Tin ngân hàng ngày 27/10: VIB đạt tổng doanh thu 16.300 tỷ đồng trong 9 tháng

10:00 | 27/10/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Lượng tín phiếu trúng thầu tăng trở lại; Tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng mạnh; BVBank lãi trước thuế hơn 61 tỷ đồng sau 9 tháng, giảm 85%... là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 26/10: Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàngTin ngân hàng ngày 26/10: Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng
Tin ngân hàng ngày 25/10: ACB lãi trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng trong quý IIITin ngân hàng ngày 25/10: ACB lãi trước thuế hơn 5.000 tỷ đồng trong quý III

VIB đạt tổng doanh thu 16.300 tỷ đồng trong 9 tháng

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận tổng doanh thu đạt trên 16.300 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chính đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp và khối nguồn vốn. Trong đó thu nhập lãi đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 18% và thu nhập ngoài lãi đóng góp 20% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, ở mức 4.840 tỷ đồng, chỉ tăng 4,5% so với năm trước. Nhờ vậy, hệ số chi phí/doanh thu (CIR) của VIB giảm còn 30% và là một trong những ngân hàng bán lẻ có hiệu quả quản trị chi phí dẫn đầu ngành.

Tin ngân hàng ngày 27/10: VIB đạt tổng doanh thu 16.300 tỷ đồng trong 9 tháng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lợi nhuận trước dự phòng tín dụng của VIB tăng trưởng vượt bậc, đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng quý III đạt 4.300 tỷ đồng - mức cao nhất của ngân hàng từ trước đến nay. Bên cạnh kết quả kinh doanh giữ vững tăng trưởng ổn định, nhằm nâng cao chất lượng tài sản cũng như tạo bộ đệm dự phòng vững chắc, ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng lên tới hơn 3.150 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ. Sau 9 tháng, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 8.325 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 27%, duy trì hiệu quả sinh lời top đầu ngành.

Tại ngày 30.09.2023, tổng tài sản VIB đạt 384.500 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm. Nhờ triển khai các chiến lược thúc đẩy tăng trưởng, dư nợ tín dụng đạt gần 247.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm.

Nợ xấu của VIB hiện được duy trì ở mức 2,47%, giảm so với mức đỉnh 2,62% vào cuối quý 1.2023 và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Trong số nợ xấu này, hầu hết là các khoản vay được thế chấp bằng bất động sản, với tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo được duy trì ở mức 60%-70%. Bên cạnh đó, chính sách tài sản đảm bảo chặt chẽ với 99,5% tài sản đảm bảo bằng bất động sản là nhà đã có sổ hồng, sổ đỏ, do vậy tỷ lệ mất vốn trên các khoản nợ xấu là rất thấp.

Hiện VIB là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thuộc nhóm thấp nhất thị trường với mức độ phân tán rủi ro tập trung tối đa. Tại thời điểm cuối quý III tỷ trọng dư nợ bán lẻ tại VIB đạt 86% tổng danh mục cho vay.

Lượng tín phiếu trúng thầu tăng trở lại

Trong phiên giao dịch hôm qua (26/10), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo phương thức đấu thầu lãi suất. Kết quả, toàn bộ 6 thành viên tham gia đều trúng thầu với tổng khối lượng đạt 8.250 tỷ đồng, gấp gần 14 lần phiên hôm 25/10 (600 tỷ đồng).

Mặt khác, lãi suất trúng thầu tín phiếu đã tăng lên 1,5% từ mức 1,45% duy trì trong 5 phiên trước đó. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ khi NHNN mở lại hoạt động phát hành tín phiếu vào giữa tháng 9.

Ở chiều ngược lại, có tới 20.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong phiên hôm nay và kênh cầm cố giấy tờ có giá tiếp tục không phát sinh giao dịch. Như vậy, NHNN đã bơm ròng 11.750 tỷ đồng trong ngày 26/10.

Dù lượng tín phiếu trúng thầu bật tăng trở lại những vẫn thấp hơn so với mức bình quân gần 10.500 tỷ/phiên tính từ đầu chu kỳ. Trong khi đó, các lô tín phiếu 28 ngày đầu tiên đã bắt đầu đáo hạn từ phiên 19/10.

Tính chung, trong 6 phiên vừa qua (19/10 - 26/10), Nhà điều hành chỉ phát hành thêm lượng tín phiếu có tổng quy mô 16.450 tỷ đồng, trong khi có tới gần 89.995 tỷ đồng tín phiếu cũ đáo hạn. Như vậy, cơ quan này đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng tổng cộng gần 73.545 tỷ đồng. Đồng thời, lượng tín phiếu lưu hành giảm về còn 182.150 tỷ đồng.

Lượng tín phiếu trúng thầu ở mức thấp trong những phiên gần đây trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng trở lại, cho thấy thanh khoản hệ thống không còn quá dư thừa.

Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90% giá trị giao dịch) trong phiên 24/10 đã tăng mạnh lên 2,82% từ mức 2,22% ghi nhận vào phiên trước đó (23/10) và 0,79% ghi nhận vào cuối tuần trước. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ đầu tháng 6/2023 và cao hơn nhiều so với lãi suất huy động tại các kỳ hạn dưới 1 tháng của các ngân hàng (0,1 - 0,5%/năm).

So với mức thấp hồi cuối tháng 9 (0,16 - 0,19%), lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã tăng lên gấp 15 - 17 lần. Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác như 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng cũng đều tăng mạnh.

Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng mạnh

Cuối tháng 8, lượng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt kỷ lục mới, với hơn 6,43 triệu tỷ đồng, tăng 9,68% so với cuối năm ngoái.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 43.700 tỷ đồng. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất, nếu so với cùng kỳ nhiều năm qua.

Lượng tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục giảm. Tính đến giữa tháng 8, có khoảng chục nhà băng niêm yết lãi suất cao nhất cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, trên 7% một năm. Hơn 20 nhà băng còn lại niêm yết lãi suất cao nhất (thường rơi vào kỳ hạn một năm) từ 6% đến dưới 7% một năm. Hết tháng 8, lãi suất vẫn tiếp tục giảm, nhiều ngân hàng lớn đã đưa về mức thấp hơn cả giai đoạn Covid-19

Với khối tổ chức gồm doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể..., nhóm này gửi thêm vào hệ thống ngân hàng hơn 103.000 tỷ đồng trong tháng 8, sau một tháng rút ròng hơn 74.000 tỷ đồng. Còn so với đầu năm, lượng tiền gửi của khối tổ chức tăng thấp, chỉ khoảng 1%, đạt hơn 6 triệu tỷ đồng.

Môi trường lãi suất thấp giai đoạn Covid-19 từng khiến dòng tiền dịch chuyển mạnh sang các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... Tuy nhiên, xu hướng này theo lãnh đạo ngân hàng sẽ không lặp lại ở thời điểm hiện tại. Hoạt động tiêu dùng, sản xuất không còn bị gián đoạn vì Covid-19, thị trường bất động sản cũng ảm đạm sau loạt chấn chỉnh, khiến dòng tiền tìm kiếm lợi nhuận sẽ thận trọng hơn.

BVBank lãi trước thuế hơn 61 tỷ đồng sau 9 tháng, giảm 85%

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2023, cho thấy lãi trước thuế hơn 61 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2023, giảm 85% so với cùng kỳ năm trước.

Tin ngân hàng ngày 27/10: VIB đạt tổng doanh thu 16.300 tỷ đồng trong 9 tháng
BVBank lãi trước thuế hơn 61 tỷ đồng sau 9 tháng, giảm 85%/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Lũy kế 9 tháng đầu năm, nguồn thu chính sụt giảm 21% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 1.051 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Các nguồn thu ngoài lãi cũng sụt giảm như lãi từ dịch vụ (-28%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (-69%)…

Chi phí hoạt động tăng 9%, ghi nhận hơn 1.039 tỷ đồng do tăng chi phí cho nhân viên và tăng chi về tài sản.

Thêm vào đó, Ngân hàng dành hơn 141 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 15% so với cùng kỳ, do đó BVBank lãi trước thuế còn hơn 61 tỷ đồng sau 9 tháng, giảm 85%.

Nếu so với kế hoạch lãi trước thuế 502 tỷ đồng đề ra cho cả năm, BVBank mới thực hiện được 12% mục tiêu dù đã qua 9 tháng.

BVBank cho biết mặc dù mặt bằng lãi suất huy động vốn đã giảm nhiều nhưng gánh nặng chi phí huy động vốn ở mức lãi suất cao từ cuối quý III/2022 vẫn còn lớn (chi phí huy động vốn tăng 54% so với cùng kỳ 2022). Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng thấp ở mặt bằng lãi suất cho vay giảm mạnh 2% - 3%, chất lượng tín dụng suy giảm do khó khăn chung của thị trường bất động sản và nền kinh tế đã và đang tác động lớn đến thu nhập và dự phòng rủi ro của Ngân hàng.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của BVBank mở rộng 7% so với đầu năm, lên mức 84.287 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 50% (3.607 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác tăng 24% (10.429 tỷ đồng).

Cho vay khác hàng tăng 4% lên 53.030 tỷ đồng. Trong đó, đều là dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, không có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Tiền gửi khách hàng ghi nhận 53.866 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tổng huy động vốn đạt gần 76.400 tỷ đồng, tăng 5%, trong đó, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 64.000 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính đến 30/09/2023 là 1.887 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,79% đầu năm lên 3,56%.

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)