Tin Bộ Ngoại giao: Thông tin cơ bản về quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

15:33 | 02/12/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Việt Nam và Hàn Quốc có hoạt động giao thương trực tiếp và triển khai quan hệ phi chính phủ quan hệ hai nước được nâng cấp lên “Đối tác hợp tác chiến lược".

1. Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao: 22/12/1992

2. Những mốc lớn trong quá trình phát triển quan hệ

- Từ 1975 - 1982, Việt Nam và Hàn Quốc có hoạt động buôn bán tư nhân qua trung gian; từ 1983 bắt đầu giao thương trực tiếp và triển khai quan hệ phi chính phủ.

- Ngày 20/4/1992, ký thỏa thuận trao đổi Văn phòng liên lạc giữa hai nước.

- Ngày 22/12/1992, ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ; Hàn Quốc mở Đại sứ quán tại Hà Nội.

- Tháng 3/1993, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Seoul.

- Tháng 11/1993, Hàn Quốc mở Tổng Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh.

- Tháng 8/2001, hai nước ra tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ 21” nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

- Tháng 10/2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên “Đối tác hợp tác chiến lược” nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (Li Miêng Bác).

3. Tình hình quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc gần đây

3.1 Về hợp tác chính trị, an ninh và quốc phòng: Hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương (trực tuyến và trực tiếp) được duy trì.

Trong năm 2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí (tháng 4), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (tháng 6), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (tháng 7), Chủ tịch Hội nghị sỹ hữu nghị Việt - Hàn Trần Văn Túy (tháng 7); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Trần Thanh Mẫn (tháng 9); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 11) thăm Hàn Quốc.

Phía Hàn Quốc có đoàn Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Hàn - Việt (tháng 01), Viện trưởng Viện Công tố tối cao (tháng 01), Chủ tịch Đảng Dân chủ Đồng hành (tháng 3), Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Hàn - Việt (tháng 6) thăm Việt Nam.

Trong năm 2020, trao đổi đoàn bị hoãn/dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để trao đổi tình hình và biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Tổng thống Moon Jae-in (Mun Che In) (03/4); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha (Kang Kiêng Hoa) (28/02, 23/7); hai bên tổ chức họp Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật lần thứ 18 bằng hình thức trực tuyến (17/11). Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tại Việt Nam, ta đón Chủ tịch Quốc hội Park Byeong Seok (Pắc Biêng Sấc) (31/10 - 04/11), Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha (17 - 18/9), Thứ trưởng Ngoại giao Lee Tae Ho (Li Thê Hô) (04/12) thăm.

Trong năm 2021, hai bên duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt. Lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi điện mừng nhậm chức, điện đàm và hội đàm trực tuyến; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hàn Quốc (12 - 15/12); Bộ trưởng Ngoại giao Chung Eui-yong (Châng Ưi I-ông) thăm chính thức Việt Nam, dự Đối thoại chính sách cao cấp 25 năm ASEM (21 - 23/6). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Moon Jae-in bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (21/9); Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Quốc hội Park Byeong Seok bên lề Hội nghị các chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo (7/9).

Trong năm 2022, Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì điện đàm, trao đổi điện mừng; trao đổi đoàn.

Hai bên đang duy trì cơ chế “Đối thoại chiến lược Ngoại giao - An ninh - Quốc phòng cấp Thứ trưởng”, “Đối thoại an ninh Việt - Hàn cấp Thứ trưởng” và “Đối thoại Quốc phòng Việt - Hàn cấp Thứ trưởng”; đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về bảo mật, an toàn thông tin (28/6/2012), Bản ghi nhớ về bảo mật thông tin quân sự (21/7/2014), Biên bản thỏa thuận về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (14/6/2016), Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030 (4/2018). Cho đến nay, Hàn Quốc đã giao cho Bộ Quốc phòng ta 04 tàu đã qua sử dụng (03 tàu cho Tư lệnh cảnh sát biển, 01 tàu Quân chủng hải quân).

3.2 Về hợp tác kinh tế: Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ta, đứng thứ 1 về đầu tư, thứ 2 về ODA (sau Nhật Bản), thứ 3 về thương mại (sau Trung Quốc và Mỹ). Các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục được duy trì như Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc; Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng về hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, năng lượng và công nghiệp; Đối thoại về kinh tế cấp Phó Thủ tướng Việt Nam - Hàn Quốc.

3.3 Về hợp tác lao động: Hàn Quốc là thị trường tiếp nhận lao động lớn thứ 2 của ta (sau Đài Loan) và ta là nước phái cử lao động lớn thứ 2 (sau Trung Quốc). Hiện ta có khoảng 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Hai bên đã ký lại Bản ghi nhớ thông thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) (1/2021), Hiệp định bảo hiểm xã hội (12/2021); thí điểm mô hình lao động thời vụ.

3.4 Về hợp tác du lịch: Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ 2 sau Trung Quốc). Trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng Việt Nam - Hàn Quốc. Năm 2019, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 4,2 triệu lượt, tăng 23,1% so với năm 2018; khách Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 550 nghìn lượt người, tăng 21,9%. Lượng khách Hàn Quốc tới Việt Nam giai đoạn 2020 - 2021 giảm do tác động của dịch Covid-19 song đang tăng trở lại từ đầu năm 2022,

3.5 Về hợp tác tư pháp: Quan hệ hợp tác giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án Hàn Quốc được triển khai từ năm 2002. Dự án Tăng cường năng lực Trường Cán bộ Tòa án (nay là Học viện Tòa án) là dự án hợp tác nổi bật nhất. Chính phủ hai nước đang thúc đẩy đàm phán ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, tạo điều kiện để công dân mỗi nước yên tâm sinh sống, làm việc tại nước kia.

3.6 Về hợp tác giáo dục: Hai nước đã ký nhiều văn bản hợp tác, nổi bật là Hiệp định văn hoá (8/1994), Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch (10/2008). Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội (2006); ký Thỏa thuận dạy thí điểm tiếng Hàn ở cấp trung học (2016); chuyển giao tàu huấn luyện hàng hải Hannara cho trường Đại học Hàng hải Việt Nam (2020). Việt Nam đã áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tiếng Hàn - ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm (từ tháng 2/2021).

3.7 Về hợp tác nông nghiệp: Hàn Quốc tích cực hỗ trợ Việt Nam triển khai mô hình Nông thôn mới, nổi bật nhất là Chương trình hạnh phúc tại Quảng Trị và Lào Cai; thông qua tổ chức KOICA, viện trợ không hoàn lại vào các lĩnh vực phát triển nông thôn, nông nghiệp thông minh, phòng chống thiên tai.

3.8 Về hợp tác khoa học kỹ thuật: Nổi bật là việc hai nước ký Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ cấp chính phủ (1995). Trong lĩnh vực công nghệ cao, triển khai Thỏa thuận hợp tác ký giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Khu Công viên Khoa học Chung Nam - Hàn Quốc (2010); khánh thành Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ đã khánh thành (14/11/2015); đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST). Hợp tác về sở hữu trí tuệ được tăng cường thông qua hợp tác giữa các cơ quan liên quan; hợp tác trong khuôn khổ Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT). Về năng lượng nguyên tử, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác kỹ thuật (3/2007).

3.9 Về giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương: Theo thống kê của Cục quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, hiện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có hơn 216.000 người Việt Nam, gồm hơn 37.000 lao động phổ thông theo chương trình cấp phép lao động (EPS) và lao động thuyền viên, gần 2.000 lao động kỹ thuật, hơn 60.000 người kết hôn di trú, hơn 14.000 sinh viên, hơn 35.000 thực tập thông thường và nghiên cứu sinh, hơn 32.000 người thăm thân. Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 180 nghìn kiều dân tại Việt Nam, phần lớn là doanh nhân. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị tại mỗi nước, góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy giữa nhân dân hai nước.

Cộng đồng phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc gồm: (i) Hội Phật tử Việt nam tại Hàn Quốc trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam; (ii) 08 đạo tràng thuộc Cộng đồng Phật giáo Việt Nam, trong đó có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho cộng đồng. Cộng đồng công giáo Việt Nam tại Hàn Quốc có 09 cộng đoàn với khoảng 10 linh mục, 40 - 50 sơ, 09 cộng đoàn (trong đó cộng đoàn nhỏ có quy mô 20 - 30 giáo dân, cộng đoàn lớn khoảng 400 - 500 giáo dân). Các cộng đồng tôn giáo này đều có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về quê hương, tổ quốc.

Hiện đa số các tỉnh, thành, địa phương của ta đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt ở 59 địa phương, tập trung nhiều nhất ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh

vietinbank
ajinomoto