Tin ngân hàng ngày 25/7: ACB muốn phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu

10:16 | 25/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Trái phiếu trước hạn được nhiều ngân hàng mua lại; Ngân hàng Phát triển châu Á có giám đốc mới tại Việt Nam; Lãi suất giảm, người dân vẫn "đổ xô" gửi tiền vào ngân hàng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 22/7: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MSB tăng hơn 86%Tin ngân hàng ngày 22/7: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MSB tăng hơn 86%
Tin ngân hàng tuần qua: 13 ngân hàng tham gia gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho lâm - thủy sảnTin ngân hàng tuần qua: 13 ngân hàng tham gia gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho lâm - thủy sản

ACB muốn phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2023 với tổng quy mô tối đa 20.000 tỷ đồng.

Tin ngân hàng ngày 25/7: ACB muốn phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu
Ngân hàng ACB muốn phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, ACB sẽ phát hành tối đa 200.000 trái phiếu trong 20 đợt với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá.

Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định suốt thời hạn.

ACB phát hành số trái phiếu này nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Mặt khác, ACB mới đây cho biết sẽ mua lại 4 lô trái phiếu, gồm ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá tối đa là 10.000 tỷ đồng.

Đây là 4 lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.

Thời gian mua lại 4 lô trái phiếu này lần lượt vào các ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7. Giá mua bằng mệnh giá phát hành. Nguồn vốn để thực hiện mua lại đến từ nguồn thu từ các khoản cho vay VND trung dài hạn hoặc các nguồn cho vay/đầu tư đến hạn khác hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác đến hạn vào thời điểm mua lại trái phiếu.

Vào cuối quý I, ACB có gần 36.056 tỷ đồng trái phiếu lưu hành. Trong đó, lượng trái phiếu kỳ hạn 1 - 2 năm là 11.450 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm là 20.700 tỷ đồng, 5 năm là 1.495 tỷ đồng và 10 năm là 2.411 tỷ đồng.

Kết thúc quý I, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt gần 5.157 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý I/2022, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh 2023.

Tổng tài sản của ACB đến cuối quý I đạt 611.224 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 411.289 tỷ, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 1%.

Về nguồn vốn, cuối quý I/2023, ACB có 422.755 tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 2,1% so với đầu năm; hơn 52.857 tỷ tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác giảm 22%; gần 50.156 tỷ giấy tờ có giá, tăng 13%.

Trái phiếu trước hạn được nhiều ngân hàng mua lại

Tuần qua, thị trường trái phiếu trầm lắng nhưng các ngân hàng lại gia tăng mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, HDBank thông báo sẽ mua lại toàn bộ 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn (lô HDBL2225010) vào ngày 28/7/2023. Đây là lần thứ 4 HDBank mua lại trái phiếu trước hạn trong vòng 2 tháng qua.

Tương tự, từ đầu tháng 7 tới nay, LPBank có 3 đợt mua lại trái phiếu trước hạn (ngày 7/7, 14/7 và 19/7) với tổng giá trị mua lại 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, ACB cũng mua lại trước hạn 5.000 tỷ đồng 2 lô trái phiếu vào ngày 7/7 và 14/7. Các ngân hàng khác như ABBank, TPBank, Techcombank… chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn trong vài tháng qua.

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho hay, từ đầu năm đến ngày 14/7/2023, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 121.790 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 61.767 tỷ đồng).

Những động thái này của các ngân hàng được các chuyên gia phân tích, nguyên nhân là do dư thừa thanh khoản. Việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp ngân hàng giảm dư thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện Hệ số an toàn vốn (CAR).

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, một lý do khiến các ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn là để cơ cấu lại kỳ hạn trái phiếu và cơ cấu lại lãi suất. Theo đó, không loại trừ việc ngân hàng mua lại trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm để lấy dư địa phát hành trái phiếu mới kỳ hạn trên 5 năm (đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2). Điều này cũng hợp lý trong bối cảnh từ ngày 1/10/2023, hệ số vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ bị giảm từ 34% xuống còn 30%.

Thực tế, nhiều ngân hàng một mặt mua lại trái phiếu trước hạn ở các kỳ hạn 2-3 năm, một mặt lại phát hành các lô trái phiếu mới kỳ hạn 5-10 năm.

Được biết, nhiều ngân hàng TMCP đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 65/2023/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ để có hướng áp dụng.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, từ nay đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp, ngân hàng sẽ phải đáo hạn 147.310 tỷ đồng trái phiếu, trong đó chủ yếu là trái phiếu bất động sản và ngân hàng.

Ngân hàng Phát triển châu Á có giám đốc mới tại Việt Nam

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bổ nhiệm ông Shantanu Chakraborty làm Giám đốc Quốc gia mới tại Việt Nam.

Ông Chakraborty, người nhậm chức hôm nay, sẽ lãnh đạo các hoạt động của ADB tại Việt Nam, đại diện cho ngân hàng trong đối thoại chính sách và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ của ngân hàng với chính phủ và các bên hữu quan khác. Ông sẽ giám sát việc triển khai chiến lược đối tác quốc gia cho Việt Nam giai đoạn 2023-2026, tập trung vào sự chuyển dịch của Việt Nam sang nền kinh tế xanh, khai thác tiềm lực của khu vực tư nhân và thúc đẩy công bằng xã hội.

Ông Chakraborty kế nhiệm ông Andrew Jeffries, người đã kết thúc nhiệm kỳ Giám đốc Quốc gia vào ngày 27/4/2023.

Ông Chakraborty có gần 28 năm kinh nghiệm chuyên môn tại Nam Á, Trung và Tây Á cũng như ở Hoa Kỳ, trong đó có 18 năm làm việc tại ADB. Ông từng là Trưởng Ban Tài chính Cơ sở hạ tầng 1 và trước đó là Giám đốc Ban Hỗ trợ Giao dịch Khu vực tư nhân tại Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân (PSOD). Các vai trò trước đó của ông tại ADB bao gồm Cố vấn cấp cao cho Phó Chủ tịch (nghiệp vụ khu vực tư nhân và đồng tài trợ) và Chuyên gia đầu tư chính tại PSOD.

Trước khi gia nhập ADB, ông Chakraborty đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính dự án và ngân hàng đầu tư ở Ấn Độ (với ngân hàng ICICI) và Hoa Kỳ (với các ngân hàng UBS Warburg và Landesbank Hessen Thuringen).

Ông Chakraborty, quốc tịch Ấn Độ, có bằng thạc sĩ quản lý tại Học viện Quản lý Ấn Độ ở Ahmedabad, Ấn Độ; bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh về tài chính của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York; và bằng kỹ sư của Viện Công nghệ và Khoa học Birla, Pilani ở Ấn Độ.

Việt Nam là một thành viên sáng lập của ADB. Từ khi được thành lập vào năm 1966, ngân hàng đã cam kết 457 khoản vay cho khu vực công, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật với tổng giá trị 16,5 tỉ USD cho Việt Nam.

Lãi suất giảm, người dân vẫn "đổ xô" gửi tiền vào ngân hàng

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 5/2023 cho thấy tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh 8,21% so với cuối năm ngoái.

Tin ngân hàng ngày 25/7: ACB muốn phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chảy vào hệ thống ngân hàng giảm 3,45%, phản ánh bức tranh kinh tế còn khó khăn, dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp không dồi dào. Đáng chú ý, tiền gửi của dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng tăng cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.

Tính đến cuối tháng 5, tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,34 triệu tỉ đồng, cao hơn nhiều so với con số 5,74 triệu tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Tính ra, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tục từ tháng 9 năm ngoái đến nay. Nếu tính trong 5 tháng đầu năm 2023, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng.

Theo một số khách hàng cho biết, vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm với kỳ hạn chủ yếu từ 6 tháng trở lên cho khoản tiền nhàn rỗi, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác không thật sự khởi sắc. Thị trường vàng ảm đạm; lãi suất USD đang áp dụng 0%/năm trong khi tỉ giá ổn định; thị trường bất động sản trầm lắng. Chỉ riêng thị trường chứng khoán tăng mạnh gần đây nhưng đòi hỏi nhà đầu tư có sự tìm hiểu kỹ, có kiến thức nhất định, nên không phải ai cũng sẵn sàng chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang chứng khoán…

Đến thời điểm này, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm, mức lãi suất huy động phổ biến cho các kỳ hạn dài từ 7-7,5%/năm đối với những ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất kỳ hạn dài chỉ còn 6-6,3%/năm.

Sáng ngày 24/7, một loạt ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đã cùng điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống thấp nhất chỉ còn 3,3%/năm cho các kỳ hạn 1-2 tháng. Đây là mức lãi suất thấp hơn nhiều so với trần quy định là 4,75%/năm áp dụng cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)