Tin ngân hàng ngày 22/4: Đại hội cổ đông MSB không thông qua kế hoạch sáp nhập ngân hàng khác

10:15 | 22/04/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tin đồn thất thiệt khiến người dân đổ xô đi rút tiền tại quỹ tín dụng; Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ giảm sâu; Quý I/2023, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.700 tỷ đồng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 22/4: Saigonbank báo lãi trước thuế tăng gần 70% trong quý I/2022Tin ngân hàng ngày 22/4: Saigonbank báo lãi trước thuế tăng gần 70% trong quý I/2022
Tin ngân hàng ngày 20/4: Cá nhân không được sở hữu quá 3% cổ phần tại một nhà băngTin ngân hàng ngày 20/4: Cá nhân không được sở hữu quá 3% cổ phần tại một nhà băng

Đại hội cổ đông MSB không thông qua kế hoạch sáp nhập ngân hàng khác

Chiều 21/4/2023, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Tin ngân hàng ngày 22/4: Đại hội cổ đông MSB không thông qua kế hoạch sáp nhập ngân hàng khác
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tại đại hội, Hội đồng quản trị (HĐQT) MSB trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo kết quả biểu quyết, chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập, thấp hơn mức 65% theo quy định. Do đó, tờ trình này không được Đại hội cổ đông thông qua.

Trước đó, theo tờ trình đại hội, Ban lãnh đạo MSB cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB, triển khai thành công chiến lược số hoá ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của NHNN.

Tờ trình cũng cho biết, dự kiến TCTD sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

Lâm Đồng: Tin đồn thất thiệt khiến người dân đổ xô đi rút tiền tại quỹ tín dụng

Công an TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đang xác minh tin đồn về việc bà Đỗ Thị Yên, Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) phường II vỡ nợ, bỏ trốn khỏi địa phương.

Bước đầu, Công an địa phương nhận định thông tin đang lan truyền về việc bà Yên vỡ nợ là thất thiệt, thiếu kiểm chứng. Hiện đơn vị không nhận được đơn thư nào phản ánh, tố cáo về vụ việc này.

Sáng ngày 21/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng cũng đã ra văn bản khẳng định Quỹ TDND phường II không liên quan đến các trường hợp vỡ nợ như tin đồn.

Theo văn bản này, thời gian vừa qua, xuất hiện một số tin đồn thất thiệt liên quan đến một số cán bộ, nhân viên và người thân của cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Quỹ TDND phường II.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đã rà soát, xác định các thông tin trên không có cơ sở. Hoạt động của Quỹ TDND phường II vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và các cá nhân đang làm việc tại Quỹ TDND phường II không liên quan đến các trường hợp vỡ nợ như tin đồn.

Làm việc với công an TP Bảo Lộc, ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND phường II cũng khẳng định bà Yên không vay mượn tiền bạc từ bất kỳ tổ chức tín dụng nào, không tham gia các dây hụi, không mắc nợ tổ chức, cá nhân nào. Hiện bà Yên vẫn đi làm bình thường tại Quỹ tín dụng.

Từ ngày 20/4, tin đồn thất thiệt về bà Đỗ Thị Yên, hàng trăm khách hàng đã đến quỹ tín dụng này rút tiền. Sự việc trên không chỉ gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của quỹ tín dụng và quyền lợi của chính khách hàng đang gửi tiền tại đây.

Trước sự việc này, Ngân hàng Nhà nước và quỹ tín dụng cam kết đảm bảo thanh khoản để giải quyết đầy đủ các nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng, thành viên. Tuy nhiên, các khách hàng nên chắt lọc thông tin, tránh việc rút tiền gửi trước hạn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng đề xuất Thành uỷ, UBND TP Bảo Lộc quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo chính quyền và các ban ngành có liên quan tại địa phương phối hợp tuyên truyền để người dân thông tỏ về tình hình hoạt động của Quỹ TDND phường II; không hoang mang dao động trước các tin đồn thất thiệt.

Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ giảm sâu

Ngày 21/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh 0,12 – 0,54 % ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó.

Lãi suất qua đêm giảm mạnh nhất (giảm 0,54% so với hôm qua, giảm 2,22% so với tuần trước), chỉ còn 3,23%. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần còn 3,7%, giảm 1,82% so với tuần trước. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng về mức dưới 5%, giảm 0,68% so với tuần trước.

Ngày 20/4, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 20.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn song có 6.177,31 tỷ đồng đáo hạn. Đây cũng là số tiền mà NHNN hút ròng ngày hôm qua thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Như vậy, trong 4 ngày đầu tuần này, NHNN đã hút ròng gần 13.500 tỷ đồng qua thị trường mở.

Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi niêm yết tại các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng giảm. Mức giảm lên tới 0,5-1% chỉ trong vòng 1 tháng gần đây.

Hiện nay chỉ còn vài ngân hàng như SCB, OCB, ABBank có lãi suất huy động ở mức 9%/năm, áp dụng ở kỳ hạn dài. Đại đa số các ngân hàng khác đều đã đưa lãi suất huy động các kỳ hạn về dưới 9%/năm. Riêng lãi suất cao nhất ở nhóm ngân hàng big 4 chỉ 7,2%/năm; lãi suất 6 tháng là 5,8%/năm.

Trong quý I/2023, tín dụng tăng trưởng thấp, nền kinh tế xuất siêu, NHNN mua 4 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối, lãi suất điều hành giảm… khiến thanh khoản hệ thống dồi dào và lãi suất rẻ hơn.

Công ty chứng khoán KBSV cho rằng, NHNN sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%, áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022. Hơn nữa việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt, và FED được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý II/2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%. Bên cạnh đó, NHNN có thể sẽ hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 0,5% trong quý II/2023 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.

Quý I/2023, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.700 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - TPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.765 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.413 tỷ, tăng 8,7%.

Tin ngân hàng ngày 22/4: Đại hội cổ đông MSB không thông qua kế hoạch sáp nhập ngân hàng khác
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thu nhập lãi thuần của TPBank trong quý I năm nay sụt giảm 3,34% so với cùng kỳ, ở mức 2.737 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy, nguyên nhân là do chi phí lãi, đặc biệt là trả lãi tiền gửi cho khách hàng tăng mạnh, trong khi thu nhập từ lãi cho vay tăng với mức độ ít hơn.

Trong khi đó, các mảng kinh doanh phi tín dụng có kết quả khả quan, đơn cử như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 36%, đạt 695 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng tới 370% lên 151 tỷ, theo giải thích của TPBank thì do ngân hàng đã tận dụng tốt các cơ hội thị trường.

Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của TPBank đạt 3.660 tỷ, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 27,6% lên 1.579 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (trước trích lập dự phòng) giảm 12,5%, ghi nhận ở mức 2.079 tỷ đồng.

Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý I/2023 của TPBank giảm 58% so với cùng kỳ xuống còn 315 tỷ. TPBank cho biết ngân hàng đã kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng từ khách hàng nên chi phí này được giảm xuống, từ đó gia tăng được lợi nhuận cho ngân hàng.

Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản TPBank đạt 343.522 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,3% lên 172.753 tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 3,1%, đạt 200.998 tỷ.

Nợ xấu của TPBank tăng 84% trong 3 tháng lên 2.496 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 212% lên 1.199 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 64% lên 764 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 6% lên 533 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng cuối tháng 3 ở mức 1,45%, tăng so với mức 0,84% hồi đầu năm.

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)