Tin ngân hàng ngày 13/11: "Hâm nóng" vai trò quỹ bảo lãnh tín dụng

10:00 | 13/11/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
BIDV rao bán khoản nợ quá hạn hơn 750 tỷ đồng tại Ninh Bình; Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về những nhu cầu vốn không được vay; SeABank chuyển nhượng Công ty tài chính PTF cho AEON Financial… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Tin ngân hàng ngày 11/11: Cấm chào bán bảo hiểm trước/sau 60 ngày khi giải ngân khoản vayTin ngân hàng ngày 11/11: Cấm chào bán bảo hiểm trước/sau 60 ngày khi giải ngân khoản vay
Tin ngân hàng tuần qua: Tin ngân hàng tuần qua: "Cuộc đua" giảm lãi suất cho vay

"Hâm nóng" vai trò quỹ bảo lãnh tín dụng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này thời gian qua vẫn thực hiện điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng, trong đó rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân tiếp cận tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Tin ngân hàng ngày 13/11:
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tuy nhiên, một trong những đặc thù của DNNVV là thiếu các yếu tố cơ bản để đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng khi cho vay vẫn phải tuân thủ các quy tắc cơ bản trong thẩm định tín dụng và quan điểm của NHNN thời gian qua vẫn cho biết, dù rất nóng lòng đưa vốn ra nền kinh tế, nhưng kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng.

Để khắc phục “thế khó” trên, trong nội dung thảo luận Quốc hội vừa qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nhắc lại vai trò của những giải pháp về bảo lãnh vay vốn để có thể khơi thông dòng vốn ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, đây là đối tượng đông đảo, chiếm tỷ lệ tới 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước và nhu cầu vốn của họ là rất lớn. Trên thực tế, cũng đã có những ngân hàng đặt sự quan tâm hơn đến sự kết hợp giữa ngân hàng và quỹ bảo lãnh như một cách tháo gỡ những điểm tắc nghẽn của vốn ngân hàng với khối doanh nghiệp nhỏ.

Ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng doanh nghiệp SHB cho biết, ngân hàng này thời gian qua cũng đã đưa sản phẩm cho vay gián tiếp nguồn vốn từ Quỹ phát triển DNNVV với mức lãi suất ưu đãi 2,16%/năm đối với vay ngắn hạn và 4,0%/năm đối với vay trung - dài hạn.

Quỹ bảo lãnh tín dụng thực chất là vấn đề không mới và đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, đây có thể là một trong giải pháp đang cần được khơi lại với sự quan tâm nhiều hơn. Một số chuyên gia cho rằng, các chương trình bảo lãnh có thể sẽ đạt hiệu quả tốt khi doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt, ngân hàng kinh doanh tốt, nhân viên chuyên nghiệp và có khả năng thẩm định khi người vay không đủ tài sản thế chấp. Do đó, giải pháp tăng hiệu quả là cần sự phối hợp giữa quỹ bảo lãnh tín dụng và ngân hàng thương mại.

BIDV rao bán khoản nợ quá hạn hơn 750 tỷ đồng tại Ninh Bình

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Nam Ninh và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Nam Ninh phát sinh tại BIDV Ninh Bình và BIDV Tam Điệp.

Theo BIDV, giá trị ghi sổ khoản nợ của 2 công ty trên tạm tính đến ngày 29/10/2023 là gần752,3 tỷ đồng. Trong đó, Dư nợ gốc là 562,6 tỷ đồng; Nợ lãi trong hạn: 186,5 tỷ đồng; Nợ lãi quá hạn: 3,2 tỷ đồng.

Ngân hàng đưa ra giá khởi điểm bằng giá trị khoản nợ là gần 752,3 tỷ đồng). Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán khoản nợ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Tài sản đảm bảo cho 2 khoản nợ trên là một loạt bất động sản tại TP Ninh Bình và TP Nam Định. Trong đó, có Trụ sở của Công ty XD Nam Ninh tại đường Phạm Văn Nghị, phường Đông Thành, TP Ninh Bình và Nhà hàng, khách sạn, nhà triển lãm được xây dựng trên 2 thửa đất có tổng diện tích 17.800m2 tại phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình.

Ngoài ra, tài sản đảm bảo cho các khoản nợ còn có phần vốn góp của ông Vũ Đức Thông tại Công ty TNHH Xây dựng Nam Ninh và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Nam Ninh; 1 ô tô BMW M6 Gran Coupe.

Toàn bộ khoản nợ được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức có sao bán vậy.

Người tham gia đấu giá khoản nợ có nghĩa vụ xem xét, tìm hiểu các hồ sơ khoản nợ, tài sản bảo đảm và tự xác định tình trạng của khoản nợ theo hiện trạng thực tế, các hồ sơ pháp lý của khoản nợ, đồng thời tự xem xét, tìm hiểu tình trạng thực tế của các tài sản bảo đảm cho khoản nợ.

Tiền lãi vẫn tiếp tục phát sinh từ ngày 29/10/2023 cho đến khi Công ty TNHH XD Nam Ninh và Công ty TNHH ĐT TM Nam Ninh thanh toán nợ gốc tiền vay tại BIDV Ninh Bình và BIDV Tam Điệp.

Người mua được khoản nợ được sở hữu toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền, nghĩa vụ khác liên quan đến khoản nợ phát sinh theo Hợp đồng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về những nhu cầu vốn không được vay

Đây là một trong những ý kiến trả lời của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc thực hiện Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Về những nhu cầu vốn không được cho vay, trường hợp khách hàng vay mua nhà, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là tổ chức tín dụng) giải ngân vốn cho vay và phong tỏa số tiền giải ngân cho đến khi khách hàng hoàn tất thủ tục mua nhà có thuộc trường hợp cho vay để gửi tiền hay không? Theo NHNN, trường hợp này không phải cho vay để gửi tiền.

Tổ chức tín dụng không được cho vay để gửi tiền dưới bất kỳ hình thức nào, có bao gồm chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành không?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung), tổ chức tín dụng không được cho vay đối với nhu cầu vốn với mục đích để gửi tiền. Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức gửi tiền không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận.

"Theo đó, tổ chức tín dụng không được cho vay đối với nhu cầu vốn với mục đích để mua chứng chỉ tiền gửi do chính tổ chức tín dụng cho vay hoặc tổ chức tín dụng khác phát hành" - NHNN nêu rõ.

Vậy tổ chức tín dụng giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng để thực hiện việc thanh toán chi phí tiêu dùng có phải là cho vay để gửi tiền?

NHNN cho hay theo quy định tại Thông tư số 39 tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho vay để thanh toán chi phí sinh hoạt phục vụ tiêu dùng của khách hàng. Việc tổ chức tín dụng giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng để khách hàng thực hiện thanh toán chi phí sinh hoạt là một trong các phương thức giải ngân vốn cho vay và phù hợp đảm bảo với quy định tại Thông tư số 39 và Thông tư số 21/2017/TT-NHNN. Vì vậy, trường hợp trên không phải cho vay để gửi tiền.

SeABank chuyển nhượng Công ty tài chính PTF cho AEON Financial

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và AEON Financial Service Co., Ltd. (AEON Financial) - thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group, đã tổ chức Lễ ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của SeABank tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) tương đương 100% vốn điều lệ PTF với giá chuyển nhượng 4.300 tỷ đồng.

Tin ngân hàng ngày 13/11:
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại PTF là hoạt động nằm trong lộ trình đã được Đại hội đồng cổ đông SeABank thông qua để tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng có nhu cầu nhận chuyển nhượng phần vốn góp của SeABank tại PTF. Khi hoàn thành việc chuyển nhượng sẽ giúp SeABank có thêm nguồn vốn để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất.

Phát biểu tại lễ ký kết, bà Lê Thu Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT SeABank cho biết: "AEON Financial là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Với bề dày uy tín và hơn 40 năm kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường phi ngân hàng tại Nhật Bản và 10 quốc gia tại châu Á của AEON Financial Service, chúng tôi tin tưởng rằng PTF sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính tiêu dùng cho người dân Việt Nam".

Ông Kenji Fujita - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AEON Financial cho biết: "AEON Financial Services được thành lập từ năm 1981 tại Nhật Bản và mở rộng hoạt động trong lĩnh vực tài chính tại 10 quốc gia châu Á trong hơn 30 năm, đã bắt đầu cung cấp các khoản vay trả góp riêng của mình tại Việt Nam kể từ năm 2008. Giao dịch này đánh dấu một bước quan trọng trong chiến lược phát triển của chúng tôi tại Việt Nam. Sau khi nhận được giấy phép, ngoài việc cung cấp các khoản vay cá nhân, chúng tôi cũng dự định trong tương lai sẽ phát hành thẻ tín dụng. Chúng tôi sẽ đóng góp càng nhiều càng tốt vào thị trường tài chính Việt Nam bằng kiến thức đã tích luỹ của chúng tôi tại Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác".

Sau khi ký kết hợp đồng, hai bên sẽ xin ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hoàn tất giao dịch chuyển nhượng.

Được thành lập vào tháng 10/1998, PTF là một trong những công ty tài chính đầu tiên tại Việt Nam. Hiện tại PTF có vốn điều lệ 1.550 tỷ đồng, tổng nhân sự gần 2.000 người và phục vụ gần 200.000 khách hàng tại 30 tỉnh thành phố trên cả nước.

/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)