Tin ngân hàng ngày 23/7: Vietbank phát hành trái phiếu ra công chúng

10:40 | 23/07/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đánh sập nhiều đường dây mua bán tài khoản ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất; 6 tháng năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 100%… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 22/7: HSBC “thu xếp” khoản vay hợp vốn cho Techcombank trị giá 1 tỷ USDTin ngân hàng ngày 22/7: HSBC “thu xếp” khoản vay hợp vốn cho Techcombank trị giá 1 tỷ USD
Tin ngân hàng ngày 21/7: NHNN giảm quy mô hút tiền, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnhTin ngân hàng ngày 21/7: NHNN giảm quy mô hút tiền, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Vietbank phát hành trái phiếu ra công chúng

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) sẽ phát hành 300.000 trái phiếu ra công chúng, tương đương 3.000 tỷ đồng và chia thành 3 đợt chào bán. Đây là loại trái phiếu được phát hành rộng rãi cho các cá nhân và tổ chức, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và có mệnh giá 10.000.000 đồng/trái phiếu.

Tin ngân hàng ngày 23/7: Vietbank phát hành trái phiếu ra công chúng
Vietbank phát hành trái phiếu ra công chúng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tại đợt 1 phát hành, số lượng trái phiếu chào bán là 100.000 trái phiếu, tương đương 1.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 7 năm và định kỳ trả lãi là mỗi năm một lần. Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5% vào 5 năm đầu và cộng biên độ 3,5% vào 2 năm cuối theo nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐQT ban hành ngày 14/3/2022.

Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 5 trái phiếu, tương đương 50.000.000 đồng. Thời gian phát hành dự kiến là ngày 16/9/2022.

Nhà đầu tư có thể đăng ký mua trái phiếu tại các điểm giao dịch của Vietbank từ ngày 25/7/2022 đến 12h ngày 15/9/2022.

Số tiền thu về từ trái phiếu sẽ được Vietbank sử dụng để tăng quy mô vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2022, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.090 tỷ đồng, tăng 71,4% so với năm 2021; tổng tài sản đạt trên mức 130.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, kiểm soát nợ quá hạn dưới mức 3,5% theo quy định.

Vietbank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.003 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ lên 5.780 tỷ đồng trong năm 2022.

Đánh sập nhiều đường dây mua bán tài khoản ngân hàng

Tại Hà Nội, một nhóm đối tượng đã mở hơn 200 tài khoản ngân hàng bán với giá 1,2 triệu đồng mỗi tài khoản. Khi vào thành phố Đà Nẵng để mở rộng phạm vi hoạt động, nhóm đối tượng đã bị bắt giữ. Tại hiện trường, công an thu giữ gần 100 tài khoản ngân hàng và nhiều loại giấy tờ giả.

Còn tại Nghệ An, nhóm 10 đối tượng đã thuê người dân mở trên 3.000 tài khoản ngân hàng với giá 400.000 đồng/tài khoản để bán ra nước ngoài ăn giá chênh lệch hàng chục lần.

"Em đi tìm người làm tài khoản để gửi sang Đài Loan phục vụ cho mục đích chơi game online", đối tượng Lê Thế Trung cho biết.

Công an cũng đã thu giữ hàng trăm sim điện thoại, trong đó nhiều sim đã được kích hoạt mã OTP. Đặc biệt, nhiều tài khoản đã có giao dịch lên đến 400 tỷ đồng.

Tương tự tại các tỉnh thành Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, nhiều đường dây mua bán trái phép tài khoản ngân hàng đã bị lực lượng công an triệt phá. Một nhóm đối tượng đã bị Công an thành phố Hà Nội phát hiện việc mua bán hàng nghìn tài khoản ngân hàng ra nước ngoài cho các đối tượng lừa đảo.

Cơ quan công an cũng xác định, nhiều tài khoản sau khi được các đối tượng bán lại sẽ được sử dụng trong những mục đích không rõ ràng, vi phạm pháp luật như việc chuyển và rút tiền trong những vụ án lừa đảo, sử dụng sim rác để đăng nhập Internet Banking, liên kết mở các tài khoản ví điện tử khác để chiếm đoạt tiền, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất

Theo BVSC, lạm phát sẽ còn tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn còn công cụ để kiểm soát lạm phát trong năm 2022. Do đó, lạm phát tại Việt Nam có thể kiểm soát ở ngưỡng 4% cho cả năm 2022.

Với mức nền thấp của quý 3/2021, BVSC dự báo tăng trưởng GDP trong quý 3/2022 có thể đạt trên 10%, nhờ động lực tăng từ sự hồi phục của tiêu dùng và sản xuất. Dù vậy, tăng trưởng GDP sau đó có thể sẽ gặp khó khăn khi động lực chỉ còn đến từ đầu tư công.

“Với nền kinh tế tăng trưởng tốt trong bối cảnh tiền VND chịu áp lực mất giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát được đặt lên cao hơn, BVSC cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu có những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ hơn và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng lãi suất. Tuy nhiên, mức tăng sẽ chưa quá lớn để vẫn có thể hỗ trợ hồi phục kinh tế”, theo BVSC.

Khi môi trường tiền rẻ không còn, thị trường chứng khoán trên toàn thế giới giảm điểm sâu. Thị trường chứng khoán toàn cầu chịu tác động mạnh bởi động thái tăng lãi suất và thu hẹp chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Lợi suất trái phiếu chính phủ đã trở về và đạt mức cao hơn trước đại dịch. Trong bối cảnh thị trường thế giới suy giảm mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Tại Việt Nam, lợi suất trái phiếu cũng đã tăng vượt mức trước đại dịch. Các ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng đều giảm điểm mạnh kể từ đầu năm đến nay.

Không chỉ giảm mạnh về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng bị sụt giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Khi bối cảnh bất ổn, mặt bằng lãi suất tăng nhanh, thanh khoản của thị trường cổ phiếu đã sụt giảm liên tục từ mức đỉnh vào tháng 11/2021. Giá trị giao dịch trung bình phiên đang trở về mức thấp của cuối 2020 đầu 2021 nhưng nếu nhìn trong bối cảnh xu hướng lãi suất vẫn có thể tiếp tục tăng thì thanh khoản chung của thị trường còn có thể phải giảm thêm, theo BVSC.

Theo BVSC, dòng tiền cá nhân sẽ giữ vai trò ngày càng quan trọng khi công nghệ giúp dân số trẻ tiếp cận được với thị trường chứng khoán, các sản phẩm đầu tư tài chính sớm hơn. Lãi suất tăng nhẹ nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với cách đây 10 năm. Các kênh đầu tư như trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản triển vọng kém đi sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh của thị trường cổ phiếu khi thị trường ổn định, tăng điểm trở lại.

6 tháng năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 100%

Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kích hoạt sự kiện Không dùng tiền mặt năm 2022 và “Tọa đàm mở về chính sách, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”. Những con số được báo cáo tại tọa đàm cho thấy công nghệ chuyển đổi số của ngành ngân hàng đang ngày càng phát triển.

Tin ngân hàng ngày 23/7: Vietbank phát hành trái phiếu ra công chúng
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo ghi nhận từ hệ thống của NAPAS, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 94% về số lượng và 114,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Còn theo số liệu từ NHNN, tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán (TKTT) đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015-2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).

Đến nay, NHNN đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Qua đó cho thấy dư địa phát triển và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là rất lớn.

Cũng tại buổi Tọa đàm, đại diện của Napas đã trình bày tham luận về các chính sách và kỳ vọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Bài tham luận đã nêu ra dư địa và các tiềm năng sẵn có về chính sách, hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để Việt Nam triển khai tốt các giải pháp thanh toán không tiền mặt; đồng thời, đưa ra các dịch vụ thanh toán hiện đại và tối ưu nhất cho người dân như: Thẻ chip, thanh toán bằng mã VietQR, Thanh toán di động (mobile Payment), thanh toán bằng phụ kiện đeo tay (Wearable)…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto