Tin Xây dựng - bất động sản ngày 3/7: Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực chậm trả kinh phí tháo dỡ

07:07 | 03/07/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thừa Thiên Huế tìm chủ đầu tư cho dự án khu đô thị sinh thái hơn 4.000 tỷ đồng;Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực chậm trả kinh phí tháo dỡ;Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ đấu giá đất tại TP Thanh Hóa;Hà Nội đề nghị làm rõ căn cứ pháp lý, nguyên nhân điều chỉnh diện tích 26 dự án…là những tin tức xây dựng - bất động sản đáng chú ý
Tin Xây dựng - bất động sản ngày 2/7: Hà Nội dự kiến chi hơn 55 tỷ USD làm gần 600km đường sắt đô thịTin Xây dựng - bất động sản ngày 2/7: Hà Nội dự kiến chi hơn 55 tỷ USD làm gần 600km đường sắt đô thị
Tin Xây dựng - bất động sản ngày 1/7: Bất động sản tồn kho hơn 11 tỷ USDTin Xây dựng - bất động sản ngày 1/7: Bất động sản tồn kho hơn 11 tỷ USD

Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực chậm trả kinh phí tháo dỡ

Mới đây, Văn phòng UBND quận Ba Đình thông báo, việc phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực đã hoàn thành, nhưng quận vẫn chưa thu hồi được kinh phí tạm ứng cho việc tháo dỡ.

Tin Xây dựng - bất động sản ngày 3/7: Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực chậm trả kinh phí tháo dỡ
Công trình 8B Lê Trực, quận Ba Đình

Việc phá dỡ phần công trình sai phạm tại 8B Lê Trực được thực hiện từ năm 2016, với rất nhiều kỹ thuật khó, phức tạp, kéo dài và tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực chưa hoàn trả ngân sách quận Ba Đình số tiền hơn 22,2 tỷ đồng.

Trước đó, UBND quận Ba Đình đã gửi văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần May Lê Trực hoàn trả số tiền tạm ứng hơn 22,2 tỷ đồng, bao gồm hơn 5,2 tỷ đồng tạm ứng năm 2016 và 17 tỷ đồng tạm ứng năm 2020. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa thực hiện thanh toán.

Từ tháng 12/2023, UBND quận Ba Đình đã nhiều lần mời Công ty Cổ phần May Lê Trực họp để thống nhất giá trị quyết toán và hoàn trả kinh phí cưỡng chế vi phạm, nhưng công ty đã từ chối tham gia với nhiều lý do. Trong hơn một tháng qua, UBND quận tiếp tục gửi văn bản yêu cầu công ty thanh toán, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Lãnh đạo UBND quận Ba Đình cảnh báo rằng nếu chủ đầu tư tiếp tục chậm trễ, quận sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội để xử lý theo quy định pháp luật.

Doanh thu bất động sản TPHCM tăng trong 6 tháng đầu năm

Cục Thống kê TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Tin Xây dựng - bất động sản ngày 3/7: Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực chậm trả kinh phí tháo dỡ
Ảnh minh họa

Theo đó, trong nửa đầu năm nay, doanh thu dịch vụ khác của TP.HCM ước đạt 208.355 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Thành phố đã thu gần 7.170 tỷ đồng từ các khoản thu về nhà đất, tăng mạnh so với 4.650 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Trong 6 tháng qua, 570 doanh nghiệp bất động sản đã được cấp phép hoạt động, với vốn đăng ký đạt 27.851 tỷ đồng, mặc dù giảm 17,3% về số lượng cấp phép nhưng tăng 4,1% về vốn.

Tăng trưởng kinh doanh bất động sản đã phục hồi, đạt 2,94% trong quý 2/2024, sau khi tăng 2,51% trong quý 1/2024. TP.HCM đã cấp 3.396 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đăng ký biến động 178.680 giấy chứng nhận trong 6 tháng đầu năm.

TP.HCM cũng cấp 10.240 giấy phép xây dựng và sửa chữa lớn, với diện tích sàn trên 1,8 triệu m², tăng 1,1% về giấy phép nhưng giảm 1,4% về diện tích so với cùng kỳ.

Khảo sát dự báo quý 3/2024 cho thấy 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn, 41,2% giữ ổn định và 21,8% dự báo khó khăn hơn.

Tại phiên họp thường kỳ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã tháo gỡ được 2/7 dự án nhà ở thương mại và sẽ cố gắng giải quyết 5 dự án còn lại trong quý tới. Thành phố sẽ nhanh chóng thực thi các luật mới liên quan đến bất động sản và tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản.

Thừa Thiên Huế tìm chủ đầu tư cho dự án khu đô thị sinh thái hơn 4.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành quyết định về việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, thực hiện dự án khu đô thị sinh thái tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy.

Dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới 4.186 tỷ đồng, quy mô 6,7 ha, bao gồm khoảng 1.000 căn nhà ở thấp tầng và 118.000 m2 sàn thương mại dịch vụ, cùng các công trình giáo dục và thể dục thể thao, dự kiến phục vụ cho 3.500 cư dân.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Hiện tại, hai nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đăng ký là Công ty Cổ phần Nerahomes và Liên danh Công ty TNHH Tân Hưng - Công ty Cổ phần Lương thực vật tư nông nghiệp Nghệ An. Các doanh nghiệp khác cũng có cơ hội tham gia đấu thầu.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố danh mục dự án nhà ở xã hội tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, với tổng vốn đầu tư 1.430 tỷ đồng trên diện tích 26,17 ha. Dự án này sẽ được triển khai thành hai giai đoạn, cung cấp tổng cộng 1.680 căn nhà ở xã hội, phục vụ cho khoảng 7.000 người, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người có thu nhập thấp.

Yêu cầu cung cấp hồ sơ đấu giá đất tại TP Thanh Hóa

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá vừa có văn bản đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất tại mặt bằng quy hoạch ở phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) để phục vụ việc giải quyết nguồn tin tố giác dấu hiệu của hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Cụ thể, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đang xác minh giải quyết tố giác có dấu hiệu của hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong đấu giá quyền sử dụng đất thửa số 26PK03 mặt bằng 1474, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa.

Theo đó, để phục vụ việc giải quyết nguồn tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị lãnh đạo thành phố Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị, phòng chuyên môn cung cấp các tài liệu như: tài liệu rà soát điều kiện giải phóng mặt bằng, căn cứ báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với mặt bằng 1474, phường Nam Ngạn , TP Thanh Hoá; hồ sơ giải phóng mặt bằng đối với thửa đất lô 26PK03 mặt bằng 1474; hồ sơ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đối với mặt bằng 1474...

Trước đó, liên quan đến việc giải phóng mặt bằng quy hoạch trên, người dân đã có phản ánh tới cơ quan chức năng về những bất cập khi thực hiện dự án.

Hà Nội đề nghị làm rõ căn cứ pháp lý, nguyên nhân điều chỉnh diện tích 26 dự án

Ngày 2/7, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất và chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024. Bà Hồ Vân Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hà Nội, đề nghị UBND TP. Hà Nội làm rõ căn cứ pháp lý và nguyên nhân điều chỉnh diện tích 26 dự án và giảm diện tích 9 dự án, đặc biệt là 5 dự án tại huyện Đông Anh.

Tin Xây dựng - bất động sản ngày 3/7: Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực chậm trả kinh phí tháo dỡ
Ảnh minh họa

Nghị quyết này điều chỉnh giảm 13 dự án đã được xác định trước đó, với tổng diện tích đất thu hồi là 52,51ha. Đồng thời, điều chỉnh tăng diện tích đất thu hồi tại 26 dự án với tổng diện tích 20,5ha, và giảm diện tích đất thu hồi tại 9 dự án với tổng diện tích 57ha. Ngoài ra, tên dự án, đơn vị đăng ký và địa danh cấp xã thực hiện cũng được điều chỉnh tại 17 dự án mà không thay đổi diện tích đất thu hồi.

Nghị quyết cũng bổ sung danh mục 198 dự án thu hồi đất năm 2024 với tổng diện tích 802,44ha và 25 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa với tổng diện tích 38,93ha. Về kinh phí giải phóng mặt bằng, các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố sẽ được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách năm 2024. Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện, thị xã sẽ do các đơn vị này bố trí, còn các dự án ngoài ngân sách sẽ do chủ đầu tư tự bố trí.

Trước đó, trong Báo cáo thẩm tra, bà Hồ Vân Nga cho biết các Ban của HĐND TP. Hà Nội cơ bản thống nhất với đề xuất của UBND TP. Tuy nhiên, bà đề nghị làm rõ thêm căn cứ pháp lý và nguyên nhân điều chỉnh diện tích các dự án, đặc biệt là 5 dự án tại huyện Đông Anh và pháp lý đề xuất bổ sung danh mục đối với 2 dự án sử dụng vốn ngân sách huyện Chương Mỹ.

Huy Tùng

vietinbank
thaco