Tin bất động sản ngày 9/4: Tập đoàn TNG đề xuất đầu tư dự án khu đô thị 55 ha tại tỉnh Lâm Đồng

10:12 | 09/04/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Dự án Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn “bất động”; Hà Nội xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai trên địa bàn; TP.HCM dự kiến khoảng 38.000 căn nhà sẽ được cấp sổ hồng trong năm 2022…là những tin tức bất động sản đáng chú ý

Tin bất động sản ngày 8/4: Phú Yên công bố 7 dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sảnTin bất động sản ngày 8/4: Phú Yên công bố 7 dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản

Tin bất động sản ngày 7/4: Yêu cầu tạm dừng phá dỡ Tin bất động sản ngày 7/4: Yêu cầu tạm dừng phá dỡ "tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền" ở quận Ba Đình để kiểm tra

Tập đoàn TNG đề xuất đầu tư dự án khu đô thị 55 ha tại tỉnh Lâm Đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam (Tập đoàn TNG) về việc nghiên cứu, khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án Khu đô thị hồ Đông, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh.

Tin bất động sản ngày 9/4: Tập đoàn TNG  đề xuất đầu tư dự án khu đô thị 55 ha tại tỉnh Lâm Đồng
Tập đoàn TNG đề xuất đầu tư dự án khu đô thị 55ha tại tỉnh Lâm Đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện Di Linh làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam để xem xét đề nghị của Công ty.

Đồng thời, căn cứ theo quy định hiện hành và tình hình thực tế, nghiên cứu, đề xuất đảm bảo quy mô phù hợp và không trùng lấn với dự án đầu tư hoặc đồ án quy hoạch đã được UBND tỉnh chấp thuận.

Trước đó, ngày 17/3/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam có Văn bản số 60/2022/CV-TNG/DA5 gửi đến UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đề xuất nghiên cứu, khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch dự án Khu đô thị hồ Đông, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh.

Cụ thể Khu đô thị hồ Đông có quy mô 55 ha, là khu vực đất ở đô thị có phía Bắc giáp khu đất trống, phía Nam giáp đường Nguyễn Khuyến, phía Đông giáp khu đất trống và phía Tây giáp đường Võ Văn Tần, quốc lộ 20.

Cũng theo văn bản nêu trên, hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn TNG cũng đã khảo sát, nghiên cứu và tài trợ kinh phí lập quy hoạch một số khu đô thị mới.

Cụ thể là, Khu đô thị và dịch vụ du lịch hồ số 7 tại huyện Lạc Dương, quy mô 63,28 ha; khu dân cư đường Nguyễn Tri Phương (giai đoạn 1) tại TP. Bảo Lộc, quy mô 45,6 ha; khu dân cư tái định cư Nguyễn Tử Lực - Trần Anh Tông tại TP. Đà Lạt, quy mô 9,76 ha; khu dân cư đồi Thanh Danh tại thị trấn Di Linh, quy mô 8,55 ha; khu dân cư phía Đông thị trấn Đinh Văn, quy mô 14,47 ha; khu dân cư thuộc dự án phát triển nhà ở TDP 6B tại huyện Đạ Tẻh, quy mô 10,29 ha.

Như vậy, nếu đề xuất tài trợ lập quy hoạch dự án Khu đô thị hồ Đông được chấp thuận, thì đây là dự án thứ 7 mà Tập đoàn TNG tài trợ lập quy hoạch tại tỉnh Lâm Đồng.

Thái Nguyên: Dự án Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn “bất động”

Dự án Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) do Công ty CP Công nghệ cao Trung Anh (Hà Nội) làm chủ đầu tư từ năm 2018. Doanh nghiệp này đã có văn bản tới cấp có thẩm quyền đề nghị thực hiện Dự án Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và được được UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý chủ trương, với nguồn vốn dự kiến trên 100 tỷ đồng.

Tổng quỹ đất Công ty CP Công nghệ cao Trung Anh đề nghị cấp có thẩm quyền giao là trên 10ha tại 2 tổ dân phố: Nhị Hòa và Tân Thành của phường Đồng Bẩm. Qũy đất doanh nghiệp đề xuất thực hiện Dự án Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm trên 5ha trụ sở Nhà máy chế biến sắn của Công ty CP Sơn Lâm bị cơ quan chức năng thu hồi do gây ô nhiễm môi trường và một số quỹ đất công do chính quyền địa phương quản lý; đất ở, đất nông nghiệp của một số hộ dân liền kề. Giai đoạn 1, Công ty CP Công nghệ cao Trung Anh đã triển khai Dự án ngay trên phần đất cơ quan chức năng thu hồi của Nhà máy chế biến sắn.

Theo tìm hiểu của PV, gian đoạn đầu thực hiện Dự án Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Công ty này sản xuất thử nghiệm hoa lan trong nhà kính; trồng dưa chất lượng cao trong nhà lưới và bước đầu đem lại hiệu kinh tế khi xuất bán trên 30 nghìn gốc hoa lan các loại, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.

Qua một số lần kiểm tra của cơ quan chức năng, đại diện theo pháp luật của Công ty cho biết đã đầu tư trên 15 tỷ đồng để thực hiện một số hạng mục, như: Cải tạo đất, làm nhà xưởng để phục vụ sản xuất…

Tuy nhiên, đến nay khu vực dự án này vẫn hoang tàn, vắng lặng. Cổng vào đóng kín, điểm trực của bảo vệ không có người, không có công nhân làm việc. Một số khu đất bên trong Dự án cỏ dại mọc um tùm, số tít khu đất mới trồng ngô.

Ngoài quỹ đất trên 5ha nhận chuyển giao từ Nhà máy chế biến sắn, doanh nghiệp này cũng không phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền phường Đồng Bẩm đền bù, giải phóng thêm mặt bằng để triển khai Dự án như đã đề xuất.

Hà Nội: Xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai trên địa bàn

Sáng 8/4, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã tổ chức kỳ họp thứ 4. Đây là kỳ họp chuyên đề đầu tiên của năm 2022 và nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND TP để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, HĐND TP cũng xem xét và quyết định các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Đây là nội dung rất quan trọng, vấn đề lớn, khó, có tính lịch sử, tồn tại qua nhiều giai đoạn, trong bối cảnh các quy định pháp luật có sự thay đổi qua từng thời kỳ... , Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo UBND TP kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.

"Trên cơ sở đó, UBND TP phối hợp Thường trực HĐND TP chuẩn bị hồ sơ để trình HĐND TP ban hành Nghị quyết chuyên đề về các biện pháp đẩy nhanh tiến độ, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai" - ông Tuấn cho hay.

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo về các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn.

Theo báo cáo, đối với các dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện rà soát, kiểm tra đối với 135 dự án.

Với các dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra đối với 404 dự án.

Kết quả cho thấy: 96 dự án với diện tích 290,9 ha đất, sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các vi phạm pháp luật đất đai, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, sử dụng đất có vi phạm; 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất, kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.

TP.HCM dự kiến khoảng 38.000 căn nhà sẽ được cấp sổ hồng trong năm 2022

Văn phòng UBND TP. HCM đã tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 và kết quả kỳ họp thứ 5 của HĐND thành phố khóa X.

Tin bất động sản ngày 9/4: Tập đoàn TNG  đề xuất đầu tư dự án khu đô thị 55 ha tại tỉnh Lâm Đồng
TP.HCM dự kiến khoảng 38.000 căn nhà sẽ được cấp sổ hồng trong năm 2022/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tại kỳ họp quan trọng này, HĐND TP. HCM đã thông qua 12 nghị quyết quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân TP. HCM trong nhiều năm tới.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, ông Nguyễn Toàn Thắng, trong giai đoạn 2021 – 2022, TP. HCM dự kiến cấp giấy chứng nhận cho khoảng 37.000 – 38.000 căn nhà, trong đó có nhà chung cư và nhà ở thấp tầng. Bình quân, mỗi năm khoảng 18.000 – 19.000 giấy chứng nhận sẽ được cấp cho các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.

Thống kê cho thấy, từ ngày 1/1 – 2/3/2022, sở này đã cấp trên 3.500 giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở đủ điều kiện.

Đối với hồ sơ thẩm định giá đất, từ ngày 1/1/2022, Sở đã nhận được 163 hồ sơ để triển khai công tác thẩm định, trong đó có cả các hồ sơ thẩm định của dự án điều chỉnh quy hoạch. Đến thời điểm này, 16 hồ sơ đã được hội đồng thông qua, 73 hồ sơ bị trả về do chưa hợp lệ, 44 hồ sơ đang đấu thầu có tư vấn, 25 hồ sơ buộc phải đấu thầu lần 2 theo quy định và 5 hồ sơ mới.

Về giải pháp ổn định thị trường bất động sản, theo Phó giám đốc Sở Xây dựng, ông Huỳnh Thanh Khiết, hiện nay có hai vấn đề vướng mắc ở các dự án nhà ở xã hội. Đó là việc bồi thường giải phóng mặt bằng; cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay, chính sách cho vay đối với các đối tượng thu nhập thấp, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn phức tạp.

Theo đại diện Sở Xây dựng, hiện nay TP. HCM có 41 dự án phát triển nhà ở, trong đó có dành quỹ đất cho 26 dự án xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị định 188, Nghị định 100 với tổng diện tích 96ha.

Ngoài ra, 16 dự án theo yêu cầu TP. HCM cũng dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tính đến nay, TP. HCM có tổng trên 110ha xây dựng nhà ở xã hội tương đương khoảng 70.000 căn hộ.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/H)