Tin ngân hàng tuần qua: Chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng tại Kỳ họp thứ 6

10:00 | 26/11/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Những đối tượng phải báo cáo NHNN khi giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên; Ngân hàng, công ty chứng khoán cấp tập chia cổ tức, tăng vốn; Công an TP HCM bắt nhân viên một ngân hàng; Sacombank nhận ba giải thưởng từ Napas… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 25/11: Tiềm ẩn rủi ro mất cân bằng kỳ hạn và thanh khoảnTin ngân hàng ngày 25/11: Tiềm ẩn rủi ro mất cân bằng kỳ hạn và thanh khoản
Tin ngân hàng ngày 24/11: Cần ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộTin ngân hàng ngày 24/11: Cần ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ

Chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng tại Kỳ họp thứ 6

Theo chương trình dự kiến, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 28/11. Tuy nhiên, tại báo cáo này, UBTVQH cho hay, các nội dung tại dự thảo Luật liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện để bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống như đã nêu tại Nghị quyết số 31/2021/QH15.

Tin ngân hàng tuần qua: Chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng tại Kỳ họp thứ 6
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Về cơ sở thực tiễn, cũng chưa làm rõ được các bất cập trong quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt theo quy định của Luật hiện hành, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của các bất cập nên chưa đủ cơ sở để thiết kế phương án tổng thể, tối ưu đối với các nội dung này.

Là dự án Luật phức tạp, nhạy cảm, có vai trò rất quan trọng đối với nền tài chính quốc gia, UBTVQH nêu rõ chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.

Vì vậy, UBTVQH cho rằng, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo Luật.

Những đối tượng phải báo cáo NHNN khi giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên

Theo đó, đối tượng cần báo cáo bao gồm các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, bao gồm:

Tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động: Nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán; phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính.

Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược.

Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; kinh doanh kim khí quý, đá quý; kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022, thay thế cho Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Trong đó, Điều 25 của Luật quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quyết định 11/2023/QĐ-TTg đã quy định cụ thể mức tiền này là 400 triệu đồng. Theo quy định cũ ban hành năm 2013, mức giao dịch phải báo cáo là trên 300 triệu đồng.

Ngân hàng, công ty chứng khoán cấp tập chia cổ tức, tăng vốn

Bước vào những tháng cuối năm, làn sóng tăng vốn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Ngân hàng, công ty chứng khoán cấp tập chia cổ tức, tăng vốn.

Tin ngân hàng tuần qua: Chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng tại Kỳ họp thứ 6
BIDV sẽ tăng từ 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Những tháng cuối năm, các nhà băng gấp rút hoàn thành kế hoạch tăng vốn như đã đề ra. BIDV vừa chốt ngày hưởng quyền nhận cổ tức vào 29/11, tỷ lệ 12,69%. Sau đợt chia cổ tức, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004 tỷ đồng.

Cũng trong quý cuối năm này, VietinBank có kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7% từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế và sau trích các quỹ năm 2020. Dự kiến, vốn điều lệ của VietinBank tăng từ hơn 48.000 tỷ đồng lên trên 53.700 tỷ đồng. Trước đó, một loạt ngân hàng đã chốt quyền nhận cổ tức như: OCB, Eximbank, VPBank, SeABank…

Ngoài những ngân hàng đã chia và thông báo ngày chốt danh sách nhận cổ tức, Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) cũng đã có thông báo chấp thuận phương án tăng vốn thông qua phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng cho Vietcombank, LPBank. Vietcombank chính thức tăng vốn điều lệ lên 55.890 tỷ đồng sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1% từ nguồn lợi nhuận sau thuế và trừ các quỹ 2019, 2020.

Năm nay, NHNN không còn cấm các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt là VPBank, HDBank, ACB, TPBank, MB và VIB.

Bên cạnh ngân hàng, thì nhóm chứng khoán cũng chứng kiến "cuộc đua" tăng vốn gấp rút trong tháng cuối năm. CTCP Chứng khoán SSI vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Chứng khoán LPBank (LPBS) dự trình cổ đông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ gấp gần 16 lần nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Nếu hoàn tất 100% kế hoạch, vốn điều lệ của LPBS dự kiến tăng từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán này dự kiến là 3.638 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho hoạt động đầu tư tự doanh; 200 tỷ đồng để mở rộng mạng lưới chi nhánh của công ty và 2.938 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và các dịch vụ kinh doanh chứng khoán khác. Thời gian dự kiến giải ngân diễn ra trong giai đoạn 2024 – 2025.

Công an TP HCM bắt nhân viên một ngân hàng

Ngày 23/11, Công an TP HCM đã bắt tạm giam Dương Hoàng Linh (SN 1997, quê Quảng Bình) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Do làm chung ngân hàng nên tháng 9-2023, Linh rủ bà T. làm dịch vụ đáo hạn tín dụng cho khách với số tiền 1,9 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành việc đáo hạn, cả hai hưởng được 17 triệu đồng.

Vì còn nợ bà T. một số tiền từ trước nên tháng 10/2023, Linh nảy sinh ý định lừa đảo. Linh nói có nguồn khách vay đáo hạn thẻ tín dụng rồi rủ bà T. cùng tham gia để hưởng hoa hồng.

Tin tưởng, bà T. nhiều lần chuyển cho Linh số tiền khoảng 800 triệu đồng để Linh làm dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng cho khách.

Do tính toán kế hoạch từ trước nên Linh đưa ra các lý do nói các giao dịch bị nghi ngờ gian lận và hàng loạt các lỗi khác để bà T. chuyển thêm tiền. Tổng cộng bà T. chuyển cho Linh gần 4 tỉ đồng.

Để tạo lòng tin, Linh dùng chính số tiền của bà T. chuyển ngược lại cho bà 1,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, nghi ngờ nên bà T. hỏi ngân hàng thì tá hỏa biết Linh lừa. Bà T. báo công an thì Linh chuyển 400 triệu khắc phục hậu quả, số tiền còn lại đã tiêu xài cá nhân, chơi trò đỏ đen trên mạng.

Sacombank nhận ba giải thưởng từ Napas

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nhận giải thưởng về phát triển mạng lưới POS, cổng thanh toán ecommerce và tích cực triển khai dự án với Napas.

Tin ngân hàng tuần qua: Chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng tại Kỳ họp thứ 6
Sacombank nhận ba giải thưởng từ Napas/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ba giải thưởng gồm: Ngân hàng dẫn đầu về độ hiệu quả trong việc đầu tư và phát triển mạng lưới POS, Ngân hàng dẫn đầu về giá trị giao dịch dịch vụ Cổng thanh toán Ecommerce, Ngân hàng năng động, tích cực trong việc hợp tác, triển khai các dự án với Napas.

Đại diện nhà băng cho biết, giải thưởng thể hiện sự ghi nhận Sacombank có nhiều hoạt động tăng trải nghiệm khách hàng, đẩy mạnh thanh toán bằng thẻ nội địa.

Cụ thể, năm nay, ngân hàng tiếp tục đầu tư và phát triển mạng lưới chấp nhận thẻ với trên 180.000 POS (bao gồm cả hai dòng POS hỗ trợ giao dịch tiếp xúc và không tiếp xúc). Thống kê Napas ghi nhận có gần 60.000 POS phát sinh giao dịch với thẻ nội địa do Sacombank phát hành, tương đương với 9,1 triệu giao dịch được chấp nhận.

Sacombank có giá trị giao dịch Ecommerce đạt 1.881 tỷ đồng, chiếm 49,29% toàn hệ thống. Đơn vị cũng triển khai mô hình Ecommerce Whitelabel.

Ngân hàng triển khai nhiều dự án như kết nối thanh toán quốc tế với BC Card (Hàn Quốc), ThaiQR (Thái Lan); chuyển mạch tài chính cho giao dịch thẻ JCB và American Express. Nhà băng còn triển khai VietQRCash (cho cả hai chiều phát hành lẫn thanh toán) và thanh toán giao thông.

Sacombank và Napas đang triển khai nhiều dòng thẻ, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Trong đó có thẻ thanh toán nội địa, thẻ tín dụng Easy Card, thẻ tích hợp Combo Card (kết hợp thẻ thanh toán và thẻ tín dụng nội địa trên cùng một chip). Thẻ mang nhiều tiện ích, thường xuyên áp dụng ưu đãi khi giao dịch.

Hai tổ chức còn hợp tác với nhiều thương hiệu, ra mắt thẻ liên kết như thẻ trả trước Sacombank Vinamilk dành riêng cho khách hàng là đại lý của Vinamilk. Ngân hàng cũng đẩy mạnh phát triển mạng lưới VietQR (mã QR được xử lý qua hệ thống của Napas) tại gần 600.000 điểm bán lẻ trên cả nước từ các thành phố lớn đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần thúc đẩy giao dịch không tiền mặt.

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)