRECT dự báo doanh thu của ngành dịch vụ vẫn ở mức thấp trong tháng 6 do các biện pháp cách ly xã hội tiếp tục được triển khai một cách chặt chẽ ở các địa phương để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 lần thứ 4. VNDIRECT kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ phục hồi từ đầu quý III/2021, sau khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 được kiểm soát và các biện pháp cách ly xã hội được nới lỏng.

Ngành sản xuất tăng trưởng mạnh trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 1,6% so với tháng trước và 11,6% so với cùng kỳ trong tháng 5/2021 (so với mức tăng trưởng của tháng 4 là 1,1% so với tháng trước và 24,1% so với cùng kỳ). Đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ trong bối cảnh các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, hai trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam, đóng cửa một số khu công nghiệp trong nhiều ngày nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Trong khi đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam vẫn duy trì trên mốc 50 điểm trong tháng 5, đạt 53,1 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục được mở rộng bất chấp tác động của Covid-19.

VNDirect công bố báo cáo cập nhật vĩ mô ảnh hưởng từ đợt dịch thứ 4
Mặc dù Covid -19 bùng phát nhưng ngành sản xuất vẫn tăng trưởng mạnh/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Các phân ngành sản xuất chuyển mình mạnh mẽ, cụ thể: sản xuất da và các sản phẩm liên quan (tăng 8,1% so với tháng trước, tăng 21,2% so với cùng kỳ), sản xuất thép (tăng 4,2% so với tháng trước, tăng 38,3% so với cùng kỳ), sản xuất giấy (tăng 3,6% so với tháng trước, tăng 17,0% so với cùng kỳ), sản xuất đồ nội thất (tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 26,2% so với cùng kỳ) và sản xuất các sản phẩm từ cao su và nhựa (tăng 3,0% so với tháng trước, tăng 12,8% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, các phân ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 11,7% so với tháng trước, giảm 17,6% so với cùng kỳ) và khai thác than và than non (giảm 0,1% so với tháng trước, giảm 1,6% so với cùng kỳ) suy giảm.

VNDIRECT kỳ vọng ngành sản xuất sẽ tiếp tục mở rộng trong tháng 6, nhờ các biện pháp phòng tránh dịch Covid-19 hiệu quả trong các khu công nghiệp và nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp gia tăng tại các thị trường nhập khẩu truyền thống của Việt Nam như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng GDP quý II/2021 xuống 7,0%

VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng GDP trong quý II/2021 xuống mức 7,0% (+/-0,3 điểm %) so với dự báo trước đó là 7,5% do ngành dịch vụ có thể sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nề trước làn sóng Covid-19 lần thứ 4. VNDIRECT kỳ vọng ngành nông nghiệp và công nghiệp sẽ duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu trên toàn cầu gia tăng. Trong cả năm 2021, VNDIRECT duy trì tăng trưởng GDP năm 2021F ở mức 6,7% với kỳ vọng ngành sản xuất sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong nửa cuối năm 2021, nhờ nhu cầu phục hồi tại Hoa Kỳ và châu Âu.

Kỳ vọng nhu cầu tăng mạnh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2021

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu tăng 35,6% so với cùng kỳ lên 26,0 tỷ USD trong tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu tăng lên mức 130,9 tỷ USD (tăng 30,7% so với cùng kỳ). Mức tăng trưởng ấn tượng này đạt được nhờ (1) Giá trị xuất khẩu thấp trong 5 tháng đầu năm ngoái do ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 1 và (2) nhu cầu nhập khẩu tăng cao trong những tháng gần đây tại một số quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội như Mỹ, Anh, Đức.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu tích cực nhất trong tháng 5/2021 bao gồm thép (tăng 211,9% so với cùng kỳ), xăng dầu (tăng 144,9% so với cùng kỳ), xơ sợi (tăng 127,4% so với cùng kỳ), máy ảnh & máy quay phim (tăng 106,4% so với cùng kỳ) ), đồ chơi & dụng cụ thể thao (tăng 87,1% so với cùng kỳ) và nhựa (tăng 86,0% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, xuất khẩu của một số mặt hàng vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong năm ngoái cũng đang được cải thiện, bao gồm nguyên phụ liệu dệt, quần áo, da giày (tăng 55,5% so với cùng kỳ), giày dép (tăng 49,0% so với cùng kỳ), dệt may (tăng 35,1% so với cùng kỳ) và thủy sản (tăng 17,4% so với cùng kỳ).

VNDirect công bố báo cáo cập nhật vĩ mô ảnh hưởng từ đợt dịch thứ 4
Kỳ vọng nhu cầu tăng mạnh đối với hàng hóa xuất khẩu/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Một số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đang thực hiện các bước tiếp theo nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Đức và Anh. Các quốc gia này dự kiến sẽ nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô, hàng hóa và các sản phẩm tiêu dùng trong những tháng tới. Do đó, VNDIRECT kỳ vọng nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản. VNDIRECT nâng dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 lên 15% so với dự báo trước đó của VNDIRECT là 12%.

Giá trị nhập khẩu của Việt Nam tăng 56,4% so với cùng kỳ lên 27,0 tỷ USD trong tháng 5/2021. Nhập khẩu tăng mạnh do (1) tiêu dùng trong nước phục hồi, (2) nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm đầu vào gia tăng và (3) giá hàng hóa cơ bản như dầu thô, xăng và kim loại tăng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, giá trị nhập khẩu tăng lên mức 131,3 tỷ USD (tăng 36,4% so với cùng kỳ), với tổng giá trị nhập siêu là 400 triệu USD trong 5 tháng đầu năm 2021 (so với mức thặng dư thương mại 3,5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2020), theo Tổng cục Thống kê.

Trong số các mặt hàng nhập khẩu chính, một số các mặt hàng có tổng giá trị tăng mạnh trong tháng 5/2021 bao gồm thiết bị điện tử, máy tính và linh kiện (tăng 20,0% so với cùng kỳ), máy móc thiết bị (tăng 57,4% so với cùng kỳ), điện thoại di động (tăng 72,8% so với cùng kỳ) ), vải (tăng 72,7% so với cùng kỳ), nhựa (tăng 87,3% so với cùng kỳ) và thép (tăng 43,6% so với cùng kỳ). VNDIRECT nâng dự báo tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2021 lên 18% từ mức dự báo 11% trước đó. Do đó, VNDIRECT kỳ vọng thặng dư thương mại trong năm 2021 sẽ giảm xuống còn 14 tỷ đô la Mỹ từ mức 20,0 tỷ đô la Mỹ năm ngoái.

Lạm phát được kiểm soát tốt

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 2,9% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 2,7% so với cùng kỳ trong tháng 4/2021). Trong đó, chỉ số giá nhóm giao thông tăng mạnh 21,2% so với cùng kỳ do giá xăng RON95 bình quân tháng 5/2021 đạt 19.290 đồng/lít, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 62,2% so với cùng kỳ. CPI tháng 5/2021 tăng 0,2% so với tháng 4/2021, chủ yếu do chỉ số giá giao thông tăng 0,8% so với tháng trước và chỉ số nhà ở & vật liệu xây dựng tăng 0,4% so với tháng trước.

Tuy nhiên, chỉ số CPI trong giai đoạn tháng 4 - tháng 5 thấp hơn dự báo trước đó của VNDIRECT bởi (1) chỉ số giá nhóm lương thực thực phẩm thấp hơn dự báo do giá thịt lợn giảm mạnh trong hai tháng qua và (2) các biện pháp hiệu quả nhằm kiểm soát lạm phát của Chính phủ và (3) nhu cầu tiêu dùng trong nước suy yếu trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Do đó, VNDIRECT hạ dự báo CPI bình quân quý II/2021 xuống 2,9% từ mức dự báo trước đó là 4-5%. VNDIRECT vẫn giữ dự báo CPI bình quân năm 2021 ở mức 2,9% so với cùng kỳ.

Lãi suất tiền gửi có thể tăng trong nửa cuối năm 2021

Mối lo về lạm phát gia tăng và tăng trưởng tín dụng khả quan đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng tương đối mạnh trong tháng 5/2021. Theo dữ liệu của Bloomberg, lãi suất qua đêm tăng 63 điểm cơ bản lên 1,18% vào ngày 31/5. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đến 12 tháng tăng trong khoảng từ 2 đến 60 điểm cơ bản trong tháng 5/2021. Trong khi đó, lãi suất huy động của khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 3-4 điểm phần trăm trong khi lãi suất huy động của khối ngân hàng thương mại quốc doanh không đổi trong tháng 5/2021.

VNDirect công bố báo cáo cập nhật vĩ mô ảnh hưởng từ đợt dịch thứ 4
Lãi suất tiền gửi có thể tăng trong nửa cuối năm 2021/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo quan điểm của VNDIRECT, dư địa cho cắt giảm lãi suất là tương đối hạn chế bởi: (1) áp lực lạm phát cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 do giá dầu thô thế giới tăng, (2) cơn sốt giá bất động sản tại một số tỉnh, thành phố tăng mạnh trong những tháng đầu năm sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

VNDIRECT kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021 do (1) nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, (2) áp lực lạm phát cao hơn vào nửa cuối năm so với mức 6 tháng đầu năm và (3) các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn nhằm huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.

VNDIRECT kỳ vọng lãi suất tín dụng sẽ duy trì ở mức ổn định đến hết năm 2021. Với tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng thương mại ở mức tốt, VNDIRECT cho rằng các ngân hàng sẽ tiếp tục ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

PV