Tin ngân hàng ngày 30/3: Nhiều gói cho vay với lãi suất thấp

09:30 | 30/03/2024

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Sau kiểm toán, lợi nhuận trước thuế hợp nhất VietABank đạt 916 tỷ đồng; LPBank muốn đổi tên thành ngân hàng Bưu điện Việt Nam; Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận 4.000 tỷ đồng trong năm 2024… là những tin tức ngân hàng đáng chú ý.
Tin ngân hàng ngày 29/3: Techcombank dự kiến tăng vốn lên hơn 70.450 tỷ đồng trong năm 2024Tin ngân hàng ngày 29/3: Techcombank dự kiến tăng vốn lên hơn 70.450 tỷ đồng trong năm 2024
Tin ngân hàng ngày 28/3: OCB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20% trong năm 2024Tin ngân hàng ngày 28/3: OCB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 20% trong năm 2024

Nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất thấp

Lãi suất cho vay giảm liên tiếp qua loạt gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng góp phần kích thích nhu cầu vay vốn.

Tin ngân hàng ngày 30/3: Nhiều Ngân hàng cho vay với lãi suất thấp
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo ghi nhận, hiện các ngân hàng tiếp tục triển khai hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để kích cầu tín dụng đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

VIB triển khai cho vay khách hàng cá nhân mua căn hộ chung cư từ 5,9%/năm. Với 4 lựa chọn lãi suất cố định từ 5,9%/năm, biên độ sau ưu đãi là 2,8%, ngân hàng cho hay khách hàng có thể yên tâm vấn đề tài chính và dòng tiền không bị biến động bởi tình hình lãi suất. Đặc biệt, ngân hàng cho khách hàng không cần trả gốc đến 5 năm. Sau thời gian này, khách hàng có thể linh hoạt trả gốc định kỳ đến 6 tháng/lần.

Sacombank đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỉ đồng lãi suất chỉ 3%/năm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Lãi suất siêu ưu đãi áp dụng đối với các khoản vay có thời hạn 3 tháng được giải ngân trong thời gian hiệu lực của chương trình.

LPBank thông tin ngay trong tháng 3-2024, ngân hàng dành nguồn vốn tài trợ lớn cho doanh nghiệp siêu nhỏ thông qua chương trình "Cho vay siêu tốc - Bứt tốc kinh doanh". Khách hàng có cơ hội giải ngân khoản vay lên đến 7 tỉ đồng, với mức lãi suất cho vay từ 6,5%/năm, linh hoạt thời gian vay vốn lên đến 12 tháng đối với các khoản vay bổ sung vốn lưu động và lên đến 84 tháng đối với các khoản vay đầu tư tài sản cố định, vay mua xe ô tô…

Trước đó, loạt ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, Nam A Bank, UOB, Shinhan Bank… cũng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp khác.

Theo các ngân hàng, dù lãi suất thấp nhưng sức cầu tín dụng từ thị trường vẫn chưa cao như kỳ vọng. Dự báo trong thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục ổn định để thúc đẩy dòng vốn ra thị trường.

Sau kiểm toán, lợi nhuận trước thuế hợp nhất VietABank đạt 916 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 916 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2022.

Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, kết quả kinh doanh của VietABank vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng: Tổng tài sản, Tiền gửi khách hàng, cho vay đều tăng so với năm 2022. Đặc biệt, thu nhập từ chứng khoán đầu tư (VietABank hiện thực một phần lợi nhuận từ danh mục trái phiếu Chính phủ nắm giữ) đạt 410 tỷ đồng, tăng 870% so với năm 2022.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, kết thúc năm 2023, tổng tài sản của VietABank đạt 112.195 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 69.059 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2022. Tiền gửi khách hàng ở mức gần 86.694 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 916 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo tài chính hợp nhất đã cải thiện đáng kể so với năm 2022.

Lý giải cho việc lợi nhuận chưa đạt như kỳ vọng, VietABank cho biết, trong năm 2023 ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng hiện hữu, đồng thời ngân hàng thực hiện nhiều chương trình ưu đãi lãi suất để hỗ trợ khách hàng đang gặp nhiều khó khăn theo chủ trương của Ngân hàng nhà nước và Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nên có ảnh hưởng tới thu nhập lãi thuần. Bên cạnh đó, việc tăng cường xử lý nợ, tăng trích lập dự phòng rủi ro cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm lợi nhuận.

Năm 2023, VietABank duy trì thanh khoản ổn định và an toàn, cao hơn mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước với tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 13,41%, tỷ lệ khả năng chi trả VND (30 ngày) là 78,68%.

VietABank đã hoàn thiện Quy trình tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietABank trên 9,3%, tương đương với mức bình quân của ngành ngân hàng.

LPBank muốn đổi tên thành ngân hàng Bưu điện Việt Nam

Theo dự kiến, ngày 17/4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - LPB) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Trong các tờ trình tại Đại hội, một nội dung đáng chú ý là việc đổi tên của ngân hàng. Cụ thể, HĐQT LPBank cho biết từ năm 2011 đến nay đã sử dụng tên “Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt”. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, phát triển toàn diện, ngân hàng cần tên gọi mới để phù hợp với tình hình mới.

Việc thay đổi tên gọi nhằm đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay, thể hiện định hướng phát triển mới, nâng tầm vị thế và hình ảnh của ngân hàng.

Theo đó, HĐQT đề xuất đổi tên Tiếng Việt của ngân hàng từ "Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt" thành "Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Việt Nam". Tên đầy đủ bằng Tiếng Anh từ: "Lien Viet Post Joint Stock Commercial Bank" thành "Vietnam Post Commercial Joint Stock Bank".

Tên giao dịch từ "Ngân hàng Bưu điện Liên Việt" thành "Ngân hàng Bưu điện Việt Nam".

ĐHĐCĐ giao/ủy quyền cho HĐQT được quyết định thời điểm thực hiện đổi tên và tiến hành các thủ tục để thực hiện đổi tên như xin phép NHNN, sửa đổi giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động, thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…

Trong quá trình thực hiện, HĐQT được toàn quyền chủ động quyết định điều chỉnh/thay đổi tên gọi mới nêu trên nếu thấy cần thiết và/hoặc theo ý kiến của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, năm 2023, ngân hàng này đã thay đổi nhận diện thương hiệu cũng như tên viết tắt từ "LienVietPostBank" thành "LPBank" sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Ngân hàng cho biết, việc thay đổi nhận diện thương hiệu là bước đi chiến lược của LPBank để bắt đầu cho một giai đoạn phát triển mới.

Năm 2024, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến đạt 427.260 tỷ đồng, tăng 11,6%. Tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,8%. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng thực tế có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận 4.000 tỷ đồng trong năm 2024

Ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Đại hội đã nhận được sự đồng thuận cao, thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kế hoạch kinh doanh năm 2024, mục tiêu lợi nhuận 4.000 tỷ đồng, chia cổ tức 25%, mở rộng mạng lưới,…

Tin ngân hàng ngày 30/3: Nhiều gói cho vay với lãi suất thấp
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đối với kế hoạch kinh doanh năm 2024, ĐHĐCĐ thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 4.000 tỷ đồng, tăng 21%; Tổng tài sản đạt 232.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023; Dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế ở mức 160.000 tỷ đồng, tăng 13%, đồng thời, đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và giấy tờ có giá ở mức 178.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước…

Bên cạnh đó, Đại hội cũng thống nhất việc tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.145 tỷ đồng, từ mức 10.580 tỷ đồng lên mức 13.725 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Việc tăng vốn điều lệ năm 2024 nhằm thực hiện định hướng chiến lược phát triển Nam A Bank đến năm 2025, tầm nhìn 2030; nâng cao năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro.

Trong đó, Nam A Bank sẽ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức với tỷ lệ 25%, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng. Nguồn phát hành là lợi nhuận chưa phân phối năm 2023 (sau khi đã trích các quỹ) và lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước. Đối với ESOP, Nam A Bank dự kiến sẽ phát hành 50 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ tăng thêm 500 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cán bộ nhân viên của ngân hàng, giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi hoàn thành tăng vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ngân hàng hợp nhất sẽ lên 11,96%, tăng 0,8 điểm % so với cuối năm 2023.

Ngoài kế hoạch tăng vốn, Đại hội thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ tối đa 2.000 tỷ đồng hoặc 100 triệu USD trong năm 2024 hoặc 2025 với kỳ hạn trái phiếu tối đa là 5 năm.

Cổ đông cũng tiếp tục đồng thuận kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn của Nam A Bank hoặc chi nhánh Nam A Bank tại nước ngoài, khu vực triển khai tại các nước Đông Nam Á.

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
thaco