Tin ngân hàng ngày 9/6: Cho vay qua App tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn

11:15 | 09/06/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp; Yêu cầu bồi thường bảo hiểm liên quan đến Covid-19 tăng đột biến; Manulife hợp tác MoMo triển khai giải pháp bảo hiểm sức khỏe trực tuyến… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Tin ngân hàng ngày 8/6: Đã xử lý được gần 55 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong 4 tháng đầu nămTin ngân hàng ngày 8/6: Đã xử lý được gần 55 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong 4 tháng đầu năm

Tin ngân hàng ngày 7/6: Ngân hàng Nhà nước lo rủi ro lớn khi tín dụng chảy vào bất động sảnTin ngân hàng ngày 7/6: Ngân hàng Nhà nước lo rủi ro lớn khi tín dụng chảy vào bất động sản

Cho vay qua App tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn

Chiều 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực ngân hàng. Đây là lần đầu tiên Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn.

Tin ngân hàng ngày 9/6: Cho vay qua App tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn
Hoạt động cho vay qua App tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, một trong các nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng là nội dung về việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thực trạng và giải pháp phòng chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng cũng được các đại biểu quan tâm, chất vấn.

Chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn TP Hà Nội) cho biết hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang Web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending). "Thống đốc cho biết hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngân hàng ngang hàng thời gian ra sao?" - đại biểu Nguyễn Thị Hồng đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending).

Tuy nhiên, việc thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề. Về lý thuyết, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội.

"Trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội" - bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.

Không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng đinh, đến thời điểm này không có chủ trương nào về việc siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp...

Trước câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Minh Thông của đoàn Bình Thuận trong phiên chất vấn sáng 8/6 về vấn đề siết chặt và hạn chế trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay không có chủ trương nào về việc siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp. Vì đây là một kênh huy động vốn rất hiệu quả cùng với các ngân hàng thương mại để đóng góp vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế chung.

Tuy nhiên, việc huy động phải đúng pháp luật, minh bạch và quan trọng là không sử dụng tiền huy động sai mục đích, sử dụng tiền để đầu tư bất động sản… mà không đóng góp vào nền kinh tế.

Hiện nay, quy mô trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu 374 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 15% GDP. Nếu so với mục tiêu chiến lược của Thủ tướng Chính phủ ban hành, đến năm 2025 Việt Nam phải đạt 20%, đến 2030 đạt 25%, thì đây vẫn là khoảng cho phép.

Đồng thời, trái phiếu doanh nghiệp huy động tại Việt Nam cũng đang ở mức thấp nhất so với các nước làng giềng, nên vẫn có dư địa để thực hiện.

Yêu cầu bồi thường bảo hiểm liên quan đến Covid-19 tăng đột biến

Đây là thông tin được ông Sang Lee, Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam, chia sẻ tại buổi trao đổi thông tin về thị trường bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2022, tổ chức ở TP HCM ngày 7/6.

Theo kết quả khảo sát về tác động từ đại dịch Covid-19 do Manulife thực hiện tại thị trường Việt Nam, trong năm 2021 tổng số cuộc gọi từ khách hàng lên tới 585.221, tăng 53% so với năm trước. Tổng yêu cầu bồi thường bảo hiểm cũng tăng 14% so với năm trước lên 352.168 trường hợp.

"Lần đầu tiên, chúng tôi nhận được gần 12.000 cuộc gọi yêu cầu chi trả bảo hiểm liên quan đến Covid-19 chỉ trong năm 2021. Số lượng cuộc gọi lên tổng đài từ khách hàng cũng tăng mạnh phản ánh sự lo lắng và nhu cầu tìm hiểu sản phẩm, quyền lợi bảo hiểm trong bối cảnh đại dịch" - ông Sang Lee nói.

Về thị trường bảo hiểm nhân thọ trong 4 tháng đầu năm nay, ông Ngô Trung Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, cho hay một xu hướng đáng chú ý gần đây là dù số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới và doanh thu phí bảo hiểm không tăng trưởng, nhưng riêng bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đầu tư lại tăng.

Lý giải về đà chững lại của thị trường bảo hiểm nhân thọ, ông Ngô Trung Dũng cho rằng xu hướng này dễ hiểu vì quá trình từ năm 2011 đến 2019 thị trường có mức tăng trưởng từ 25-30%, bắt đầu giảm tốc xuống khoảng 20% trong vài năm qua.

"Dự kiến trong thời gian tới, đà tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ duy trì quanh 10% và đây vẫn là thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài. Vì nhiều nước trong khu vực, mức tăng trưởng hàng năm chỉ từ 3-5%, trong khi Việt Nam tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tỉ lệ người dân có bảo hiểm chưa cao" - ông Dũng nói.

Hiện các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ không ngừng đầu tư vào chuyển đổi số, cải thiện chất lượng dịch vụ và gia tăng thêm sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng sau giai đoạn Covid-19.

Manulife hợp tác MoMo triển khai giải pháp bảo hiểm sức khỏe trực tuyến

Manulife Việt Nam chính thức hợp tác với siêu ứng dụng MoMo để triển khai sản phẩm bảo hiểm sức khỏe trực tuyến và giải pháp thanh toán cho khách hàng, đồng thời thể hiện cam kết của Công ty trong việc tạo điều kiện để các giải pháp tài chính trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người.

Tin ngân hàng ngày 9/6: Cho vay qua App tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn
Manulife hợp tác MoMo triển khai giải pháp bảo hiểm sức khỏe trực tuyến/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Sự hợp tác này đánh dấu bước ngoặt cho Manulife Việt Nam trong việc trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên cung cấp giải pháp bảo hiểm sức khỏe thông qua nền tảng MoMo, giúp hơn 31 triệu người dùng MoMo có thể tiếp cận được sản phẩm bảo hiểm sức khỏe toàn diện Max - Sống Khỏe.

Được tích hợp hoàn toàn vào nền tảng và hệ sinh thái của MoMo, người dùng có thể dễ dàng mua Max - Sống Khỏe trong vòng chưa đầy 1 phút thông qua quy trình đơn giản gồm ba bước là đăng ký, thanh toán và phát hành hợp đồng.

Bên cạnh đó, hơn 1,5 triệu khách hàng của Manulife Việt Nam sẽ có thêm lựa chọn để thuận tiện thanh toán phí bảo hiểm và đặt lịch nhắc nhở thời hạn đóng phí bảo hiểm của họ thông qua MoMo.

"Bằng cách thích ứng với những thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng và nắm bắt xu thế số hóa đang gia tăng, Manulife Việt Nam hy vọng sẽ thúc đẩy một nền kinh tế hòa nhập và công bằng, nơi mà tất cả mọi người đều có cơ hội để sử dụng các dịch vụ tài chính của chúng tôi", ông Sang Lee, Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam cho biết.

Sự phát triển của thị trường ví điện tử là một trong những động lực lớn thúc đẩy Việt Nam tiến tới một xã hội không tiền mặt. Đồng thời thông qua hợp tác với MoMo, đã có hơn 50.000 đối tác kinh doanh trên cả nước chấp nhận hình thức thanh toán không tiền mặt này.

"MoMo rất vinh hạnh khi trở thành đối tác chiến lược của Manulife Việt Nam. Thông qua hợp tác này, MoMo mong muốn không chỉ là nền tảng công nghệ giúp Manulife Việt Nam tiếp cận khách hàng tiềm năng dễ dàng hơn, mà còn cùng các đối tác chia sẻ sứ mệnh "bình dân hóa" dịch vụ Tài chính - Bảo hiểm cho người Việt và hướng tới xã hội không tiền mặt tại Việt Nam", ông Đỗ Quang Thuận, PTGĐ cấp cao, phụ trách Đơn vị Kinh doanh Dịch vụ Tài chính của MoMo chia sẻ.

Đặc biệt, khách hàng của Max - Sống Khỏe được cung cấp các quyền lợi nội trú và ngoại trú trong mạng lưới thanh toán trực tiếp của gần 300 bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc.

Nhân dịp này, Manulife Việt Nam cũng triển khai chương trình ưu đãi giảm giá lên đến 1.000.000 VNĐ/hợp đồng dành cho khách hàng mua sản phẩm Max - Sống khỏe trên MoMo. Đồng thời, MoMo mang đến ưu đãi nhận hoàn tiền ngay 20% cho người dùng mua sản phẩm bảo hiểm này trên MoMo.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)