Tin ngân hàng ngày 26/6: Đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số

10:00 | 26/06/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Vietcombank thu phí dịch vụ thẻ ngân hàng kể từ tháng 7/2023; Doanh nghiệp xoay xở chi gần 87.000 tỷ mua lại trái phiếu trước hạn; Agribank được tăng vốn lên hơn 51.500 tỷ đồng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 24/6: Đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin để thanh, kiểm tra thuếTin ngân hàng ngày 24/6: Đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin để thanh, kiểm tra thuế
Tin ngân hàng tuần qua: Không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giáTin ngân hàng tuần qua: Không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá

Hơn 15.000 tỷ đồng được các ngân hàng đầu tư cho chuyển đổi số

Báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Vietnam Report cho biết, trong 4 năm gần đây, tăng trưởng về thanh toán số tại Việt Nam được duy trì ở mức 40%, là một trong những nước tăng trưởng nhanh về ứng dụng ngân hàng số.

Tin ngân hàng ngày 26/6: Đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số
Đến cuối năm 2022, hơn 15.000 tỷ đồng được các ngân hàng đầu tư cho chuyển đổi số/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo thống kê của NHNN, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số.

Các ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho biết chuyển đổi số có tác động rõ rệt đến lợi nhuận hoặc hiệu quả hoạt động của mình so với năm trước. Trong đó, có tới 71,4% ngân hàng nhận định số hóa mang lại tác động mạnh mẽ đến kết quả kinh doanh cũng như hiệu suất của ngân hàng, 28,6% còn lại ghi nhận những tác động mạnh từ chuyển đổi số trong năm qua.

Kết quả khảo sát cho thấy điện toán đám mây (Cloud Computing) là công nghệ được đánh giá có mức độ tương quan lớn nhất đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng và lợi ích đáng kể nhất làhiệu quả về chi phí.

100% ngân hàng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng, tăng cường an ninh mạng là ưu tiên số một trong top 5 chiến lược trọng tâm năm nay.

Do vậy, tất cả ngân hàng tham gia khảo sát đều cho biết dự kiến tăng ngân sách dành cho chương trình bảo mật và an ninh mạng trong năm 2023, với 42,9% số ngân hàng lên kế hoạch tăng 6-10%.

Nguồn lực dự kiến tập trung nhiều nhất vào việc bổ sung thêm giải pháp công nghệ an ninh mạng cũng như tập trung vào quản trị rủi ro và tuân thủ với kỳ vọng những nỗ lực này cùng nhau góp phần tạo ra một môi trường ngân hàng linh hoạt, tiện lợi, đồng thời an toàn và bảo mật hơn.

Các ngân hàng cũng cho biết, trong thời gian tới, năng lực số hóa của mình có nhiều tiềm năng tiếp tục được cải thiện thông qua khả năng khai thác các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất như AI, máy học, Blockchain… góp phần gia tăng trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy các sản phẩm tài chính mới.

Việc không ngừng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của ngành được xác định là xu thế không thể đảo ngược. Khảo sát của Vietnam Report tiến hành tháng 6/2023 cho biết 85,8% khách hàng thừa nhận tương tác hàng ngày với ứng dụng mobile banking (tăng 58,1% so với năm 2022), phản ánh sự chấp nhận và áp dụng ngày càng tăng của các kênh kỹ thuật số cho các hoạt động tài chính.

Vietcombank thu phí dịch vụ thẻ ngân hàng kể từ tháng 7/2023

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) vừa có thông báo điều chỉnh biểu phí sản phẩm thẻ tại ngân hàng này kể từ ngày 1/7/2023.

Cụ thể, toàn bộ các sản phẩm thẻ cá nhân trước đây được miễn phí kích hoạt thẻ tại quầy và phí gửi thẻ trực tiếp, thì sau ngày 1/7 sẽ thu phí 20.000 đồng/thẻ (chưa gồm VAT).

Đối với thẻ tín dụng quốc tế, Vietcombank cũng tăng 2 loại phí. Trong đó, phí chấm dứt sử dụng thẻ tín dụng quốc tế vật lý tăng từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng. Phí không thanh toán đủ số tiền thanh toán tối thiểu vẫn là 3%, tuy nhiên mức phí tối thiểu tăng từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng.

Trước đó, Vietcombank không thu phí duy trì thẻ ghi nợ công nghệ từ, phí chấm dứt sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế vật lý.

Tuy nhiên từ sau 1/7/2023, ngân hàng này sẽ thu phí 10.000 đồng/tháng đối với thẻ ghi nợ công nghệ từ, thu phí 50.000 đồng với phí chấm dứt sử dụng thẻ ghi nợ quốc tế vật lý.

Vietcombank cũng lưu ý, quy định này không áp dụng với thẻ phi vật lý và trường hợp khách hàng chấm dứt sử dụng thẻ từ để chuyển sang thẻ chip. Có thể hiểu, quy định thu phí này nhằm khuyến khích khách hàng sớm chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Đáng chú ý, đây là lần tăng phí dịch vụ hiếm thấy của Vietcombank trong vài năm gần đây. Thời gian qua, ngân hàng này miễn nhiều loại phí dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ trên ngân hàng số như mở tài khoản, duy trì tài khoản, chuyển tiền… để thu hút người dùng.

Ở chiều ngược lại, Vietcombank đã miễn phí bồi hoàn đối với thẻ ghi nợ nội địa, thay vì áp dụng mức 45.454 đồng/giao dịch như trước.

Doanh nghiệp xoay xở chi gần 87.000 tỷ mua lại trái phiếu trước hạn

Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, tính đến ngày công bố thông tin 16/6/2023, chỉ có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ghi nhận trong tháng 6 với tổng giá trị 600 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 35.213 tỷ đồng, bao gồm 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 16% tổng giá trị phát hành) và 24 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 29.692 tỷ đồng (chiếm 84% tổng số).

Trong khi phát hành trái phiếu mới khó khăn thì doanh nghiệp vẫn phải tăng mua lại trái phiếu. Từ đầu tháng 6 tới ngày công bố thông tin 16/6/2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.868 tỷ đồng trái phiếu.

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 86.720 tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022).

Áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm vẫn rất lớn. Tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn từ nay đến cuối năm 2023 là 182.445 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 93.719 tỷ đồng, chiếm 51,4%, theo sau là nhóm Ngân hàng với 31.161 tỷ đồng, chiếm 17,1%.

Trước đó, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong tháng 6/2023 có khoảng hơn 35.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng 5 và là tháng đỉnh điểm giá trị đáo hạn cao nhất so với các tháng còn lại trong năm 2023.

Trong thời gian qua, để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều quyết định quan trọng để ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đưa thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế và khơi dậy niềm tin của người dân để thị trường phát triển bền vững.

Đặc biệt, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hoặc thay đổi điều kiện, điều khoản, gia hạn trái phiếu đã phát hành trước đây (thời gian gia hạn tối đa không quá 2 năm); ngưng thực hiện đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc. Nghị định góp phần giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường.

Vào cuối tháng 5/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 11,6% GDP năm 2022.

Agribank được tăng vốn lên hơn 51.500 tỷ đồng

Ngân hàng Agribank vừa được Quốc hội thông qua phương án đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ, qua đó tổng vốn tại ngân hàng này sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.

Tin ngân hàng ngày 26/6: Đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ngày 24/6, Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giai đoạn 2021 - 2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng.

Nghị quyết nêu rõ, trong năm 2023 sẽ bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 để tăng vốn. Năm 2024, bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Trước đó, trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với đề xuất của Chính phủ, chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank và giới hạn số tối đa được cấp là 17.100 tỷ đồng.

Hiện tại, nguồn cho Agribank tăng vốn đã sẵn sàng. Số tiền 17.100 tỷ đồng là tương ứng với phần lợi nhuận còn lại Agribank nộp Ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn 2021-2023.

Quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm 2022 là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước. Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.

Việc tăng vốn giúp Agribank đạt hệ số CAR 8% theo quy định của Luật các TCTD, Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Đồng thời gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa. Đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Agribank trong đầu tư phát triển tam nông, thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ và NHNN…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)