Tin bất động sản ngày 4/6: Huyện Mê Linh đấu giá 17 lô đất, giá trúng cao nhất 85 triệu đồng/m2

11:00 | 04/06/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt Công ty CP Thanh Tâm 150 triệu đồng vì chuyển đất rừng sang đất kinh doanh; Đồng Nai triển khai 7 dự án nhà ở xã hội; Hà Nội siết chặt quản lý hơn 1.200 biệt thự xây dựng trước năm 1954...

Tin bất động sản ngày 3/6: Bộ Xây dựng thông tin về đề xuất thời hạn sở hữu chung cư từ 50 - 70 nămTin bất động sản ngày 3/6: Bộ Xây dựng thông tin về đề xuất thời hạn sở hữu chung cư từ 50 - 70 năm

Tin bất động sản ngày 2/6: Yêu cầu giải quyết nhiều vụ khiếu kiện, tranh chấp chung cưTin bất động sản ngày 2/6: Yêu cầu giải quyết nhiều vụ khiếu kiện, tranh chấp chung cư

Huyện Mê Linh đấu giá 17 lô đất, giá trúng cao nhất 85 triệu đồng/m2

Sáng 3/6, 17 lô đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh đã được mang ra đấu giá. Cụ thể, 9 lô đất ký hiệu từ 01 - 09, có diện tích từ 95,6 - 129,7m2, giá khởi điểm 35,2 triệu đồng/m2, số tiền đặt cọc là 650 triệu đồng/lô; 8 lô đất ký hiệu 10 - 17, có diện tích từ 87,8 - 145m2, giá khởi điểm 27,1 triệu đồng/m2, số tiền đặt cọc là 450 triệu đồng/lô.

Tin bất động sản ngày 4/6: Huyện Mê Linh đấu giá 17 lô đất, giá trúng cao nhất 85 triệu đồng/m2
Huyện Mê Linh đấu giá 17 lô đất, giá trúng cao nhất 85 triệu đồng/m2/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Kết quả đấu giá, lô 01 có diện tích 129,7m2 nằm ở vị trí lô góc có mức giá trúng cao nhất 85,5 triệu đồng/m2, tương đương gần 11,1 tỷ đồng. Lô đất 02, có diện tích 95,6m2, giá trúng là 75,5 triệu đồng/m2, tương đương hơn 7,22 tỷ đồng.

Một số nhà đầu tư mua được đất sát giá so với giá khởi điểm. Cụ thể, lô 10 có diện tích 126,5m2, giá trúng 28,6 triệu đồng/m2, tương đương hơn 3,6 tỷ đồng, chênh khoảng 190 triệu đồng. Lô 14 có diện tích 88m2, giá trúng 33,7 triệu đồng/m2, tương đương gần 2,97 tỷ đồng, chênh 580 triệu đồng.

Được biết, tổng diện tích khu đất được mang ra đấu giá là gần 1.860m2, tổng giá khởi điểm là 58,96 tỷ đồng, tổng giá trúng là 98,36 tỷ đồng, chênh 39,4 tỷ đồng.

Lý giải về sức hút của đất đấu giá, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, đất đấu giá có nhiều lợi thế hơn so với đất nền mua của người dân hoặc chủ đầu tư bởi, các khu đất được đem ra đấu giá đều có quy hoạch rõ ràng. Hơn nữa, đất đấu giá thường nằm ở các vị trí đắc địa, có giao thông thuận lợi và gần trường học, bệnh viện. Đặc biệt, việc ban tổ chức sẽ lo hết các thủ tục sang tên, nhà đầu tư chỉ cần nộp phí chuyển cũng là điểm mạnh khi quy trình làm sổ hồng hiện nay của Việt Nam vẫn còn phức tạp.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Xử phạt Công ty CP Thanh Tâm 150 triệu đồng vì chuyển đất rừng sang đất kinh doanh

Công ty CP Thanh Tâm bị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt hành chính số tiền 150 triệu đồng vì đã chuyển đất rừng phòng hộ là rừng trồng, sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Theo đó, Công ty CP Thanh Tâm đã có hành vi chuyển đất rừng thành đất sản xuất vật liệu xây dựng từ năm 2015, đến tháng 5/2022 UBND thị xã Phú Mỹ mới lập biên bản vi phạm. Tổng diện tích đất rừng mà Công ty Thanh Tâm đã chuyển đổi là hơn 3 ha.

Ngoài xử phạt hành chính số tiền 150 triệu đồng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu buộc Công ty CP Thanh Tâm khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là hơn 310 triệu đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định xử phạt 3 công ty xây dựng nhiều công trình lớn nhưng không xin giấy phép. Mỗi công ty bị phạt 130 triệu đồng. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh, mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do các công ty trên chi trả.

Theo đó, Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản Thương mại Biển Sáng bị xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng vì có hành vi vi phạm: tổ chức thi công xây dựng các hạng mục công trình tại Phân khu II, Dự án Khu du lịch Biển Sáng - Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) mà không có giấy phép xây dựng.

Công ty cổ phần điện lạnh Hòa Phát Phú Mỹ đã thực hiện hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình Nhà máy sản xuất tủ đông, tủ mát tại Lô B3, đường D9, Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng không có giấy phép xây dựng.

Công ty cổ phần sản xuất Container Hòa Phát đã thực hiện hành vi vi phạm tổ chức thi công xây dựng công trình Nhà máy sản xuất Container chở hàng khô theo tiêu chuẩn Quốc tế tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.

Đồng Nai triển khai 7 dự án nhà ở xã hội

Tại cuộc họp mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết hiện có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được triển khai thực hiện với tổng số lượng gần 8 ngàn căn. Trong đó có 6 dự án đang tiến hành xây dựng và đa số tập trung ở TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành.

Ngoài ra các địa phương cũng chuẩn bị 10 khu đất với tổng diện tích hơn 30 ha để đưa ra đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư nhằm thực hiện xây dựng dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Đồng thời tiến hành rà soát những dự án có diện tích đất lớn, yêu cầu phải dành ra 20% quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội và đề nghị nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, giao đất cho các huyện, thành phố đầu tư dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Căn cứ tình hình thực tế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã chỉ đạo sở và ngành phối hợp với các địa phương nhanh chóng hoàn thành mọi thủ tục để tiến hành đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Đối với địa phương có công nghiệp phát triển, đông công nhân thì nên cố gắng sớm khởi công 2-3 dự án nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt về nhà ở cho người dân. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu nhà ở xã hội kiểu chung cư cao tầng để tăng số căn hộ bán và cho thuê đối với người thu nhập thấp trong tỉnh.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, tại buổi làm việc với các sở, ngành về quy hoạch dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 được tổ chức mới đây, địa phương dự kiến từ nay đến 2025 sẽ hoàn thành 2,5 ngàn căn nhà ở xã hội có diện tích sàn khoảng 200 ngàn m2 với vốn đầu tư hơn 2,5 ngàn tỷ đồng.

Để những dự án nhà ở xã hội triển khai đúng kế hoạch, các sở, ngành nhấn mạnh: trong quy hoạch đô thị phải xác định cụ thể diện tích đất phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là đất xây dựng nhà ở xã hội. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ chủ đầu tư nhà ở thương mại dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội.

Trường hợp chủ đầu tư không triển khai dự án hoặc triển khai chậm so với tiến độ được phê duyệt thì thực hiện thu hồi dự án và giao cho những nhà đầu tư có năng lực đầu tư, tránh lãng phí quỹ đất. Chọn các quỹ đất công phù hợp quy hoạch nhà ở xã hội tiến hành đấu thầu, hoặc đấu giá đất triển khai dự án. Nguồn vốn đầu tư dự án là từ quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, cá nhân…

Hà Nội siết chặt quản lý hơn 1.200 biệt thự xây dựng trước năm 1954

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1845/QĐ-UBND về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Tin bất động sản ngày 4/6: Huyện Mê Linh đấu giá 17 lô đất, giá trúng cao nhất 85 triệu đồng/m2
Hà Nội siết chặt quản lý hơn 1.200 biệt thự xây dựng trước năm 1954/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Quyết định này gồm danh mục 1.216 nhà biệt thự cũ, được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; Nhóm 2 có 356 biệt thự và Nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Với 638 biệt thự xếp Nhóm 3, quận Hoàn Kiếm có 237 biệt thự; quận Ba Đình có 216 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 166 biệt thự; quận Đống Đa có 13 biệt thự; quận Tây Hồ có 6 biệt thự.

Theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.

Trường hợp biệt thự Nhóm 1 và Nhóm 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND thành phố và HĐND thành phố (đối với biệt thự Nhóm 1).

Đối với biệt thự Nhóm 2, cho phép phá dỡ, xây dựng lại theo kiểu dáng kiến trúc, quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng, số tầng, độ cao).

Trường hợp biệt thự Nhóm 3 bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng, UBND quận kiểm tra, báo cáo UBND thành phố cho phép mới được phá dỡ nhà biệt thự.

Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt...

Thời gian vừa qua, việc quản lý biệt thự cũ trên địa bàn Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến có rất nhiều tình huống phát sinh, nảy sinh trong đời sống nhân dân, dẫn tới nhiều phức tạp trong giải quyết của các cơ quan chức năng.

Có thể thấy, trong thực tế là vẫn còn nhiều vụ vi phạm trật tự xây dựng, sửa chữa không có giấy phép, không đúng quy cách, người dân tự cơi nới, lắp thêm “chuồng cọp”, tranh chấp ranh giới, tranh chấp quyền sử dụng giữa các chủ sở hữu và người mua đi bán lại...

UBND thành phố Hà Nội mong muốn việc ban hành quyết định lần này để tăng cường và siết chặt việc quản lý, giúp cơ quan chức năng, cán bộ cơ sở dễ thực thi nhiệm vụ.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto