Tổ hợp dự án thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện có gì mới?

13:30 | 28/09/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tổ hợp dự án nhà máy thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, một trong thành phần của dự án đã được khởi công vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, dự án này cũng đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt là phản ứng của những người dân tại huyện Nghĩa Hưng Nam Định do những thiệt hại về kinh tế và những lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Dự án 100.000 tỷ xây dựng nhà máy thép xanh ven biển

Theo tìm hiểu, Tổ hợp nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt tại Quyết định số 2186/QĐ-UBND và Quyết định số 2188/QĐ-UBND vào ngày 9/10/2021 với tổng mức đầu tư là 69.000 tỉ đồng, tổng công suất 7,2 triệu tấn/năm.

Tổ hợp gồm 3 thành phần: Dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định (tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng); Nhà máy cán thép Xuân Thiện (vốn đầu tư 3.000 tỷ) và Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định (vốn đầu tư 900 tỷ đồng) tổng diện tích sử dụng trên 425ha, công suất 350.000 tấn/năm.

Đến ngày 22/3/2022, UBND tỉnh Nam Định quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư theo hướng tăng vốn, tăng công suất, điều chỉnh công nghệ, từ sản xuất thép nâu truyền thống sang sản xuất thép xanh, thân thiện với môi trường và đổi tên 2 dự án: "Nhà máy Gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định" thành "Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định", "Nhà máy Cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng" thành "Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng". Tổng vốn đầu tư của cả 3 dự án là 98.900 tỷ đồng.

Tổ hợp dự án thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện có gì mới?
Phối cảnh Tổ hợp Dự án Nhà máy Thép xanh ở Nam Định.

Được biết, Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định được xây dựng trên địa bàn các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Hưng), quy mô 284,97 ha, công suất 7,5 triệu tấn sản phẩm/năm, hoạt động sản xuất chủ yếu là luyện thép tấm HRC và sắt xốp thương phẩm theo nhu cầu của thị trường.

Có tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng, Dự án Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh, tạo thêm việc làm cho khoảng 15.000 lao động địa phương và được thực hiện theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn I thực hiện trong 36 tháng, hoàn thành dây chuyền cán nguội chế biến sâu, công suất 1 triệu tấn/năm, sản phẩm thép tấm mạ kẽm, thép tấm sơn phủ, là mặt... và các hạng mục phụ trợ khác với giá trị đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng. Giai đoạn II thực hiện trong 48 tháng, hoàn thành dây chuyền 1, công suất khoảng 5,1 triệu tấn/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC với giá trị đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng. Giai đoạn III, sau 60 tháng, hoàn thành dây chuyền 2, công suất khoảng 2,4 triệu tấn/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC với giá trị đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng.

Dự án Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng được xây dựng trên diện tích khoảng 83,93 ha tại xã Nghĩa Hải (huyện Nghĩa Hưng), sản xuất thép thành phẩm công suất 2 triệu tấn/năm từ thép phế liệu bằng lò điện hồ quang và đúc cán liên tục. Tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng; tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm cho khoảng 800 lao động. Dự án được thực hiện trong 36 tháng kể từ ngày được bàn giao đất tại thực địa.

Dự án Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn trên diện tích khoảng 57,8 ha tại xã Nghĩa Hải, xã Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng). Nhà máy có công suất khoảng 350.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 900 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời gian 24 tháng, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm cho khoảng 400 lao động.

Về công nghệ sản xuất, Tập đoàn Xuân Thiện cam kết sử dụng các công nghệ có xuất xứ từ các nước G7/châu Âu, thiết bị mới 100% đảm bảo các chỉ tiêu về khí thải, nước thải và môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Theo đó, áp dụng công nghệ luyện thép xanh (luyện thép phi cốc) hiện đại, thân thiện với môi trường để sản xuất thép xanh; đầu tư chế biến sâu từ quặng với quy trình sản xuất khép kín, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm của khâu trước là đầu vào của khâu sau, tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng.

Dự án chưa nhận được sự đồng thuận từ người dân?

Tổ hợp dự án thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện được xây dựng tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định với tổng diện tích sử dụng trên 425ha.

Tổ hợp dự án thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện có gì mới?
Ngày14/11/2022, Tập đoàn Xuân Thiện đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn.

Ngày14/11/2022, tại xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, Tập đoàn Xuân Thiện đã khởi công xây dựng dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn với công suất 350.000 tấn/năm, đây cũng là dự án được khởi công đầu tiên trong Tổ hợp dự án thép xanh Xuân Thiện Nam Định .

Theo kế hoạch, Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định sẽ hoàn thành xây dựng vào quý IV/2024, bắt đầu đi vào sản xuất từ quý I/2025; cung cấp các sản phẩm bê-tông để xây dựng tổ hợp thép xanh Xuân Thiện Nam Định, cảng biển nước sâu, cảng sông Đáy và các dự án thành phần khác.

Hiện nay, chủ đầu tư đang tích cực tổ chức thi công các hạng mục hạ tầng kết nối trong dự án…

Theo tìm hiểu, Tổ hợp dự án thép xanh Xuân Thiện nằm ở các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm thuộc huyện Nghĩa Hưng, Nam Định có tổng diện tích 425ha. Các dự án nằm tại vị trí cách Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ khoảng 60km về phía Đông Bắc.

Về nguồn gốc khu đất thực hiện dự án, từ năm 1991, nhiều hộ dân đã ký hợp đồng kinh tế có thời hạn với UBND huyện Nghĩa Hưng để đấu thầu dưới hình thức tự bỏ vốn, khoanh vùng đắp đầm tận dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản. Việc người dân mở rộng nuôi trồng thủy sản ở Nghĩa Hưng đã khiến vùng đất này trở nên sôi động với hàng nghìn hộ làm nghề và tạo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động từ dịch vụ nghề cá.

Ngày 19/12/2018, UBND tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 2896/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Nam Định đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Theo đó, phát triển kinh tế thủy sản đảm bảo tính bền vững, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng; khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích lợi thế, tiềm năng về đất đai, mặt nước; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Sau khi quy hoạch, người dân các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thành, Nghĩa Lâm thuộc huyện Nghĩa Hưng yên tâm, phấn khởi dồn tiền đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đổ mô hôi, công sức ra lấn biển, xây dựng các khu nuôi trồng thuỷ sản ven biển.

Tuy nhiên, tháng 9/2021, khi nông dân tiến hành nộp sản thì UBND huyện thông báo người dân dừng xuống giống mới và đến tháng 10 có Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Nam Định.

Người dân cho rằng "Việc lấy đất của dân bất ngờ như vậy gây thiệt hại to lớn cho người dân...” và: “Về phần tác động môi trường, bà con rất lo lắng về việc có thể dẫn đến sức khoẻ nhân dân lâu dài, nhiều đời, khu vực rừng ngập mặn sẽ bị phá, cá, tôm, ngao, bớp sẽ chết hết".

Cũng theo người dân tại đây, Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro, thảm họa” được tiến hành liên tục do Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch, Nhật Bản thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ với tổng kinh phí hơn 11,3 triệu USD. Đến nay, dự án đã đạt những kết quả tích cực, với ba loại cây: trang, đước và bần. Trong tổng số 24.000 ha rừng ngập mặn đã được trồng, hiện còn sống và có độ che phủ gần 9.000 ha, bảo vệ được gần 100km đê biển. Dự án đã góp phần hỗ trợ xây dựng cộng đồng an toàn, giảm rủi ro thảm họa, thiên tai cho người dân. Bây giờ xây Nhà máy gang thép ngay tại dự án như vậy, bao nhiêu công sức hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và người dân lại bị biến thành một dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao nhất là sản xuất gang thép.

“Dự án này bị người dân phản đối vì hơn 10.000 lao động trực tiếp và phụ trợ sẽ thất nghiệp, không biết đi đâu về đâu nhưng lãnh đạo huyện không quan tâm, không hỗ trợ người dân. Cán bộ huyện nói nhà máy ở đây sẽ biến nông dân thành … công nhân, giải bài toán lao động dôi dư nhưng lãnh đạo không hiểu là hàng ngàn người dân đều trên 50 tuổi thì không thể đi làm công nhân. Trong khi đó, nếu tiếp tục canh tác nuôi trồng thuỷ sản vẫn có thể có công ăn việc làm, có thu nhập...” - một người dân huyện Nghĩa Hưng cho biết thêm.

Cũng liên quan đến Tổ hợp dự án nhà máy sản xuất gang thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện, mới đây, 370 lá đơn kêu cứu của 370 hộ dân huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã được ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTV Quốc hội tiếp nhận và chuyển các cơ quan chức năng trung ương giải quyết.

Có thể thấy, chủ trương của chính quyền tỉnh Nam Định nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh là một chủ trương đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, từ những ý kiến của người dân, chính quyền nên trả lời, giải quyết những thắc mắc, đòi hỏi chính đáng của người dân và hỗ trợ, bồi thường thiệt hại thỏa đáng.

Huy Tùng