Tin ngân hàng ngày 1/2: Quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của MB giảm 2,3%

10:30 | 01/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
HDBank báo lãi hơn 10.200 tỷ đồng trong năm 2022; Năm 2022, SHB đạt lợi nhuận trước thuế hơn 9.658 tỷ đồng, tăng 54%; Quý 4/2022, nợ xấu của VietinBank giảm mạnh… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế MB đạt hơn 4.573 tỷ đồng, giảm 2,3%

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, trong đó đáng chú ý là trừ thu nhập lãi thuần vẫn tăng hơn 34% so với cùng kỳ, đạt hơn 9.629 tỷ đồng, các mảng hoạt động khác của ngân hàng này đều ghi nhận sụt giảm.

Tin ngân hàng ngày 1/2: Quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của MB giảm 2,3%
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 9%, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 12,7%, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 90%, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 60% và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 50,3%.

Các mảng kinh doanh không tích cực đã kéo theo lợi nhuận trước thuế quý 4/2022 tại MB chỉ đạt hơn 4.573 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù các mảng kinh doanh không tích cực, nhưng nhờ tăng trưởng của thu nhập lãi thuần và kinh doanh ngoại hối, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn tăng 25,3% so với năm trước trong khi chi phí dự phòng rủi ro là 8.000 tỷ đồng, chỉ tăng 0,2%, lũy kế cả năm MB lãi 22.729 tỷ đồng trước thuế, tăng 37,5% so với năm trước và đạt 111,8% kế hoạch năm.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của MB đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 26,7% lên hơn 460.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 15,3% đạt 443.605 tỷ đồng.

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 54% lên 5.030 tỷ đồng, trong đó dư nợ nhóm 5 ở mức 2.293 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cuối năm 2021 (819 tỷ đồng), qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,9% lên 1,09%.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định nâng vốn điều lệ của MBBank lên 45.339 tỷ đồng, giúp MBBank trở thành doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thứ 6 trên sàn chứng khoán và là ngân hàng niêm yết lớn thứ 5 sau BIDV, VietinBank, Vietcombank và VPBank.

HDBank báo lãi hơn 10.200 tỷ đồng trong năm 2022

Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) công bố kết quả kinh doanh năm 2022 đạt 10.268 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 105% kế hoạch cổ đông giao. Mảng dịch vụ tăng trưởng cao, các chỉ tiêu an toàn và hiệu quả hoạt động trong nhóm dẫn đầu.

Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động quý 4/2022 của HDBank đạt 5.869 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế cả năm 2022, ngân hàng đạt 21.967 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 29,7%, thu thuần từ dịch vụ tăng 53,4%. Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng phù hợp kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế đạt 10.268 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay của ngân hàng này. Các chỉ tiêu ROAE đạt 23,5%, ROAA đạt 2,1%, hệ số an toàn vốn CAR đạt hơn 13,4% nằm trong nhóm cao dẫn đầu toàn ngành.

Tại 31/12/2022, tổng tài sản của HDBank lần đầu vượt mốc 416 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn đạt 366 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân tư đạt 216 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp gần 3 lần mức tăng toàn ngành (khoảng 6%). Dư nợ đạt hơn 268 nghìn tỷ đồng, tăng trên 25,6% và phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp chỉ 1,3%. Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực là động lực của nền kinh tế như nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương, các chuỗi cung ứng và phân phối.

Song song, các mảng dịch vụ, thẻ, ngân hàng số tăng tốc mạnh mẽ. Trong năm qua, doanh số kinh doanh bảo hiểm của HDBank cao gấp 2 lần cùng kỳ và thuộc top ngân hàng dẫn đầu. Số lượng thẻ tín dụng kích hoạt gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước, giá trị giao dịch thẻ tăng gấp gần 3 lần, số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số (ebanking) tăng 208%, số lượng giao dịch tăng 97% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo HDBank cho biết, trong giai đoạn 5 năm sắp tới, ngân hàng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình trên 25%/năm, tiếp tục khẳng định năng lực đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững.

Năm 2022, SHB đạt lợi nhuận trước thuế hơn 9.658 tỷ đồng, tăng 54%

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với các chỉ số an toàn vốn, quản lý rủi ro đều đạt ở mức tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ chuẩn mực quốc tế.

Theo đó, SHB ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt hơn 9.658 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ việc cắt giảm 28% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng còn 5.329 tỷ đồng.

Các khoản kinh doanh khác cũng đem lại lợi nhuận cho ngân hàng này bao gồm thu nhập lãi thuần tăng 12% và lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 50% so với cùng kỳ. Ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư tại SHB đều ghi nhận sụt giảm.

Theo báo cáo, tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của SHB trong năm 2022 đạt hơn 19.350 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt hơn 9.658 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Các chỉ số an toàn vốn, quản lý rủi ro của SHB đều đạt ở mức tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ chuẩn mực quốc tế.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SHB đạt hơn 551 nghìn tỷ đồng, vốn tự có theo chuẩn Basel II đạt 62.577 tỷ đồng, tổng huy động đạt hơn 407 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 385 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2022, SHB đã hoàn thành việc chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Tại thời điểm 31/12/2022, vốn điều lệ của SHB đạt 30.674 tỷ đồng, duy trì vị trí trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất toàn hệ thống.

Là ngân hàng hoàn thành trước hạn cả 3 trụ cột Basel II, năm 2022, SHB đã hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để chuyển đổi lên phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB) và áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS, tiến tới đáp ứng ngày càng cao các chuẩn mực quốc tế. Đây là cơ sở để ngân hàng tiếp tục phát triển chiến lược kinh doanh bền vững, toàn diện, là hành lang cho việc quản trị rủi ro và sử dụng vốn một cách hiệu quả.

Quý 4/2022, nợ xấu của VietinBank giảm mạnh

Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022. Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 21.133 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.

Tin ngân hàng ngày 1/2: Quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của MB giảm 2,3%
Nợ xấu của VietinBank giảm mạnh trong quý 4/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Các mảng kinh doanh có kết quả khả quan, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 14,7% đạt 47.930 tỷ đồng, đóng góp gần 75% cho tổng thu nhập hoạt động. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 22,8% lên 6.089 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 97% lên 3.570 tỷ đồng.

Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán kém khả quan, bị lỗ 126 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi tới 720 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác (chủ yếu từ xử lý nợ rủi ro) tăng trưởng tới 94%, đạt 6.605 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động của VietinBank tăng 21,5% trong năm qua, đạt gần 64.600 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng chậm hơn (tăng 12,3%), đạt 17.186 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) được cải thiện, giảm từ 32,3% xuống 30% - nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ CIR tốt nhất hệ thống.

Về chi phí dự phòng, VietinBank tăng 31,5% so với năm 2021 lên 24.163 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,7%, đạt hơn 1,27 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 7,5% lên gần 1,25 triệu tỷ đồng.

VietinBank là một trong những ngân hàng hiếm hoi giữ được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đi ngang trong năm 2022, trong khi hàng loạt nhà băng khác ghi nhận xu hướng sụt giảm. Tỷ lệ CASA của VietinBank cuối năm 2022 đạt 20%.

Nợ xấu ngân hàng tăng khá mạnh trong 9 tháng đầu năm nhưng lại có chuyển biến tích cực trong quý 4. Cụ thể, nợ xấu cuối quý 4 của ngân hàng là 15.795 tỷ đồng, giảm hơn 1.800 tỷ so với cuối quý 3. Tỷ lệ nợ xấu theo đó giảm từ 1,42% (tháng 9/2022) xuống còn 1,24% (tháng 12/2022). Trước đó, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2021 của VietinBank là 1,26%.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng đạt khoảng 188%, cải thiện so với mức 180% đầu năm 2022.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)