Vì sao các nhà đầu tư nước ngoài lại "kén" thị trường dược Việt Nam?

10:08 | 03/12/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sở dĩ thị trường dược Việt Nam luôn kém thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vì các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với sản xuất thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế chưa đủ hấp dẫn. Các nhà đầu tư cho rằng đây chưa phải là "thị trường béo bở" kiếm lại lợi nhuận cao.
Thephaco: Kinh doanh sụt giảm, đòn bẩy nợ caoThephaco: Kinh doanh sụt giảm, đòn bẩy nợ cao

Theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), chính sách quản lý giá thuốc, định hướng sử dụng thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương đương nhau) đang hạn chế việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới, thuốc biệt dược tại Việt Nam. Hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều nội dung chưa được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi để phù hợp và đáp ứng yêu cầu mới hiện nay. Quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái còn nhiều bất cập, gây lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài…

Vì sao các nhà đầu tư nước ngoài lại "kén" thị trường dược Việt Nam
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Về phía doanh nghiệp, theo bà Ju Eunice Cho, Tổng giám đốc Tập đoàn Viatris, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài bị hạn chế trong việc nhận lại hoặc mua các sản phẩm thuốc nội địa hóa thông qua gia công, chuyển giao công nghệ từ đối tác sản xuất tại Việt Nam và bán cho nhà phân phối trong nước. Họ phải đợi các đối tác xuất khẩu thuốc ra nước ngoài rồi nhập lại, làm phát sinh chi phí và thời gian trong việc đưa thuốc tới tay bệnh nhân, làm giảm hiệu quả đầu tư và tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài của các dự án chuyển giao công nghệ.

Thêm vào đó, thủ tục thẩm định giấy phép đăng ký lưu hành thuốc đang bị kéo dài, không đúng thời hạn quy định trong các văn bản pháp luật hướng dẫn, dẫn đến tiến độ dự án bị chậm và không đúng cam kết trong hợp đồng chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chưa nhận được nhiều ưu đãi cho các dự án đầu tư, sản xuất chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược phẩm…

Sự “lệch pha” trong các quy định về kỹ thuật cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Đại diện Công ty TNHH Medochemie (Viễn Đông) cho rằng, việc chuyển giao công nghệ sản xuất dược phẩm tiêu tốn nhiều thời gian của các bộ phận trọng yếu, việc đào tạo nhân viên và vận hành thiết bị. Doanh nghiệp cũng mất thêm chi phí mời chuyên gia sang và đào tạo trực tiếp tại nhà máy, sản xuất các lô thử nghiệm, lô thăm dò thông số và lô thẩm định.

Ngoài ra, quá trình đăng ký sản phẩm chuyển giao công nghệ cũng kéo dài, khiến việc thương mại hóa sản phẩm chuyển giao công nghệ càng lâu hơn. Cụ thể, sau khi sản phẩm có đăng ký, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ công bố sản phẩm chuyển giao thuộc nhóm 1 (phân nhóm theo thông tư về đấu thầu thuốc) làm kéo dài thêm thời gian, trong khi ngay từ khi nộp hồ sơ đăng ký, thì dự án đã đáp ứng yêu cầu của nhóm 1.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Trưởng văn phòng đại diện Hà Nội của Công ty Servier, Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có quy định lộ trình giữ giá, giảm giá thuốc phát minh để thu hút doanh nghiệp chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh tại Việt Nam, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể ưu đãi này. Việc áp dụng các quy định trong đàm phán giá cũng chưa thống nhất, chưa đảm bảo tính khuyến khích đối với các dự án chuyển giao công nghệ.

Về phía Tập đoàn dược phẩm Sanofi, bà Nguyễn Thị Lương Phong, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn cho biết, từ sáng chế tới cấp phép, phát triển một dược phẩm mới mất từ 10 đến 15 năm, với chi phí 2,6 tỷ USD. Như vậy, chỉ cần chậm trễ một khâu, hoặc ách tắc ở đâu đó, thì thiệt hại sẽ rất lớn cả về thời gian và chi phí.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thùy Dung (T/h)

vietinbank
ajinomoto