Tin ngân hàng ngày 21/4: Năm 2023, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiểu 15%

10:15 | 21/04/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Ngân hàng Bản Việt phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất 8,9%/năm; Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 cho SHB; Năm 2023, VietinBank dành 11.521 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 20/4: Cá nhân không được sở hữu quá 3% cổ phần tại một nhà băngTin ngân hàng ngày 20/4: Cá nhân không được sở hữu quá 3% cổ phần tại một nhà băng
Tin ngân hàng ngày 19/4: PGBank đạt lợi nhuận tăng trên 20% trong quý I/2023Tin ngân hàng ngày 19/4: PGBank đạt lợi nhuận tăng trên 20% trong quý I/2023

Năm 2023, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiểu 15%

Trong báo cáo thường niên năm 2022 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã đưa ra một số chỉ tiêu kinh doanh cơ bản cho năm 2023.

Tin ngân hàng ngày 21/4: Năm 2023, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiểu 15%
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, Vietcombank cho biết mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng tối thiểu 15% so với năm 2022. Trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, năm 2023, Vietcombank dự kiến lãi tối thiểu khoảng 43.000 tỷ đồng.

Ngân hàng này cũng dự kiến tổng tài sản tăng 9% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng tăng 13% với tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Huy động vốn từ thị trường 1 tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ cho vay/huy động không cao hơn mức thực hiện năm 2022.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Vietcombank tập trung thực hiện 6 đột phá chiến lược và 3 trọng tâm trong dịch chuyển cơ cấu hoạt động kinh doanh.

6 đột phá chiến lược bao gồm: Thứ nhất, triển khai Chương trình hành động chuyển đổi số và Kế hoạch hành động chuyển đổi đúng tiến độ đã phê duyệt, đảm bảo chất lượng. Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực thích ứng cho chuyển đổi số. Phát triển văn hóa số và ứng dụng phương pháp làm việc Agile. Thứ ba, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu hoạt động; phát huy thế mạnh tổng thể của toàn hệ thống VCB. Thứ tư, đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm. Thứ năm, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách. Thứ sáu, triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.

3 trọng tâm trong dịch chuyển cơ cấu hoạt động kinh doanh của Vietcombank là:

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững: Gia tăng tỷ trọng và chất lượng tài sản đảm bảo trong tổng dư nợ; tăng trưởng tín dụng bán buôn gắn với phát triển khách hàng và dịch vụ; tăng trưởng tín dụng bán lẻ, tín dụng tại PGD đồng thời với việc đảm bảo chất lượng tín dụng

Thứ hai, phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ. Mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số và nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng.

Thứ ba, cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả. Phát triển mạnh mẽ vị thế tạo lập thị trường của VCB.

Ngân hàng Bản Việt phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất 8,9%/năm

Theo đó, khách hàng chỉ cần gửi từ 10 triệu đồng là có thể tham gia sản phẩm chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cuối kỳ 8,9%/năm. Chứng chỉ tiền gửi Bản Việt được triển khai theo hai hình thức nhận lãi cuối kỳ và lãi hàng tháng. Cụ thể nếu nhận lãi hàng tháng, khách hàng sẽ được nhận được lãi suất 8,65%/năm, và nếu lãnh lãi cuối kỳ thì mức lãi suất là 8,9%/năm.

Trên thị trường hiện tại, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng niêm yết của các ngân hàng dao động từ 7,2 - 8,5%/năm, do vậy, mức lãi suất 8,9%/năm của sản phẩm chứng chỉ tiền gửi Bản Việt rất cạnh tranh trên thị trường. Đây sẽ là một trong các lựa chọn hiệu quả cho khách hàng khi đứng trước nhiều băn khoăn để tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi của mình. Chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi sau 6 tháng có thể sử dụng chứng chỉ tiền gửi làm tài sản bảo đảm vay vốn tại ngân hàng Bản Việt nếu có nhu cầu sử dụng.

Sau khi kết thúc kỳ hạn chứng chỉ tiền gửi, trong trường hợp khách hàng cá nhân không đến thanh toán vào ngày đáo hạn, ngân hàng Bản Việt sẽ chuyển toàn bộ, gốc lãi sang giữ hộ chờ khách hàng đến làm thủ tục nhận gốc, lãi.

"Bản Việt luôn nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh lãi suất theo chỉ đạo Chính phủ và NHNN. Việc lựa chọn phân khúc tiền gửi ít nhạy cảm về giá cũng nằm trong mục tiêu tiết kiệm chi phí vốn, huy động các nguồn vốn có giá hợp lý để giải ngân cho vay, vừa giúp khách hàng nhỏ lẻ có mức sinh lời tốt nhất từ nguồn tiền nhàn rỗi của mình. Do đó, có thể nói sản phẩm Chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lần này sẽ đáp ứng và thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng trong thời điểm này. Đến hết quý I/2023, chúng tôi đã giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng cho các khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi như gói vay vốn siêu lãi 10,5%/năm, tham gia chương trình đồng hành kết nối doanh nghiệp của TPHCM. Tiếp tục trong tháng 4/2023, chúng tôi đưa ra nhiều gói vay mới như "Tín dụng xanh" với lãi suất ưu đãi thấp nhất từ 8,9%/năm hoặc gói vay "Combo 3 ưu đãi" với mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm, cũng như sản phẩm mới "Vay linh hoạt 24h" có hạn mức lên đến 2 tỷ đồng dành cho các hộ kinh doanh tại đô thị" - ông Ngô Minh Sang - Giám đốc khối KHCN Ngân hàng Bản Việt chia sẻ.

Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 cho SHB

Cụ thể, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 với hạng mục Nhà phát hành và tiền gửi nội tệ (LC) dài hạn cho SHB, cùng một số định hạng khác.

Tại báo cáo, Moody's nêu rõ: "Việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm cho SHB phản ánh kỳ vọng của Moody's đối với chỉ số tín dụng của SHB sẽ duy trì ổn định trong vòng 12 đến 18 tháng tới".

Về cập nhật trên, đại diện lãnh đạo SHB cho biết: "Báo cáo cập nhật của Moody’s đã phản ánh những thách thức trên thị trường trong và ngoài nước, cũng như những biến động và thách thức đối với ngành ngân hàng nói riêng. Trong bối cảnh đó, việc Moody’s giữ nguyên xếp hạng B1 cho thấy SHB tiếp tục củng cố an toàn và hiệu quả hoạt động trong mục tiêu phát triển bền vững".

Vị lãnh đạo này kỳ vọng các thế mạnh nội tại sẽ cho phép SHB tiếp tục nâng cao an toàn và hiệu quả hoạt động, cũng như tiếp cận các chuẩn mực quốc tế cao hơn trong thời gian tới.

Đại diện lãnh đạo SHB cũng cho biết, ngân hàng đã hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để tiến tới chuyển đổi lên phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB), triển khai áp dụng báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS), đáp ứng các chuẩn mực Basel III về rủi ro thanh khoản - một trong những chỉ tiêu quan trọng khi Moody’s đánh giá về hoạt động an toàn và quản trị rủi ro của các ngân hàng.

Năm 2023, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt khoảng 600.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên 10.200 tỷ đồng; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trên 12% theo chuẩn mực Basel II. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Ngoài ra, SHB còn có kế hoạch chi trả cổ tức với tỷ lệ 18% bằng cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên trên 36.600 tỷ đồng, trong hướng đạt trên 40.000 tỷ đồng ở bước dự kiến tiếp theo.

Cập nhật kết quả kinh doanh cơ bản trong quý I/2023, SHB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10,3% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, SHB đã hoàn thành khoảng 35% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023.

Đến cuối quý I/2023, quy mô cấp tín dụng của SHB đã đạt khoảng 423.000 tỷ đồng; nguồn vốn huy động trên thị trường 1 (các tổ chức kinh tế và dân cư) đạt khoảng 440.000 tỷ đồng; tổng tài sản đạt khoảng 571.500 tỷ đồng.

Năm 2023, VietinBank dành 11.521 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với kế hoạch tổng tài sản tăng từ 5-10% so với thời điểm cuối năm 2022.

Tin ngân hàng ngày 21/4: Năm 2023, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng tối thiểu 15%
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và định hướng chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

Nguồn vốn huy động dự kiến tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số an toàn thanh khoản.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế không được ngân hàng công bố con số cụ thể. VietinBank cho biết sẽ thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngân hàng cũng dự kiến kiểm soát tỉ lệ nợ xấu dưới mức 1,8%.

Về cổ tức, tỉ lệ chi trả và cơ cấu chi trả (tiền mặt, cổ phiếu) của VietinBank sẽ thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật.

Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2022, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế 2022 của VietinBank là 16.379 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ trích 5% cho quỹ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính và 2.314 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi.

Sau khi trích các quỹ bắt buộc, lợi nhuận còn lại là 11.521 tỷ đồng sẽ được dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Về lịch sử trả cổ tức, tại Đại hội đồng cổ đông năm trước, cổ đông Vietinbank cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Cụ thể, VietinBank sẽ phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỉ lệ 11,85%.

Trước đó, ngân hàng đã thành công trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỉ lệ 8% và năm 2021 bằng cổ phiếu tỉ lệ 29,07% từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2017, 2018, 2019.

Ngoài ra, VietinBank cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc niêm yết các trái phiếu phát hành ra công chúng năm 2023 của ngân hàng trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sau khi kết thúc các đợt chào bán.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vietinbank được tổ chức vào 21/4 tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto