Trái phiếu doanh nghiệp lại "nóng": Cảnh báo rủi ro đang lớn dần!

07:00 | 29/07/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mặt bằng chung lãi suất trái phiếu một số nhóm ngành như bất động sản đang cao gấp đôi lãi suất ngân hàng, trong đó phần lớn trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc được đảm bảo bằng cổ phiếu. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, rủi ro mất vốn có thể xảy đến khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán.

Lượng phát hành tăng mạnh

Báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) quý 2/2021 vừa được Công ty chứng khoán SSI Research công bố mới đây cho biết, trong quý 2, các doanh nghiệp đã phát hành 164 nghìn tỷ đồng trái phiếu, gấp 3,66 lần lượng phát hành trong quý 1/2021 và tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, 89% là phát hành riêng lẻ trong nước. Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn phát hành trái phiếu quốc tế như Công ty Cổ phần Vingroup phát hành 500 triệu USD, lãi suất 3%/năm; Công ty Cổ phần bất động sản BIM phát hành 200 triệu USD, lãi suất 7,375%/năm.

Trong quý 2, các ngân hàng thương mại là tổ chức phát hành nhiều nhất với tổng giá trị phát hành 67 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 41% tổng lượng phát hành trong quý. Các đơn vị phát hành nhiều nhất là những “ông lớn” bất động sản như Vingroup, Golden Hill, BIM, Hưng Thịnh Quy Nhơn, Hưng Thịnh Land, Sunshine, Wonderland...

Tính chung nửa đầu năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành là 208,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2020. Nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn dẫn đầu về lượng phát hành với 92,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 44,2%; sau đó đến các ngân hàng với 68,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,7%; kế đến năng lượng và khoáng sản với 14,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,1%; định chế tài chính phi ngân hàng phát hành 11,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,4%; phát triển hạ tầng 6 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,9%.

Trái phiếu doanh nghiệp lại
Nhóm doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu về lượng phát hành trong 6 tháng đầu năm. Nguồn: SSI/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

SSI nhận định, động lực chính để trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục lên ngôi là chênh lệch lãi suất ở mức cao so với lãi suất tiền gửi. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong quý 3/2021 do việc tiếp cận tín dụng hạn chế và chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và tiền gửi vẫn nối dài.

Trong khi đó, lãi suất phát hành bình quân của các TPDN đã loại trừ trái phiếu ngân hàng trong quý 2/2021 là 9,95%. Lãi suất trái phiếu đang có xu hướng giảm từ quý 3/2020 đến nay nhưng mức giảm rất nhỏ so với sự giảm sâu của lãi suất tiền gửi.

Nửa đầu năm nay, các nhà đầu tư cá nhân giảm mua; bù lại, ngân hàng và công ty chứng khoán là những nhà đầu tư TPDN nhiều nhất. Cụ thể, các nhà đầu tư cá nhân mua gần 11 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, tập trung vào trái phiếu bất động sản, ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng. Lượng mua này chỉ bằng 47% lượng các nhà đầu tư cá nhân đã mua trong cùng kỳ 2020.

Diễn biến này là không bất ngờ khi quy định nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có hiệu lực.

Rủi ro đang tăng lên

Đáng chú ý, vấn đề tài sản bảo đảm cho trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức đáng báo động. Trái phiếu không tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu đang chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, trái phiếu đảm bảo bằng một phần tài sản/bất động sản và một phần là cổ phiếu đạt tỷ lệ 33%; đảm bảo bằng cổ phiếu chiếm 9,3% và không có tài sản bảo đảm là 28%.

Có 29 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Nếu tính cả trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60 nghìn tỷ đồng, chiếm 64% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 6 tháng đầu năm 2021.

Trái phiếu doanh nghiệp lại

Nhóm 10 doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất trong 6 tháng 2021. Nguồn: SS/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, chủ yếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Trong nhóm trái phiếu bất động sản, 19,4% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm.

Trong quý 2/2021, lãi suất trái phiếu bất động sản bình quân 10,3%/năm, giảm 17 điểm phần trăm so với quý 1/2021. Tính chung nửa đầu 2021, lãi suất của các doanh nghiệp bất động sản phát hành vẫn neo ở mức 10,36%/năm, cao hơn mặt bằng chung lãi suất trái phiếu và cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng.

Có thể thấy đây là mức lãi suất khá cao trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, khả năng doanh nghiệp có tăng trưởng mạnh để có thể trả lãi cao cho nhà đầu tư như hiện nay là rất khó. Chưa kể nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể mất khả năng trả nợ. Như vậy, rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán cả gốc và lãi trái phiếu là rất có thể xảy ra.

Đặc thù của trái phiếu doanh nghiệp là công cụ vay nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Trong khi đó, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh.

Diễn biến thực tế cho thấy, dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm doanh nghiệp bất động sản bớt thuận lợi. Thanh khoản có xu hướng giảm và sức hấp thụ đang suy yếu dần.

Các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng cũng chậm hơn dự kiến. Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến là lượng lớn tài sản đảm bảo cho TPDN là cổ phiếu. các chuyên gia cho rằng việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

PV

vietinbank
ajinomoto