Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023

10:16 | 15/01/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
SMBC thoái vốn khỏi Eximbank; Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng; KienlongBank rút hồ sơ niêm yết trên HoSE; Standard Chartered hạ dự báo tỷ giá đồng VND so với USD… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 14/1: Vietcombank tăng gấp đôi hạn mức rút tiền ATM mỗi lần giao dịchTin ngân hàng ngày 14/1: Vietcombank tăng gấp đôi hạn mức rút tiền ATM mỗi lần giao dịch
Tin ngân hàng ngày 13/1: Tham gia game HDBank cơ hội trúng hàng trăm triệu đồngTin ngân hàng ngày 13/1: Tham gia game HDBank cơ hội trúng hàng trăm triệu đồng

Phó Thống đốc: Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023

Tuần qua, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đã có một số nội dung trao đổi về điều hành thị trường tiền tệ thời gian qua và định hướng trong thời gian tới.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Nói về lạm phát, ông Hà cho biết, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát.

Mặc dù lạm phát trong nước hiện vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, áp lực sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023, đến từ cả yếu tố bên cung (chi phí đẩy) và bên cầu (cầu kéo). Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong các năm 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu) và từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước. Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả. Do đó, chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023.

Để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tỉ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ; sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của tổ chức tín dụng, qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

SMBC thoái vốn khỏi Eximbank

Cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa ghi nhận loạt giao dịch thỏa thuận 'khủng' trong phiên giao dịch ngày 13/1.

Cụ thể, trong phiên 13/1 đã xuất hiện tổng cộng 134 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 10,8% vốn điều lệ Eximbank) được trao tay qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị giao dịch lên tới 3.421 tỷ đồng, trong đó, phần lớn các cổ phiếu EIB được giao dịch ở mức giá 25.500 đồng/CP. Phần lớn giao dịch bán được thực hiện bởi khối ngoại.

Trước đó vào cuối tháng 12/2022, ngân hàng này cũng ghi nhận nhiều giao dịch với giá trị khủng như phiên 22/12 (123,5 triệu cổ phiếu), 21/12 (81,2 triệu cổ phiếu) hay phiên 28/12 với 49,2 triệu cổ phiếu EIB được trao tay thao phương thức thỏa thuận.

Với tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Eximbank hiện ở mức 18,95% thì nhiều khả năng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), cổ đông chiến lược đang nắm giữ 15% tại ngân hàng này đã thoái vốn trong phiên cuối tuần vừa qua.

Theo tìm hiểu, SMBC trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank vào năm 2007 (nắm giữ 15% cổ phần EIB trị giá 225 triệu USD). Tuy nhiên, cuộc chiến vương quyền xảy ra giữa các nhóm cổ đông của Eximbank hơn một thập kỉ qua khiến những kế hoạch của SMBC chệch hướng. Sau nhiều lần kiến nghị thanh lọc thành viên HĐQT Eximbank, tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bất thành, SMBC đã quyết định rút vốn khỏi ngân hàng này.

Cuối năm 2019, thời điểm bắt đầu thương lượng với FE Credit, SMBC đã rút đại diện khỏi Hội đồng quản trị Eximbank. Từ ngày 9/12/2019, ông Yasuhiro Saitoh không còn là đại diện theo uỷ quyền của SMBC tại Eximbank. Trong đại hội cổ đông thường niên 2021 bất thành ngày 27/4/2021, SMBC không cử người tham dự.

Việc SMBC thoái vốn khỏi Eximbank được thực hiện chỉ ít ngày trước "deadline" của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, NHNN ngày 18/10/2022 đã có văn bản "chấp thuận việc bán, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần EIB do SMBC sở hữu ở Eximbank", có giá trị thực hiện trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ký.

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng

Sau khi tăng vào tuần đầu tiên của năm 2023, lãi suất liên ngân hàng đã tiếp đà tăng trong tuần từ 9 - 13/1.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, trong tuần đầu năm 2023, lãi suất cho vay qua đêm tại thị trường liên ngân hàng ở mức khoảng 5,17% nhưng đã tăng lên mức khoảng 5,59% trong tuần tiếp theo. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 1 tuần cũng có xu hướng tăng từ mức 6,24% trong tuần đầu năm lên 6,61% trong tuần thứ hai.

Với diễn biến này, mặt bằng lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng đã cao hơn khá nhiều so với hồi cuối năm 2022, khi lãi suất thấp nhất kỳ hạn qua đêm 2 tuần cuối cùng năm 2022 chỉ là 3,2% và 4,85% với kỳ hạn 1 tuần.

Hiện tại, việc điều hành lãi suất vẫn là thách thức lớn đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) bởi yêu cầu đặt ra vẫn là cố gắng giảm lãi suất xuống mức thấp nhất để hỗ trợ hoạt động kinh tế.

Cụ thể, nếu so sánh lãi suất trên thế giới, ví dụ như ở Mỹ, Cục Dự trữ liêng bang Mỹ (FED) dù đã thực hiện tới 6 lần tăng lãi suất trong năm 2022, nhưng mặt bằng lãi suất cũng mới chỉ ở mức khoảng 4%. Trong khi đó ở Việt Nam, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã tới khoảng hơn 9% (cao hơn gấp đôi ở Mỹ). Đó là lãi suất danh nghĩa, lãi suất thực nếu trừ đi yếu yếu tố lạm phát thì chênh lệch lãi suất ở Việt Nam còn đang cao hơn nữa so với ở Mỹ.

Standard Chartered hạ dự báo tỷ giá đồng VND so với USD

Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố cập nhật mới nhất về ngoại hối, theo đó, Standard Chartered dự báo sự hồi phục gần đây của đồng tiền Nhân dân tệ (CNY) có thể sẽ dẫn đến việc VND tăng giá do mối tương quan chặt chẽ. Ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tỷ giá đồng Việt Nam so với USD trong ngắn hạn.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo tỷ giá VND/USD ở mức 23.200 vào cuối quý I/2023 (so với mức 24.000 VND trong báo cáo trước đó) và 23.500 vào giữa năm 2023 (so với mức 23.800 trước đó). Dự báo tỷ giá cho nửa cuối năm 2023 không thay đổi.

Theo Standard Chartered, sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi của lĩnh vực du lịch có thể sẽ hỗ trợ cho VND. Standard Chartered dự báo tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục biến động; biên độ giao dịch rộng hơn sẽ giúp tỷ giá hối đoái được linh hoạt hơn.

Theo báo cáo ngoại hối của Standard Chartered, sự kết hợp của 3 yếu tố chính sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá.

Thứ nhất là việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến. Hai là dấu hiệu hạ nhiệt áp lực lạm phát ở Mỹ và yếu tố thứ ba định vị thị trường một chiều đã dẫn đến sự tăng giá mạnh của các đồng tiền tại khu vực ASEAN so với USD trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, điều đó lại mang đến sự khác biệt đáng kể trong khu vực. Ví dụ, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, tỷ giá tiền Baht của Thái Lan so với USD đã giảm khoảng 15% kể từ cuối tháng 10, trong khi tỷ giá của một số đồng tiền khác gần như không thay đổi.

Ngân hàng dự báo những biến động không đồng đều như vậy sẽ tiếp tục diễn ra và mang đến các cơ hội giao dịch chênh lệch giá trong khu vực trong bối cảnh USD được dự báo sẽ không có nhiều biến động lớn.

KienlongBank rút hồ sơ niêm yết trên HoSE

Ngân hàng Kiên Long hoãn niêm yết và nói chưa muốn lên sàn HoSE vì "thị trường chứng khoán không thuận lợi".

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ngân hàng Kiên Long (KienlongBank) ngày 13/1 vừa thông qua nghị quyết rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu KLB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), do diễn biến thị trường chưa thuận lợi cho việc niêm yết và lợi ích của cổ đông.

Như vậy, KienlongBank đã thay đổi ý định lên sàn sau 5 tháng nộp hồ sơ cho HoSE. Nội dung này sẽ được Hội đồng quản trị sẽ báo cáo đại hội cổ đông tại phiên họp gần nhất. Ngân hàng cho biết sẽ trình cổ đông việc tiếp tục niêm yết cổ phiếu vào thời điểm thị trường thuận lợi, tích cực hơn.

Tổng giám đốc Trần Ngọc Minh sẽ đàm phán và thanh lý hợp đồng tư vấn niêm yết cổ phiếu KLB đã được ngân hàng ký với Công ty chứng khoán Nhất Việt về việc lựa chọn công ty chứng khoán làm đơn vị tư vấn niêm yết cổ phiếu.

Hiện tại, KLB giao dịch tại UPCoM với giá 12.200 đồng mỗi cổ phiếu, bằng chưa đến một phần ba mức đỉnh thiết lập vào tháng 3/2022.

KienlongBank có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán từ cuối năm 2021 và từng muốn đổi tên sang KSBank nhưng không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Kế hoạch "tái định vị thương hiệu" được nhà băng triển khai sau khi các nhân sự của SunShine Group góp mặt tại vị trí "chóp bu" của Kienlongbank.

Bà Trần Thị Thu Hằng - Chủ tịch hiện tại của Kienlongbank từng là Tổng giám đốc Sunshine Group, Phó chủ tịch Công ty Sunshine Homes... Hai thành viên hội đồng quản trị nhà băng này là bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh và ông Trần Ngọc Minh (kiêm tổng giám đốc Kienlongbank) cũng đang hoặc đã giữ vị trí quản lý tại công ty thành viên của Sunshine Group. Bên cạnh đó, ông Đỗ Anh Tuấn - ông chủ của Sunshine Group cũng tham gia vào ban điều hành của ngân hàng với tư cách phó tổng giám đốc.

9 tháng đầu năm 2022, Kienlongbank ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống khi lợi nhuận hợp nhất giảm 40% so với cùng kỳ xuống 513 tỷ, do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu và chi phí hoạt động tăng nhanh.

Nhà băng này cũng gặp khó khăn trong việc huy động tiền gửi từ khách hàng khi hết 9 tháng, số dư tiền gửi giảm 18% so với đầu năm xuống còn 42.200 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hết quý III tăng 7% lên 41.000 tỷ đồng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)