Vì sao ngân hàng rầm rộ miễn, giảm phí dịch vụ?

06:00 | 07/09/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Từ năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ. Động thái này mang lại lợi ích không hề nhỏ cho chính các ngân hàng.

Ngân hàng rầm rộ miễn, giảm phí dịch vụ

Thời gian qua, cuộc đua miễn, giảm phí dịch vụ ngân hàng trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết.

Tại ngân hàng Sacombank, đơn vị này miễn phí dịch vụ chi lương 3 năm, miễn phí quản lý tài khoản, ngân hàng điện tử, SMS báo giao dịch tự động, chuyển tiền, nộp thuế trực tuyến đối với khách hàng doanh nghiệp.

Trong khi HDBank cũng công bố miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống không giới hạn, chuyển tiền nhanh tài khoản và số thẻ miễn phí dành cho tất cả khách hàng cá nhân đang sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán thông thường hoặc mở mới gói HDBank Sky One.

Được biết, phía ngân hàng Nam A Bank cũng sẽ không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng trong trường hợp chủ thẻ thanh toán thẻ trễ hạn trong 3 kỳ sao kê từ tháng 7 - 9/2021.

Vì sao ngân hàng rầm rộ miễn, giảm phí dịch vụ?
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trước đó, từ năm 2020, nhiều ngân hàng cũng đã thực hiện chính sách miễn phí dịch vụ như ngân hàng VIB miễn phí giao dịch chuyển tiền, bao gồm cả chuyển khoản nội bộ và ngoài hệ thống trên kênh online.

TPBank cũng chuyển tiền trong hệ thống hay liên ngân hàng mà không mất một đồng phí nào. Khi dùng thẻ ATM rút tiền tại 99,9% máy ATM trên toàn quốc (ngoại trừ một số ATM của ngân hàng nước ngoài), khách hàng cũng không mất chi phí.

Hồi tháng 3/2021, MB đã áp dụng chương trình miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống trọn đời khi tiến hành thực hiện giao dịch trên App MBBank. Bên cạnh đó, khách hàng cũng không cần phải bỏ ra khoản phí nào khi thanh toán hóa đơn điện nước và các loại cước viễn thông ngay trên App MBBank.

Lâu hơn nữa, ngân hàng Techcombank miễn phí toàn bộ dịch vụ chuyển tiền từ năm 2016 đến nay. Hiện nay, Techcombank hiện đã trở thành ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao nhất trong hệ thống ngân hàng (đạt 46% vào cuối năm 2020).

Tại nhóm ngân hàng nhà nước, mới đây nhất, Agribank vừa thông báo miễn 100% phí dịch vụ thanh toán (bao gồm cả phí dịch vụ liên quan đến hoạt động cho vay) đối với tất cả khách hàng khi giao dịch tại quầy và trên các kênh ngân hàng điện tử.

Trước đó, Agribank cũng đã chủ động triển khai miễn giảm các loại phí dịch vụ và lãi suất cho vay như miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước; miễn 100% phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip nội địa; giảm phí khi rút tiền chéo ngân hàng...

Từ nay đến cuối năm, ngân hàng BIDV cũng miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống cho khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng BIDV SmartBanking qua kênh trực tuyến; miễn phí chuyển tiền 24/7 trên ATM; giảm phí rút tiền mặt tại ATM ngoài hệ thống...

Hay tại Vietcombank, từ đầu tháng 8/2021 đã giảm hàng loạt các loại phí dịch vụ trên toàn bộ các kênh: Quầy giao dịch, ATM, Ngân hàng số VCB Digibank, VCBiB@nking và VCB Money cho các tất cả các đối tượng khách hàng.

VietinBank cũng đang triển khai miễn giảm phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại đối với các khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, trang thiết bị, vật tư y tế... và miễn, giảm với một số phí dịch vụ khác như phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống, chi lương...

Lý do nào khiến ngân hàng rầm rộ miễn, giảm phí dịch vụ?

Trào lưu miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng vốn được các ngân hàng thực hiện kể từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ áp dụng trên giao dịch ATM, POS xử lý qua Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và phí giao dịch chuyển khoản liên ngân hàng 24/7 để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ngay sau chỉ đạo này, từ ngày 1/8 đến cuối năm 2021, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) giảm từ 50% đến 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành và nhận được sự hưởng ứng của nhiều ngân hàng thương mại.

Trong năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, NAPAS đã thực hiện 3 lần giảm phí dịch vụ (lần 1 vào ngày 25/2/2020, lần 2 vào ngày 25/3/2020 và lần 3 vào ngày 23/11/2020) với tổng số tiền giảm phí lên tới 530 tỷ đồng.

Thực tế, ngân hàng rất kỳ vọng việc khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt và tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ thanh toán để ngân hàng bù đắp được khoản lợi nhuận đã 'hy sinh' từ việc miễn, giảm phí.

Đặc biệt, động thái 'đua nhau' miễn, giảm phí dịch vụ là cách ngân hàng thu hút nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA)

Một năm trở lại đây, nhờ áp dụng các chính sách miễn, giảm phí giao dịch và thanh toán, CASA của các ngân hàng tăng đáng kể.

Đơn cử năm 2020 - năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng với 344,2% về số lượng và 96,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, tăng trưởng thanh toán trên điện thoại di động nhiều năm đạt mức trên 100%/năm.

Theo các ngân hàng, việc thu hút được tỉ lệ cao CASA đóng vai trò rất quan trọng vì tạo ra một nguồn vốn giá rẻ. Nguyên nhân, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp hơn rất nhiều so với tiền gửi có kỳ hạn, chỉ ở quanh mức 0,2%/năm. Do đó, tỉ lệ CASA càng cao sẽ tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện biên thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường.

Hơn nữa, CASA càng cao càng phản ánh nền tảng phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng vì nhiều sản phẩm, dịch vụ giá trị gia tăng khác gắn với tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trong nửa cuối năm 2021, tỷ lệ thâm nhập bán lẻ của các ngân hàng sẽ được hỗ trợ bởi xu hướng thanh toán không tiền mặt và chuyển đổi số. Điều này sẽ khiến cuộc đua CASA cạnh tranh hơn về phí và cải thiện CASA với tốc độ khác nhau giữa các ngân hàng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hà Phương - Huy Tùng