TS. Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng có thể tăng "rất nóng" trong thời gian tới

16:55 | 15/04/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trao đổi với phóng viên PetroTimes, Chuyên gia Tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thì giá vàng sẽ còn tăng rất nóng trong thời gian tới.
Vì sao giá vàng nhẫn liên tục tăng mạnh?Vì sao giá vàng nhẫn liên tục tăng mạnh?
NHNN đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàngNHNN đã sẵn sàng các phương án can thiệp thị trường vàng
Không để giá vàng ảnh hưởng đến phát triển kinh tếKhông để giá vàng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế

Thời gian gần đây, thị trường vàng lại liên tục chứng kiến giá vàng leo thang và liên tục lập kỷ lục mới. Giữa tuần qua, giá vàng miếng SJC có thời điểm bật lên mức 84 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tròn trơn cũng vượt mức 77 triệu đồng/lượng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến giá vàng tăng phi mã và trong thời gian tới diễn biến thị trường vàng sẽ như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, PetroTimes có cuộc trao đổi với Chuyên gia Tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu - người đã có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính trong nước và thế giới về vấn đề này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng có thể tăng
Chuyên gia Tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu

PV: Thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục tăng, đặc biệt là giá vàng nhẫn tăng phi mã. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, có nhiều yếu tố tác động đến giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua, thứ nhất, là do tâm lý, có nhiều người nghĩ rằng vàng là kênh đầu tư ăn tiền, trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán lên xuống thất thường, bất động sản không có khởi sắc, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, ngoại tệ cũng không sáng sủa. Do vậy, họ nhìn thấy vàng là kênh càng ngày càng tăng, nên tạo ra tâm lý đám đông.

Thứ hai, bên cạnh tâm lý thì cũng có yếu tố khác tác động như, giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục đắt nhất lịch sử, kéo theo giá vàng trong nước tăng. Giá vàng thế giới tăng là do ngân hàng trung ương tập trung mua vào dự trữ và các nhà đầu tư đổ xô vào mua vàng. Bên cạnh đó, sức khỏe của nền kinh tế và vấn đề địa chính trị bất ổn cũng làm giá vàng tăng.

Thứ ba, ở trong nước, thì tỷ giá đang tăng, đồng tiền của mình mất giá, người ta nghĩ rằng vấn đề lạm phát đang bùng lên, chính vì thế vàng là nơi trú ẩn an toàn, chạy vào vàng, chống lạm phát.

Thứ tư, nguồn cung vàng khan hiếm, bởi hơn 10 năm qua, Ngân hàng Nhà nước không cho phép tư nhân nhập khẩu vàng.

Mặc dù vàng nhẫn không thuộc hàng độc quyền, trên thị trường xuất hiện rất nhiều thương hiệu khác nhau nhưng giá vẫn ngày càng tăng là do giá nguyên liệu tăng lên, đồng thời nguồn nguyên liệu đầu vào chưa đáp ứng đủ nhu cầu do các doanh nghiệp chưa được nhập khẩu vàng. Tất cả các yếu tố đó nó cộng hưởng đẩy giá vàng trong nước tăng lên.

PV: Vậy theo ông, việc thiếu nguồn cung có phải là nguyên nhân chính dẫn đến giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng trong nước chênh lệch quá nhiều so với vàng thế giới là hiện tượng đáng quan tâm, bởi nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ tạo cơ hội cho việc đầu cơ và buôn lậu vàng. Khi thấy vàng trong nước cao, các đối tượng này sẽ tìm cách đưa vàng thế giới vào trong nước để bán cao hơn nhằm thu lời. Việc này cũng gây thiệt hại ngoại tệ cho nước ta do không kiểm soát được lượng vàng nhập khẩu. Ngoài ra, nếu thị trường có chênh lệch cao như thế thì sẽ rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là những người đã đầu tư từ trước đó.

Ngoài ra, sau hơn 10 năm kể từ khi ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, đến nay được dư luận đánh giá đã phát huy tác dụng, tránh được tình trạng vàng hoá nền kinh tế. Tuy nhiên, tình hình trong nước hiện nay đã có nhiều thay đổi, cần thiết sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để phù hợp với thị trường.

Cụ thể là nhu cầu vàng trong nước đã tăng cao hơn so với trước đây. Nếu chỉ có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được nhập khẩu vàng thì chỉ đáp ứng việc tiết kiệm ngoại tệ. Việc tiếp tục duy trì chế độ đó làm thiếu nguồn cung vàng, trong khi cầu vàng lại tăng, dẫn tới giá vàng trong nước luôn cao hơn vàng thế giới. Nếu kéo dài tình trạng này thì giá vàng có thể còn tăng hơn nữa.

PV: Để ổn định thị trường vàng, cần phải sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP như thế nào cho hợp lý, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, về Nghị định 24, có hai điều cần phải sửa đổi, thứ nhất, là loại bỏ thương hiệu vàng quốc gia SJC để có thể tạo ra thị trường vàng cạnh tranh, công bằng hơn với tất cả các sản phẩm khác.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng uy tín và rút lui về vai trò quản lý chứ không phải nhà nhập khẩu vàng. Việc giao cho cho các doanh nghiệp cũng phải đi kèm với các áp đặt cho mỗi nhà kinh doanh vàng, ngân hàng nhà nước vẫn sẽ kiểm soát được lượng ngoại tệ bỏ ra để mua vàng. Việc giao nhiệm vụ này sẽ tạo ra được nguồn cung trên thị trường dồi dào và ổn định hơn.

Bên cạnh đó, cũng cần thiết sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP hướng tới thành lập sàn giao dịch vàng để mọi hoạt động mua bán vàng trở nên công bằng, rõ ràng hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng có thể tăng
Ảnh minh họa/https://petrotimes.vn/

PV: Thời gian qua, giá vàng “nhảy múa” khó kiểm soát, vậy sắp tới, liệu có xảy ra tình trạng “bong bóng” vàng không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nếu vàng cứ tiếp tục tăng như thế này, tới một lúc nào đó, bong bóng sẽ vỡ ra. Bong bóng vỡ khi giá vàng tăng quá cao, bắt đầu ở điểm dừng ở lúc vàng lên một mức mà người ta không thể mua được nữa, thì thị trường vàng sẽ sụt giảm một cách nhanh chóng. Để nói thị trường vàng có thể bong bóng không thì khó có thể nói trước được. Bởi giá vàng thế giới đang tăng rất nhanh, thành ra giá vàng trong nước bị tác động bởi tác động giá vàng thế giới. Liệu rằng giá vàng thế giới đang trong vạch bong bóng hay không thì cũng chưa có câu trả lời chắc chắn được, bởi nhu cầu vàng trên thế giới đang rất lớn.

PV: Trong lúc giá vàng đang “sốt” như hiện nay, ông có khuyến cáo gì cho người dân và các nhà đầu tư?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trong lúc này, các nhà đầu tư không nên nóng vội, bỏ hết vốn vào vàng, nhất là trong bối cảnh giá vàng đang rất sốt. Đồng thời, nhà đầu tư nên theo dõi kỹ lưỡng thông tin từ các kênh, các tuyên bố, động thái của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các diễn biến mới nhất từ thị trường.

Trong cơn sốt vàng, tuyệt đối tránh tình trạng vay tiền để mua vàng. Bởi khi vàng đột ngột rớt giá, người vay sẽ cùng lúc phải chịu áp lực nặng nề từ việc thất thoát tiền bạc và trả nợ.

PV: Ông nhận định thế nào về giá vàng và kênh đầu tư vàng trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, sắp tới giá vàng sẽ còn tăng rất nóng, nếu không sửa đổi Nghị định 24 và không có sự can thiệp mạnh mẽ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để cải thiện cung cầu thì giá vàng sẽ tăng lên mức khó lường được, bởi giá vàng thế giới đang tăng rất mạnh, nếu không có động thái gì thì giá vàng sẽ tăng rất nóng từ nay đến cuối năm.

Ngoài ra, vàng vẫn sẽ là kênh trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư. Bởi lẽ, khi nền kinh tế ổn định, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán hồi phục, giá vàng có xu hướng giảm hoặc đi ngang. Trái lại, nếu nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các kênh đầu tư khác trì trệ, giá vàng sẽ có thể gia tăng do tâm lý của người dân hướng tới tích trữ, dự phòng bằng vàng.

Đối với nhà đầu tư, lợi nhuận chỉ là 1 trong những động cơ khiến họ mua vàng. Chứng khoán vẫn thất thường, bất động sản vẫn khó khăn, lãi suất tiền gửi thấp. Trong khi đó, lợi nhuận của vàng vẫn là 10% thì rõ ràng nhà đầu tư chọn vàng vì vàng còn là tài sản, có tính thanh khoản cao, lợi nhuận tốt và đặc biệt an toàn. Mặc dù vậy, để tránh rủi ro, các nhà đầu tư cũng nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường và các yếu tố khác liên quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

https://petrotimes.vn/

Mạnh Tưởng (thực hiện)

vietinbank
thaco