Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Gần 10.000 tỷ đồng cho vay để mua nhà ở xã hội

10:30 | 08/01/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
NHNN giảm cường độ hút tiền qua tín phiếu; Dragon Capital mới mua lượng lớn cổ phiếu VPBank; Bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; SHB Finance được NHNN chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật trong tuần qua.
Tin ngân hàng ngày 7/1: BIDV ra mắt Ngân hàng số dành cho trẻ em đầu tiên tại Việt NamTin ngân hàng ngày 7/1: BIDV ra mắt Ngân hàng số dành cho trẻ em đầu tiên tại Việt Nam
Tin ngân hàng ngày 6/1: Ưu tiên chất lượng tài sản hơn tăng trưởng lợi nhuậnTin ngân hàng ngày 6/1: Ưu tiên chất lượng tài sản hơn tăng trưởng lợi nhuận

Gần 10.000 tỷ đồng cho vay để mua nhà ở xã hội

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/1 về giải pháp tăng trưởng tín dụng cho nhà ở xã hội năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hiện có hai nguồn đầu tư cho phát triển nhà ở xã hội. Thứ nhất là từ ngân sách nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngân sách Nhà nước cũng đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.163 tỷ đồng.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Gần 10.000 tỷ đồng cho vay để mua nhà ở xã hội
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Một nguồn từ ngân sách nữa được xác định trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng trái phiếu Chính phủ có bảo lãnh của Chính phủ là 15.000 tỷ đồng.

Với các nguồn từ ngân sách này, hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 9.994 tỷ đồng đối với 27.894 khách hàng vay để mua nhà ở xã hội; trong đó có 3.717 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 với số lượng khách hàng là 9.527 khách hàng.

Thứ hai là sử dụng nguồn của các ngân hàng thương mại (NHTM) để cho vay nhưng có cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Hiện các bộ, ngành chức năng đang xem xét việc cấp bù phần ưu đãi cho các NHTM khi cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, một là hiện chưa bố trí được nguồn vốn; hai là cũng chưa hoàn thiện cơ chế, nhưng các NHTM đang rất sẵn sàng.

Ngoài ra còn có nguồn của NHTM cho vay những lĩnh vực thuộc nhà ở xã hội hoặc nhà ở phục vụ cho người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ và trực tiếp phục vụ cho nhu cầu thực về nhà ở của người dân. Phó Thống đốc cho biết, đây cũng là một trong những chủ trương của ngành Ngân hàng nhiều năm qua và đặc biệt năm 2023 này, NHNN vẫn xác định đây là phân khúc khuyến khích phát triển nên đã chỉ đạo các NHTM tập trung cho vay.

NHNN giảm cường độ hút tiền qua tín phiếu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp ở trong trạng thái hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng trong 3 ngày đầu năm mới (3/1 - 5/1). Theo đó, cơ quan này đã bơm ròng tổng cộng hơn 24.100 tỷ đồng trong 3 ngày, chủ yếu qua kênh tín phiếu đáo hạn.

Cụ thể, lượng tín phiếu được phát hành mới trong những ngày vừa qua đã giảm xuống khoảng 15.000 - 20.000 tỷ/phiên, thấp hơn khá nhiều so với quy mô 20.000 - 30.000 tỷ/phiên trong tuần cuối cùng năm 2022. Ngoài ra, lãi suất trúng thầu tín phiếu cũng giảm từ 6%/năm xuống còn 5,3%/năm trong phiên 5/1.

Mặt khác, Nhà điều hành tiếp tục cho các ngân hàng vay bổ sung thanh khoản thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá với quy mô gần tương đương so với các khoản vay đáo hạn.

Những tín hiệu trên cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống của Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh giai đoạn cao điểm thanh toán dịp Tết Nguyên đán đang đến gần và lãi suất liên ngân hàng bật tăng khá mạnh những ngày gần đây.

Cụ thể, lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm đã bật tăng lên mức 5,06%/năm vào phiên 3/1, từ mức thấp nhất kể từ trung tuần tháng là 2,81%/năm ghi nhận trong phiên 29/12.

Trước đó, NHNN thường xuyên duy trì trạng thái hút ròng trong hai tuần cuối cùng năm 2022 với tổng quy mô hơn 131.000 tỷ đồng, đảo ngược xu hướng bơm ròng mạnh trong nửa đầu tháng 12, cũng như trong cả tháng 10 và 11. Việc rút ròng diễn ra vào hai tuần cuối năm khi thanh khoản hệ thống cho thấy sự cải thiện và đặc biệt là lãi suất liên ngân hàng giảm sâu.

Trong báo cáo chiến lược công bố mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, về tổng thể, tình hình thanh khoản hệ thống đã có bước ổn định trở lại, tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng cần sự hỗ trợ của NHNN trong thời gian tới.

Dragon Capital mới mua lượng lớn cổ phiếu VPBank

Đại diện của Dragon Capital - nhóm quỹ đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn vừa có báo cáo về thay đổi sở hữu tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Gần 10.000 tỷ đồng cho vay để mua nhà ở xã hội
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, Dragon Capital đã mua tổng cộng 3,45 triệu cổ phiếu VPB thông qua 3 quỹ thành viên trong ngày 4/1. Cụ thể, Vietnam Enterprise Investments Limited, Hanoi Investments Holdings Limited và KB Viet Nam Focus Balanced Fund đã mua lần lượt 1,95 triệu, 1 triệu và 500.000 cổ phiếu. Ước tính theo giá đóng cửa ngày 4/1 (18.900 đồng/cp), số tiền mà Dragon Capital đã chi ra để mua thêm cổ phần VPBank là hơn 62 tỷ đồng.

Sau giao dịch trên, tổng số cổ phiếu VPB mà Dragon Capital tăng lên hơn 402,9 triệu đơn vị, tương đương hơn 6% cổ phần ngân hàng.

Theo dữ liệu giao dịch, phiên 4/1 ghi nhận 5 triệu cổ phiếu VPB được khối ngoại mua vào với giá trị đạt 94,5 tỷ đồng. Đây phiên mua ròng mạnh nhất của khối ngoại trong nhiều tháng qua.

Về Dragon Capital, nhóm quỹ này liên tục thông báo giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây.

Ngày 3/1, Dragon Capital đã bán ra gần 2,6 triệu cổ phiếu STB, sau khi mua vào 4,1 triệu cổ phiếu này trong ngày 30/12/2022.

Vào đầu tháng 12/2022, Dragon Capital cũng thông báo mua ròng 5,11 triệu cổ phiếu STB trong ngày 5/12/2022, nâng lượng sở hữu lên hơn 99,038 triệu đơn vị, tương đương 5,2534% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng này.

Bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền

Vừa qua, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đánh giá thời gian tới, khó khăn và thách thức đối với ngành Ngân hàng nói chung và BHTGVN nói riêng còn nhiều. Năm 2023, Phó Thống đốc lưu ý BHTGVN cần lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nghiên cứu, phối hợp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong tái cơ cấu, xử lý các TCTD gặp khó khăn; chủ động, tập trung để BHTGVN là một trong những đơn vị có vai trò quan trọng trong hỗ trợ an ninh, an toàn nguồn vốn; sử dụng nguồn phí kết dư để hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD…

Hai là, tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch tài chính, kế hoạch kinh doanh năm 2023 được NHNN phê duyệt và giao nhiệm vụ.

Ba là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc NHNN hoàn thành việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các nội dung trọng tâm của BHTGVN như: (i) Kế hoạch kinh doanh 5 năm của BHTGVN; (i) sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi; (iii) nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN thông qua đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư.

Bốn là, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG, BHTGVN khẩn trương xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược phát triển BHTG.

Năm là, tiếp tục tham gia, phối hợp tích cực với NHNN trong quá trình cơ cấu lại, xử lý các QTDND yếu kém và xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và BHTGVN nhằm nâng cao hiệu quả giám sát các QTDND. Tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN trong việc kiểm tra đối với các QTDND.

Sáu là, đổi mới và nâng cao hiệu quả, thúc đẩy hơn nữa hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần thực hiện mục tiêu tại Chiến lược BHTG mới được Thủ tướng CP phê duyệt.

Bảy là, đa dạng các hình thức tuyên truyền, sử dụng hiệu quả các phương thức truyền thông số nhằm tuyên truyền về chủ trương chính sách, hoạt động ngân hàng, chính sách BHTG tới người gửi tiền. Đặc biệt, tập trung truyền thông chính sách BHTG trong giai đoạn triển khai đề xuất chính sách sửa đôi, bổ sung một số điều của Luật BHTG và triển khai Chiến lược phát triển BHTG nhằm nâng cao nhận thức công chúng.

SHB Finance được NHNN chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý

Vừa qua, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội thành Công ty Tài chính Trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance).

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Gần 10.000 tỷ đồng cho vay để mua nhà ở xã hội
SHB Finance được NHNN chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, ngày 30/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành văn bản chấp thuận cho SHB Finance chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Các thông tin về trụ sở công ty, loại hình kinh doanh, vốn điều lệ sẽ không thay đổi.

Cũng trong ngày 30/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2025 và Tổng Giám đốc của SHB Finance, trong đó có các thành viên đến từ SHB và Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri).

Việc chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những bước cuối cùng trong lộ trình chuyển nhượng vốn điều lệ của SHB tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản. Ngay sau đây, hai bên sẽ xúc tiến các thủ tục còn lại để sớm hiện thực hóa thỏa thuận.

Trước đó, ngày 5/8/2021, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại SHB Finance cho Krungsri. Sau khi hai bên hoàn thành các thủ tục đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật và đạt được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cũng như cơ quan quản lý có liên quan của Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, SHB sẽ chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của SHB Finance cho Krungsri và sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

Thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của Ngân hàng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)