Tin nhanh chứng khoán ngày 22/2: Cổ phiếu bất động sản, ngân hàng lao dốc

17:33 | 22/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đợt bán dồn dập trong 30 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục đẩy VN-Index rơi tự do. Đặc biệt nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng giảm cực mạnh khiến chỉ số bốc hơi 27,95 điểm tương đương -2,58%...
Tin nhanh chứng khoán ngày 21/2: VN-Index giảm, khối ngoại bán ròngTin nhanh chứng khoán ngày 21/2: VN-Index giảm, khối ngoại bán ròng
Tin nhanh chứng khoán ngày 20/2: Cổ phiếu bất động sản bùng nổTin nhanh chứng khoán ngày 20/2: Cổ phiếu bất động sản bùng nổ

Diễn biến phiên giao dịch ngày 22/2, thị trường vốn đã xấu từ sáng, nhưng nửa đầu phiên chiều vẫn xuất hiện một nhịp hồi lại. Đỉnh cao nhất lúc 14h07 biên độ giảm co lại còn -0,93% so với tham chiếu, là cải thiện đáng kể từ mức giảm 1,42% thời điểm chốt phiên sáng. Tuy nhiên từ đó trở đi, áp lực bán đã tăng vọt trở lại, hình thành một nhịp rơi tự do cuối cùng.

Tin nhanh chứng khoán ngày 22/2: Cổ phiếu bất động sản, ngân hàng lao dốc
VN-Index giảm tới 27,95 điểm (-2,58%) xuống 1.054,28 điểm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm tới 27,95 điểm (-2,58%) xuống 1.054,28 điểm; HNX-Index giảm 4,12 điểm xuống 209,97 điểm; UpCOM-Index giảm 0,74 điểm xuống 77,44 điểm. Thanh khoản trên HoSE trở thành điểm sáng hiếm hoi khi cải thiện 12% so với phiên trước với giá trị khớp lệnh đạt 11.660 tỷ đồng.

Đà lao dốc của nhiều cổ phiếu trụ là nguyên nhân chính kéo VN-Index giảm mạnh. Nhóm VN-30 phiên hôm nay mất gần 30 điểm, toàn bộ 30 mã đều giảm điểm. Điều đáng nói là biên độ giảm rất lớn khi cả rổ bluechips đều ghi nhận mức giảm trên 1%, thậm chí nhiều mã lớn như GVR, SSI, VHM, PLX, NVL còn giảm trên 5%.

Khi các cổ phiếu mạnh nhất đảo chiều thì các cổ phiếu yếu càng kém hơn. Nhóm bất động sản sáng nay chưa có mã nào sàn, kết phiên đã có NVL, DXG, DRH, KHG, SZC. Hàng chục mã khác trong nhóm này giảm 4-6%. Nhóm siêu trụ bất động sản giảm ảnh hưởng nặng lên chỉ số là VHM giảm 5,75%, VIC giảm 2,39%, VRE giảm 5,07%.

Ngoài 3 mã nhóm Vin, cổ phiếu ngân hàng cũng chiếm 4 vị trí còn lại trong Top 10 mã đánh sập chỉ số: BID giảm 2,7%, VCB giảm 1,27%, CTG giảm 3,18%, TCB giảm 3,17%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu HQC ngược dòng thị trường và là cái tên ấn tượng nhất, khi tăng kịch trần +6,8% lên 3.460 đồng, khớp lệnh cao nhất toàn sàn với hơn 51 triệu đơn vị.

Sắc tím khác còn tại TNT, AMD, TMT và YEG, trong đó, AMD khớp lệnh tốt nhất với hơn 2,74 triệu đơn vị.

Tăng tốt khác chỉ còn tại SMC +5,8% lên 10.900 đồng, PSH +3,1% lên 7.400 đồng, SCR +2,1% lên 6.700 đồng.

Ở chiều ngược lại, một số gặp lực bán mạnh và giảm sàn như bất động sản SZC, TTB, KHG DRH, DXG và cổ phiếu HCM ở nhóm công ty chứng khoán.

Về khối ngoại hôm nay, có phiên thứ 6 liên tiếp bán ròng rất nhiều và cũng xả các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Tổng giá trị bán trên HoSE đạt 1.288,3 tỷ đồng, cao nhất 4 phiên, trong khi mua 925,5 tỷ, thấp nhất 23 phiên. Mức bán ròng đạt 362,8 tỷ đồng. VIC bị xả nhiều nhất -58,6 tỷ, VHM -54 tỷ, DXG -39,1 tỷ, CTG -38,2 tỷ, STB -37,2 tỷ, SSI -35,6 tỷ, VNM -34,8 tỷ, HPG -30,4 tỷ, MSN -23,8 tỷ, DGC -23,1 tỷ. Phía mua ròng có NKG +20,8 tỷ, KBC +19,2 tỷ, FRT +19,1 tỷ, HSG +13,9 tỷ.

Khối ngoại tuần trước đã rút ròng khoảng 511 tỷ đồng chỉ riêng với cổ phiếu sàn HoSE, trở thành tuần bán ròng đầu tiên kể từ đầu tháng 11/2022. So với mức mua ròng thì con số này quá nhỏ, nhưng dòng vốn ETF trong tháng 2 đang có dấu hiệu giảm nhiệt rõ rệt, thậm chí nhiều ngày các quỹ ETF ngoại không hút thêm được đồng nào. Các quỹ ETF nội như VNDiamond hay VN30 hút thỉnh thoảng được vốn ngoại qua chứng chỉ lưu ký và được mua ròng thỏa thuận (hôm nay FUEVFVND được mua ròng 19,8 tỷ) ở quy mô nhỏ.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)