Tin ngân hàng ngày 27/2: Cần đồng bộ giải pháp xử lý nợ xấu

10:26 | 27/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
VIB đặt mục tiêu tăng lãi, chia cổ tức thưởng tỷ lệ 20%; Agribank thoái toàn bộ vốn tại CMG, lãi gần 57%; Co-opBank triển khai chương trình “Tiết kiệm Online, khai xuân may mắn”… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 25/2: TP HCM tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệpTin ngân hàng ngày 25/2: TP HCM tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp
Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Các tổ chức tín dụng không “áp” chỉ tiêu bán bảo hiểm với nhân viênTin ngân hàng nổi bật tuần qua: Các tổ chức tín dụng không “áp” chỉ tiêu bán bảo hiểm với nhân viên

Cần đồng bộ giải pháp xử lý nợ xấu

Vừa qua, hàng loạt ngân hàng rao bán tài sản thế chấp là bất động sản các loại để thu hồi nợ xấu. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận việc nợ xấu gia tăng trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn và phần lớn khoản vay có tài sản thế chấp là BĐS là điều khó tránh khỏi.

Tin ngân hàng ngày 27/2: Cần đồng bộ giải pháp xử lý nợ xấu
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo ông Hiếu, qua 3 năm khó khăn do dịch COVID-19, rất nhiều DN được khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ… Nhưng hiện tại, chính sách này đã hết và các NH phải hạch toán đúng, đủ tình trạng nợ của khách hàng. Hiện nay, không ít DN chưa phục hồi được và có thể đang ở dạng "nợ xấu dưới gầm bàn" nên cần giải pháp mang tính phục hồi và có kế hoạch bài bản để giảm nợ xấu.

"Nếu thị trường BĐS phục hồi sẽ góp phần hạn chế nợ xấu nhưng quan trọng là phải có thị trường mua bán nợ để thu hút nhiều thành phần tham gia, bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có những khoản nợ khó thu hồi có thể phải chiết khấu tới 80-90%. Nếu có sàn giao dịch mua bán nợ thông thoáng, chuyển nhượng tài sản thế chấp là BĐS đơn giản sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia" - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Trên thực tế, "chợ" mua bán nợ tại Việt Nam đã có từ hơn 1 năm nay nhưng chưa như kỳ vọng. Cụ thể, sàn giao dịch nợ VAMC đã hoạt động từ tháng 10-2021 nhưng thông tin từ công ty này cho biết lũy kế tính đến hết năm 2022 mới có gần 160 thành viên đăng ký, ký hợp đồng nguyên tắc với 18 khách hàng là tổ chức tín dụng và các đơn vị thành viên. Tổng giá trị các khoản nợ trên sàn khoảng 38.000 tỉ đồng và VAMC đã thực hiện thành công hợp đồng tư vấn cùng khách hàng với tổng giá trị khoản nợ, tài sản bảo đảm gần 340 tỉ đồng… Hiện tại, sàn giao dịch nợ đang chuẩn bị ký các hợp đồng môi giới và tư vấn với khách hàng.

Tuy vậy, các chuyên gia nhìn nhận giá trị giao dịch thành công của sàn giao dịch nợ VAMC là quá khiêm tốn so với nhu cầu thị trường. TS Nguyễn Quốc Anh (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) đánh giá sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với nhiều kỳ vọng nhưng đến nay vẫn chủ yếu làm dịch vụ tư vấn, còn việc trực tiếp xử lý nợ còn hạn chế. "Hàng hóa" trên sàn này còn khá nghèo nàn, chủ yếu là các khoản nợ nhóm 3 trở đi và chất lượng nợ cũng tốt. Sàn này gần như không có các khoản nợ xấu trong lĩnh vực BĐS vì rất khó xử lý, bởi mua rồi bán cho ai. Trong khi đó, ở nước ngoài, các sàn giao dịch nợ mua bán tất cả khoản nợ tốt và xấu.

VIB đặt mục tiêu tăng lãi, chia cổ tức thưởng tỷ lệ 20%

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200, tăng 15,3% so với năm 2022 và chia cổ tức thưởng với tỷ lệ 20%. Tổng tài sản dự kiến tăng 25%, đạt 428.500 tỷ đồng.

Tổng dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25% lên 292.500 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng NHNN cho phép. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu huy động vốn tăng 26,2%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận năm 2022 và kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.

Trước đó, Hội đồng quản trị ngân hàng đã có nghị quyết phê duyệt việc thực hiện phương án tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với số tiền tạm ứng là hơn 2.107,6 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 10% vốn điều lệ.

Nguồn vốn sử dụng để chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/9/2022, trong đó lợi nhuận để lại từ các năm trước chưa sử dụng là 565 tỷ đồng và lợi nhuận thuần lũy kế ba quý đầu năm 2022 là hơn 1.542 tỷ đồng.

Về phương án tăng vốn điều lệ năm 2023, VIB sẽ trình cổ đông phương án phát hành hơn 412,5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên để tăng vốn điều lệ, tỷ lệ phát hành lần lượt là 20% và 0,36% đối với đợt chia cổ tức này.

Nguồn tăng vốn là các nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn lợi nhuận sau trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận sau đây, có số dư tại 31/12/2022 đã được kiểm toán và phân bổ, có thể được sử dụng cho mục đích tăng vốn điều lệ.

Nếu hoàn tất các phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 21.076 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ tăng thêm, ngân hàng dự kiến dùng 4.091 tỷ đồng để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản, 100 tỷ để đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và 100 tỷ cho đầu tư nâng cấp mạng lưới chi nhánh.

Agribank thoái toàn bộ vốn tại CMG, lãi gần 57%

Tính đến ngày 07/02/2023, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã hoàn thành chuyển nhượng toàn bộ hơn 4 triệu cp tại CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG). Mức giá chào bán bình quân cho số cổ phiếu trên là 60,616 đồng/cp, ước tính thu về 244.65 tỷ đồng trên 156 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu, lãi gần 57%.

Agribank thoái vốn tại CMG theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về phương án sắp xếp lại các công ty con và khoản đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác.

Theo BCTC kiểm toán năm 2020 của CMG (kết thúc ngày 31/03/2021), Agribank nắm gần 3.78 triệu cp CMG (tỷ lệ 3.78%). Người đại diện quản lý phần vốn này của Agribank là bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó trưởng Ban Đầu tư tại Agribank.

Gần đây, trong đợt chào bán từ ngày 25/08-23/09/2022, Agribank đã chuyển nhượng được hơn 2.9 triệu cp (tỷ lệ 2.67%), còn 30 cp chưa chuyển nhượng được do quy định được phép giao dịch chứng khoán lô lẻ của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có hiệu lực từ ngày 12/09/2022. Sau khi nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng, tổng số cổ phiếu Agribank còn nắm là 40 cp. Số cổ phiếu này đã được bán nốt trong phiên 07/02/2023.

Co-opBank triển khai chương trình “Tiết kiệm Online, khai xuân may mắn”

Mới đây, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) triển khai chương trình "Tiết kiệm online, khai xuân may mắn" dành cho khách hàng gửi mới thành công tiết kiệm trực tuyến tại Co-opBank với số tiền tối thiểu 50 triệu đồng, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Chương trình được thực hiện từ ngày 1/3 đến hết ngày 31/3/2023.

Tin ngân hàng ngày 27/2: Cần đồng bộ giải pháp xử lý nợ xấu
Co-opBank triển khai chương trình “Tiết kiệm Online, khai xuân may mắn”/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, tài khoản tiết kiệm càng cao, giá trị cashback càng lớn. Cụ thể, Co-opBank sẽ cashback 50.000 đồng/tài khoản cho 2.000 khách hàng gửi mới thành công tiết kiệm trực tuyến mức 50 triệu đồng; cashback 100.000 đồng/tài khoản cho 1.000 khách hàng gửi mới thành công tiết kiệm trực tuyến mức trên 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

Khách hàng có mức tiền gửi tiết kiệm trực tuyến từ 200 triệu đồng trở lên sẽ có cơ hội được cashback 200.000 đồng/tài khoản. Trường hợp có nhiều hơn số lượng khách hàng được cashback theo cơ cấu quà tặng, Co-opBank sẽ ưu tiên Tài khoản có giá trị tiền gửi cao hơn và sớm hơn.

Với nguyên tắc không cộng dồn giá trị các tài khoản tiết kiệm và mỗi khách khách hàng được cashback 0 lần duy nhất trong thời gian diễn ra chương trình, Co-opBank sẽ cashback theo tài khoản có giá trị tiền gửi cao nhất. Thời gian trao thưởng muộn nhất trong vòng 30 ngày làm việc kể từ khi kết thúc chương trình.

Khách hàng gửi tiền tham gia chương trình không được tất toán hoặc rút một phần vốn trước 01 tháng kể từ ngày phát sinh giao dịch. Đặc biệt, khách hàng tham gia chương trình này vẫn được tham gia các chương trình khuyến mại khác của Co-opBank (nếu đủ điều kiện).

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)