Vì sao Chứng khoán Việt bị xử phạt hơn 1 tỷ đồng?

17:04 | 01/07/2025

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Một loạt sai phạm trong hoạt động tài chính, quản trị và tuân thủ pháp luật đã khiến Công ty Cổ phần Chứng khoán Việt bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt hành chính với tổng số tiền lên tới hơn 1,165 tỷ đồng. Đây là một trong những mức xử phạt lớn nhất đối với một công ty chứng khoán tại thời điểm hiện nay, phản ánh mức độ vi phạm trải rộng và phức tạp của doanh nghiệp này.

Theo Quyết định số 323/QĐ-XPHC ngày 26/6/2025 do UBCKNN ban hành, Chứng khoán Việt đã vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật chứng khoán. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến 23/4/2024, công ty này đã để tỷ lệ tổng nợ vượt quá mức cho phép là 5 lần vốn chủ sở hữu. Vi phạm về hạn chế vay nợ này đã khiến công ty bị phạt 175 triệu đồng.

Vì sao Chứng khoán Việt bị xử phạt hơn 1 tỷ đồng?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt Công ty cổ phần Chứng khoán Việt (VSC), địa chỉ tại tầng 2, số 107 đường Nguyễn Thái Học, phường Lê Lợi, TP Vinh, với tổng số tiền 1,165 tỷ đồng do vi phạm các quy định về giới hạn vay nợ, cho vay, công bố thông tin và sử dụng vốn.

Không dừng lại ở đó, công ty còn thực hiện các giao dịch cho vay không đúng quy định. Theo kết luận của UBCKNN, Chứng khoán Việt đã cho nhân viên vay tiền ngoài phạm vi giao dịch ký quỹ, đồng thời ứng trước tiền bán chứng khoán cho một tài khoản thuộc người nội bộ. Đây là hành vi bị cấm trong hoạt động của công ty chứng khoán, dẫn đến mức phạt 187,5 triệu đồng.

Đặc biệt, công ty đã có hành vi thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành riêng lẻ mà không thông qua Đại hội đồng cổ đông như luật định. Cụ thể, ngày 23/4/2024, Chứng khoán Việt nhận về hơn 229 tỷ đồng từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu, với mục tiêu là mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ sau đó một ngày, 169,6 tỷ đồng trong số này tương đương gần 74% số tiền huy động đã được chuyển sang Ngân hàng TMCP Bắc Á với nội dung thu gốc tất toán. Việc sử dụng vốn sai mục đích này đã bị xử phạt thêm 175 triệu đồng.

Ngoài các hành vi vi phạm tài chính, Chứng khoán Việt còn bị xác định không công bố thông tin theo quy định, bao gồm các Nghị quyết Hội đồng quản trị liên quan đến khoản vay và quyết định cho vay nội bộ. Việc giấu thông tin này khiến công ty bị phạt 92,5 triệu đồng.

Không chỉ không công bố thông tin, công ty còn bị phát hiện báo cáo sai lệch về tỷ lệ an toàn tài chính trong các kỳ báo cáo tháng và không phản ánh trung thực giao dịch với người nội bộ (cụ thể là Tổng giám đốc) trong báo cáo quản trị năm 2023 và 2024. Với hành vi này, mức phạt được áp dụng là 175 triệu đồng, kèm theo yêu cầu bắt buộc phải báo cáo lại thông tin chính xác.

Một vi phạm khác mang tính hệ thống là việc công ty không thiết lập, duy trì hệ thống kiểm toán nội bộ trong hoạt động kinh doanh điều vốn là yêu cầu bắt buộc đối với các công ty chứng khoán. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến việc thiếu kiểm soát các rủi ro nội bộ và bị xử phạt 85 triệu đồng.

Đặc biệt, UBCKNN còn phát hiện Chứng khoán Việt đã cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho nhà đầu tư khi chưa được cơ quan quản lý cấp phép bằng văn bản. Việc tự ý thực hiện dịch vụ mà chưa được chấp thuận là vi phạm Luật Chứng khoán, dẫn đến mức phạt cao nhất trong danh sách lên đến 275 triệu đồng.

Tổng cộng, Chứng khoán Việt bị xử phạt với số tiền 1.165.000.000 đồng. Ngoài các mức phạt bằng tiền, UBCKNN cũng yêu cầu công ty phải khẩn trương khắc phục hậu quả, bao gồm việc tổ chức Đại hội cổ đông để thông qua lại phương án sử dụng vốn và nộp báo cáo điều chỉnh, đảm bảo tính trung thực, chính xác của các thông tin tài chính.

Vụ việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính tuân thủ pháp luật của một số công ty chứng khoán trên thị trường hiện nay. Với vai trò là trung gian tài chính, các công ty chứng khoán phải thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật, đảm bảo minh bạch, công khai, và quản trị rủi ro hiệu quả. Những sai phạm liên tiếp như trường hợp của Chứng khoán Việt không chỉ làm tổn hại uy tín của doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường tài chính nói chung.

Đình Khương