Vì sao doanh thu của Tập đoàn Đèo Cả giảm nhưng vẫn có lãi?

19:38 | 03/09/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Theo báo cáo của CTCP Tập đoàn Đèo Cả, mặc dù doanh thu giảm nhưng nhờ khoản lãi mua rẻ công ty liên kết nên lãi ròng của Đèo Cả trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ 2022.

Mới đây, CTCP Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) công bố báo cáo tài chính bán niên 2023, cho thấy doanh thu đạt 1.919 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên nhờ giá vốn giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp vẫn tăng nhẹ hơn 1%, đạt 657 tỷ đồng.

Vì sao doanh thu của Tập đoàn Đèo Cả giảm nhưng vẫn có lãi?
6 tháng đầu năm doanh thu của Tập đoàn Đèo Cả đạt 1.919 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái/Ảnh minh họahttps://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, doanh thu tài chính tăng 32% lên 131 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính cũng tăng 25% lên 413 tỷ đồng, riêng chi phí lãi vay chiếm 361 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp không thay đổi, ở mức 120 tỷ đồng nhưng phần lợi nhuận khác tăng mạnh lên gần 60 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ mang về gần 4 tỷ đồng. Đây chủ yếu là phần lãi mua rẻ công ty liên kết (58 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ không ghi nhận.

Về kết quả kinh doanh, Tập đoàn Đèo Cả báo lợi nhuận sau thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 307 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế phân bổ cho công ty mẹ đạt 155 tỷ đồng, tăng 31%.

Năm 2022, Tập đoàn Đèo Cả mang về 419 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 8 tỷ đồng so với năm 2021. Như vậy chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận của tập đoàn đã bằng hơn 73% con số của cả năm ngoái.

Tính đến ngày 30/ 6/2023, Tập đoàn Đèo Cả ghi nhận tổng tài sản 43.778 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty sở hữu hơn 1.400 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền, gần 300 tỷ đồng tiền gửi. Các khoản này đều tăng so với đầu năm.

Tập đoàn Đèo Cả còn đầu tư dài hạn hơn 1.000 tỷ đồng vào công ty liên doanh, liên kết và trong 6 tháng đầu năm, khoản này mang về cho công ty số lãi 38 tỷ đồng.

Ngoài tài sản cố định, phần tài sản chiếm tỷ trọng lớn nhất của công ty là chi phí trả trước dài hạn (hơn 5.600 tỷ đồng); các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn (gần 4.500 tỷ đồng), trong đó cho vay ngắn hạn 1.132 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của công ty ở mức 1.162 tỷ đồng, tăng 64% so với hồi đầu năm.

Trong khi đó, nợ phải trả của công ty ở mức 31.236 tỷ đồng, chiếm 71% tổng tài sản. Trong đó, nợ vay chiếm hơn 21.300 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm. Nợ vay của Tập đoàn Đèo Cả chủ yếu là nợ dài hạn tại các ngân hàng và tổ chức tài chính (gần 20.000 tỷ đồng).

Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 9.268 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở mức 576 tỷ đồng.

Năm 2023, Tập đoàn Đèo Cả đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022; chi trả cổ tức tối đa 80% lợi nhuận sau thuế.

Vừa qua, ban lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, giai đoạn 2023 - 2025, công ty sẽ tập trung hoạt động chủ đạo là thi công xây lắp, tiếp cận và tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt và một số đường cao tốc ở nhiều địa phương khác nhau… Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Đèo Cả dự kiến tham gia khoảng 11.500 tỷ đồng giá trị hợp đồng xây lắp triển khai từ cuối năm 2023 đến năm 2025.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)