Tin ngân hàng ngày 3/8: Gửi tiết kiệm, cơ hội nhận căn hộ chung cư 3,5 tỷ đồng

10:00 | 03/08/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sắp có quy định mới về hệ thống mã ngân hàng dùng cho hoạt động nghiệp vụ; Nợ xấu Nam A Bank tăng 81% trong 6 tháng đầu năm; HDBank phát triển phân khúc khách nông nghiệp… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 2/8: SeABank đạt hơn 2.016 tỷ đồng lợi nhuận 6 thángTin ngân hàng ngày 2/8: SeABank đạt hơn 2.016 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng
Tin ngân hàng ngày 1/8: Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng ưu đãiTin ngân hàng ngày 1/8: Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng ưu đãi

Gửi tiết kiệm cơ hội nhận căn hộ chung cư 3,5 tỷ đồng

Đây được xem là phần thưởng có giá trị lớn nhất từ trước đến nay mà Sacombank trao cho các khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Giải thưởng nằm trong chương trình khuyến mại “Hè Xanh - Sống Chất” mà Sacombank đang triển khai, ngoài 2 căn hộ cao cấp còn rất nhiều “quà tặng xanh” khác với tổng giá trị lên đến 10,5 tỷ đồng.

Tin ngân hàng ngày 3/8: Gửi tiết kiệm, cơ hội nhận căn hộ chung cư 3,5 tỷ đồng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hai căn hộ chung cư cao cấp 2 phòng ngủ tại TP HCM, trị giá 3,5 tỷ đồng mỗi căn sẽ là phần quà giá trị nhất trao cho 2 khách hàng may mắn nhất khi gửi tiết kiệm tại Sacombank, chương trình kéo dài đến hết tháng 8/2023.

Cụ thể, cứ mỗi 50 triệu đồng gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch Sacombank hoặc gửi trực tuyến qua Sacombank Pay/eBanking, khách hàng sẽ nhận được 1 mã dự thưởng tham gia chương trình quay số điện tử do Scombank tổ chức cuối chương trình.

Ngoài 2 căn hộ chung cư cao cấp có tổng giá trị 7 tỷ đồng dành cho 2 khách hàng may mắn nhất, Sacombank còn tri ân khách hàng bộ sưu tập "quà tặng xanh", thân thiện với môi trường, giúp nâng tầm chất lượng cuộc sống, bao gồm: 2 ô tô điện VinFast VF e34 kèm pin, 20 xe máy điện VinFast Klara S 2022 kèm pin và 30 thẻ tiết kiệm Tích góp Siêu linh hoạt - trị giá 20 triệu đồng/thẻ. Gửi tiết kiệm càng nhiều, bạn sẽ tích lũy được càng nhiều mã dự thưởng, cơ hội trúng thưởng càng cao.

Bên cạnh các quà tặng hiện vật, khách hàng gửi tiết kiệm tại các điểm giao dịch Sacombank từ 50 triệu đồng (kỳ hạn 6 - 36 tháng) sẽ được tặng ngay lãi suất 0,3%/năm quy đổi thành tiền. Khách hàng gửi tiết kiệm càng nhiều, tiền thưởng quy đổi càng cao và sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản thanh toán hoặc trao tiền mặt cho khách hàng tại thời điểm gửi tiền.

Khách hàng gửi tiết kiệm thỏa điều kiện có thể truy cập vào website https://khachangthanthiet.sacombank.com để xem mã số dự thưởng của mình, mã số dự thưởng sẽ được Sacombank cập nhật hằng tuần.

Song song đó, chương trình "Hè xanh - Sống chất" còn hoàn tiền mỗi tuần cho khách hàng đặt khách sạn, vé tàu xe trên ứng dụng Sacombank Pay/Internet Banking/Mobile Banking hoặc tặng tiền khi giao dịch nhận tiền qua VietQR.

Sp có quy định mới về hệ thống mã ngân hàng dùng cho hoạt động nghiệp vụ

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Thông tư 17 xây dựng và ban hành từ năm 2015 qua một thời gian áp dụng đến nay có một số quy định không còn phù hợp.

Trong đó, một số văn bản quy phạm luật ban hành sau thời điểm này đã có những nội dung mới như Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, Thông tư 01/2022/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 21/2013/NHNN về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại)…

Chẳng hạn như, theo các quy định hiện hành, NHNN không còn thủ tục chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thay đổi tên chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trong nước. Tuy nhiên, Thông tư 17 vẫn quy định về hồ sơ thủ tục về việc này làm khó khăn và không khả thi cho các tổ chức tín dụng thực hiện.

Về quản lý và cấp mã ngân hàng, hiện nay toàn hệ thống có 6.563 mã ngân hàng, trong đó có 6.179 mã ngân hàng đã sử dụng, còn lại đã được hủy bỏ.

NHNN cho biết, từ khi Thông tư 17 được ban hành đến nay đã 8 năm, việc quản lý, cấp phát và thông báo kết quả xử lý về mã ngân hàng vẫn còn một số hạn chế, chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn và công tác cải cách thủ tục hành chính.

Theo định hướng xây dựng dự thảo thông tư mới, Ban soạn thảo đề xuất cắt giảm một số loại hồ sơ, quy định về hồ sơ trong thực hiện các thủ tục hành chính. Bộ phận giải quyết thủ tục hành chính sẽ thực hiện xác minh nội bộ với các đơn vị liên quan; hoặc truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để xác minh thông tin.

Nợ xấu Nam A Bank tăng 81% trong 6 tháng đầu năm

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, UPCoM: NAB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 ghi nhận thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng đạt 1.538 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ, từ mức 85 tỷ đồng lên 241 tỷ đồng. Mảng chứng khoán đầu tư cũng tăng 39% lên 6,1 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối lại sụt giảm lần lượt 8% xuống 22,1 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 92% xuống còn 262 triệu đồng. Kết quả, trong kỳ, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng đạt 991 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, ngân hàng tăng trích lập dự phòng lên gần 230 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế ngân hàng quý 2 đạt gần 761 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần Nam A Bank tăng 32% lên 3.092 tỷ đồng, lãi thuần mảng hoạt động dịch vụ tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước lên 371 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mảng chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh khác lại có lãi thuần sụt giảm lần lượt 85% và 95% xuống còn 6,2 tỷ đồng và 389 triệu đồng.

Kết quả, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đạt gần 1.525 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.600 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, Nam A Bank đã hoàn thành gần 60% kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản ngân hàng đạt 200.205 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm trước. Cho vay khách hàng cũng tăng 8,1% lên 129.215 tỷ đồng. Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đạt 1.330 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cuối năm trước.

Đáng chú ý, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 80,9%, từ 1.943 tỷ đồng lên 3.514 tỷ đồng do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh, đặc biệt là nợ nhóm 3 tăng từ 132 tỷ đồng vào cuối năm 2022 tăng lên 1.380 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,63% lên 2,72%.

HDBank phát triển phân khúc khách nông nghiệp

Theo đại diện ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), "Phân khúc nông nghiệp và nông thôn có gốc rễ gắn chặt từ hơn chục năm trước, lan tỏa sức mạnh để gia tăng tỷ trọng đóng góp cho HDBank đến nay. Chưa kể, nông nghiệp và nông thôn luôn là trụ đỡ cho nền kinh tế, gắn với đặc thù thế mạnh".

Tin ngân hàng ngày 3/8: Gửi tiết kiệm, cơ hội nhận căn hộ chung cư 3,5 tỷ đồng
HDBank phát triển phân khúc khách nông nghiệp/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Bên cạnh sức hấp thụ vốn tốt, khu vực này tạo còn cơ hội để phát triển các giải pháp trong quản lý dòng tiền và cho vay theo chuỗi, triển khai những tiện ích công nghệ và số hóa. Tại thị trường nông nghiệp nông thôn, HDBank đã triển khai thành công tài trợ các chuỗi có quy mô lớn như chuỗi Lộc Trời, chuỗi CP, chuỗi Unilever... Đây là tệp nền tảng để lượng khách hàng số, giao dịch trên kênh số của ngân hàng tăng 4-5 lần trong vài năm qua.

Sáu tháng đầu năm, số lượng khách hàng sử dụng kênh số của HDBank tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng giao dịch trên các nền tảng số tăng tới 116%, ứng với giá trị giao dịch tăng 132%.

Chiến lược tập trung vào nông nghiệp, nông thôn của HDBank cũng nhất quán với các hướng chính sách hướng ưu tiên của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đại diện HDBank cho biết, tại nhiều địa phương, cân đối nguồn huy động tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu tín dụng, ngân hàng phải thực hiện điều chuyển vốn từ các địa bàn có thặng dư.

Đối với việc thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển khu vực nông nghiệp và nông thôn, nhiều năm qua, ngân hàng đã hợp tác với nhiều định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), DEG - định chế tài chính phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức, Proparco - Tổ chức tài chính phát triển của Pháp, Quỹ đầu tư Quốc tế Affinity...

"Trọng tâm của những nguồn tài trợ này là khu vực nông nghiệp và nông thôn, với các doanh nghiệp SME, hộ gia đình và cho vay theo chuỗi, với những ưu đãi, cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn. Thời gian tới HDBank sẽ mở rộng hợp tác và gia tăng nguồn lực kết nối này, tăng cường hơn nữa cho trục chiến lược nông nghiệp, nông thôn và các thị trường đô thị loại 2", đại diện lãnh đạo HDBank cho biết thêm.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)