Vietnam Airlines nói gì về nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu?

20:04 | 18/12/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Liên quan đến việc nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu HVN trên sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng - Trưởng ban Tài chính Vietnam Airlines cho biết, Hãng mong cơ quan quản lý cân nhắc toàn diện việc này.
Vietnam Airlines thông tin về nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếuVietnam Airlines thông tin về nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu
Năm 2022, Vietnam Airlines có tỉ lệ chậm chuyến cao nhấtNăm 2022, Vietnam Airlines có tỉ lệ chậm chuyến cao nhất

Mới đây, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền khẳng định tình huống bị âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp và có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu của Vietnam Airlines là rất đặc biệt.

Lý giải điều này, ông Hiền cho rằng trước dịch COVID-19, Vietnam Airlines là một trong các doanh nghiệp đứng đầu top doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng tài chính sinh lời và minh bạch tài chính trên sàn chứng khoán.

“Tình huống Vietnam Airlines bị âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế có yếu tố ảnh hưởng khách quan là đại dịch COVID-19 gây hệ luỵ lớn đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hàng không và các hãng bay đều trong tình cảnh này. Tôi tin tưởng cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan liên quan nghiên cứu đánh giá yếu tố này là khách quan và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn duy trì trên sàn chứng khoán” - Kế toán trưởng Vietnam Airlines nhấn mạnh.

Ông Hiền cũng khẳng định Vietnam Airlines đang tiến hành xây dựng triển khai đồng bộ tái cơ cấu trong đó giải pháp tự thân là quan trọng nhất. Hãng phải tiến tới có lãi, khả năng thanh toán từ dòng tiền kinh doanh, có giải pháp đồng bộ tái cơ cấu khắc phục hậu quả của COVID-19.

“Dòng tiền cân đối 2023-2024 và các năm tiếp là tự thân Hãng thông qua các giải pháp cắt giảm chi phí, nội bộ doanh nghiệp. Với các giải pháp đã xây dựng, kỳ vọng thời gian không lâu, Vietnam Airlines cân bằng tài chính và khắc phục được hệ quả của dịch COVID-19, đưa tài chính về trạng thái an toàn, đáp ứng được yêu cầu của cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE”, ông Hiền nói.

Vietnam Airlines nói gì về nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu?
Vietnam Airlines tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2023.

Đánh giá kinh doanh thua lỗ thì dòng tiền khó đảm bảo cân bằng, tuy nhiên, theo ông Hiền, năm nay thị trường hàng không phục hồi nhanh, đặc biệt là năm 2023 nên dòng tiền Vietnam Airlines được cải thiện đáng kể mặc dù con số nợ, giãn hoãn lớn và tích cực. Năm 2023, dòng tiền ngoài việc đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà Hãng còn bố trí trên 7.000 tỷ đồng trả các khoản nợ đã cam kết.

“Cùng với dòng tiền từ kinh doanh và bổ sung dòng tiền từ Đề án tái cơ cấu, chúng tôi cam kết trả các khoản nợ giãn hoãn. Đây là ưu tiên số 1 trong Đề án tái cơ cấu, đảm bảo khả năng thanh khoản hoạt động liên tục và dương vốn chủ, sau đó xóa lỗ lũy kế”, ông Hiền nói.

Về câu hỏi bao giờ sẽ xóa được lỗ lũy kế, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho rằng nếu chỉ hoạt động kinh doanh thông thường thì mất rất nhiều năm. Vietnam Airlines xác định Đề án tái cơ cấu tổng thể, trong đó có tái cơ cấu về tài sản, danh mục đầu tư, nguồn vốn, đưa ra các giải pháp để có thêm thu nhập, nguồn vốn nhằm cải thiện dòng tiền để từng bước xóa dần lỗ lũy kế.

Ông Hiền bày tỏ mong muốn Chính phủ có thể thông qua chủ trương tái cơ cấu sớm nhất như thoái vốn Skypec, phát hành thêm cổ phiếu để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho báo chí biết, Tổng công ty đã xây dựng và đang báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2025.

Mặc dù đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tự thân để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch là rất lớn và hậu quả vẫn còn kéo dài, Vietnam Airlines đã nghiên cứu đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ với vai trò là Chủ sở hữu, trong đó trọng tâm là gói giải pháp bổ sung dòng tiền, nguồn vốn kinh doanh.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng kiến nghị các giải pháp ngắn hạn, cấp bách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cho Vietnam Airlines để thực hiện thoái vốn tại các đơn vị thành viên, các giải pháp trung hạn về kiểm soát quản lý vĩ mô ngành hàng không để tạo nền tảng vững chắc cho Vietnam Airlines phát huy vai trò sứ mệnh của Hãng hàng không quốc gia và phát triển bền vững trong dài hạn.

Theo Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, việc chậm phê duyệt Đề án làm dẫn đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines để bổ sung dòng tiền và thu nhập như việc phát hành thêm cổ phần tăng vốn và tái cơ cấu, thoái vốn tại các đơn vị thành viên bị triển khai chậm so tiến độ đề ra.

Nguyên nhân do cơ chế chính sách hiện nay chưa đồng bộ, hoàn chỉnh dẫn đến các cơ quan chức năng cần có thời gian để rà soát các quy định, tìm phương án xử lý tháo gỡ phù hợp, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật.

Việc chậm triển khai các giải pháp trong Đề án cũng đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động SXKD và nguồn lực tài chính của Vietnam Airlines. Thực tế là do chưa được bổ sung dòng tiền và thu nhập, các chỉ số tài chính vẫn đang chưa được cải thiện nên Vietnam Airlines đang bị hạn chế trong việc tiếp cận, huy động các nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu SXKD và đầu tư phát triển.

“Do vậy, Vietnam Airlines đang nỗ lực phát huy tối đa các nguồn lực của doanh nghiệp để điều hành hoạt động SXKD. Vietnam Airlines đã và đang tập trung triển khai hàng loạt các giải pháp tự thân nhằm cắt giảm, quản trị và tối ưu hóa chi phí để chủ động tháo gỡ một phần khó khăn về dòng tiền, thanh khoản như: hoàn thành thoái vốn giai đoạn 1 tại K6, bán và thanh lý tàu bay; tiếp tục quyết liệt thực hiện tái cơ cấu bộ máy tổ chức…”, ông Hòa thông tin.

Đề cập đến thông tin Prat Whitney - Công ty Hoa Kỳ chuyên sản xuất động cơ máy bay sẽ tiến hành triệu hồi khoảng 3.000 động cơ máy bay A320Neo của các hãng bay trên thế giới vào năm 2024 để kiểm tra kỹ thuật đảm bảo khả năng khai thác của dòng này, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết căn cứ vào thông số này, Vietnam Airlines có khoảng 12 máy bay phải tháo động cơ xuống để kiểm tra nên sẽ ảnh hưởng khai thác.

“Do đứt gãy chuỗi cung ứng nên kéo dài thời gian sửa chữa, thông thường khoảng 75-90 ngày nhưng hiện nay kéo lên khoảng hơn 200 ngày. Vietnam Airlines tiến hành quản trị thời gian đảm bảo động cơ được bảo dưỡng nhanh nhất đưa vào khai thác” - ông Hà quả quyết.

Để đáp ứng nhu cầu vận tải cao điểm Tết sắp tới, Vietnam Airlines tiến hành lựa chọn thuê ướt đến 4 máy bay giai đoạn này đồng thời Hãng sẽ nhận thêm 2 máy bay B787-10 và 3 chiếc A350. Vietnam Airlines sẽ thuê ướt, thuê khô máy bay và theo dõi thực tế diễn biến thị trường để điều hành chủ động trong năm nay.

Sau khi công bố BCTC kiểm toán, Vietnam Airlines bị lỗ 3 năm liên tiếp và hiện đã âm vốn chủ sở hữu, đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu. Theo đại diện Vietnam Airlines, việc này xuất phát từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguyên nhân bất khả kháng, hoàn toàn do yếu tố khách quan bên ngoài. Đây cũng là điều mà hầu hết các hãng hàng không lớn trên thế giới đang phải chật vật khắc phục.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các công ty có lỗ ròng hoặc lỗ lũy kế vượt quá vốn cổ phần trong ba năm liên tiếp phải bị hủy niêm yết. Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM cũng đã cảnh báo Vietnam Airlines về khả năng bị hủy niêm yết và đã bắt đầu đàm phán với hãng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)