Tin bất động sản ngày 31/8: Quận Long Biên (Hà Nội) sắp đấu giá 27 thửa đất

10:15 | 31/08/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Lộ diện hai dự án nhà ở xã hội hơn 2.600 tỷ sắp đầu tư tại Lào Cai; TP HCM sắp có trung tâm thương mại ngầm ở khu vực bến Bạch Đằng; Công ty Him Lam xin chuyển gần 3.800 căn hộ thành nhà ở xã hội… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 30/8: Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự ánTin bất động sản ngày 30/8: Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án
Tin bất động sản ngày 29/8: Thu hồi nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai tại Tây NinhTin bất động sản ngày 29/8: Thu hồi nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai tại Tây Ninh

Hà Nội: Quận Long Biên sắp đấu giá 27 thửa đất, tổng giá khởi điểm 309,8 tỷ đồng

UBND TP Hà Nội vừa ra thông báo về việc lựa chọn Tổ chức đấu giá tài sản thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất các ô đất trên địa bàn các phường Long Biên, Thượng Thanh, quận Long Biên.

Tin bất động sản ngày 31/8: Quận Long Biên (Hà Nội) sắp đấu giá 27 thửa đất
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, tài sản được đấu giá là 27 thửa đất tại ô đất TT5A-2 thuộc ô quy hoạch TT5 dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Long Biên, quận Long Biên, có diện tích 3.131 m2, tổng giá khởi điểm 309,8 tỷ đồng.

Trong đó, các thửa đất tiếp giáp đường và vỉa hè 21,25m, mật độ xây dựng từ 78% đến 79%, diện tích từ 115,9-120,7 m2 trên đường Cổ Linh (đoạn từ Chân đê Sông Hồng đến Thạch Bàn có giá khởi điểm 116,1 triệu đồng/m2.

Các thửa đất tiếp giáp đường và vỉa hè 21,25m, mật độ xây dựng 59,2%, diện tích từ 117,7-256,6 m2 có giá khởi điểm 108,2 triệu đồng/m2 – 113,9 triệu đồng/m2.

Các thửa đất tiếp giáp đường và vỉa hè 11,5m, mật độ xây dựng từ 71,9% đến 72,1%, diện tích từ 90,1 - 90,4 m2 có giá khởi điểm 88,2 triệu đồng/m2.

Các thửa đất tiếp giáp đường và vỉa hè 11,5m, mật độ xây dựng từ 51,7% đến 52,8%, diện tích từ 135,3 - 174,7 m2 có giá khởi điểm 84 triệu đồng/m2.

Thửa đất LKS5-04 Tổ 21 phường Thượng Thanh (thuộc ô quy hoạch B.4/LX2) có giá khởi điểm 59,3 triệu đồng/m2.

UBND TP Hà Nội cho biết, tổ chức đấu giá tài sản phải có đầy đủ các tiêu chí theo quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17/11/2016 và các tiêu chí quy định tại Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 và Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022, các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Long Biên quy định.

Lộ diện hai dự án nhà ở xã hội hơn 2.600 tỷ sắp đầu tư tại Lào Cai

UBND tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hai dự án nhà ở xã hội trị giá hơn 2.600 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 28/8, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà ở xã hội khu bờ tả sông Hồng ở thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai.

Dự án đầu tiên tên là "Dự án Nhà ở xã hội khu bờ tả sông Hồng" nằm tại thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai. Diện tích đất của dự án là 1,66ha và quy mô bao gồm 4 khối nhà cao 12 tầng, tương đương 745 căn hộ, phục vụ cho khoảng 1.863 người. Tổng vốn đầu tư dự kiến là gần 600 tỷ đồng. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành sau 3 năm kể từ ngày chọn nhà đầu tư và sẽ được khai thác trong thời gian không quá 47 năm.

Dự án thứ hai có tên "Dự án Nhà ở xã hội tại Khu dân cư giáp đường B6 kéo dài" tọa lạc tại phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai. Dự kiến diện tích đất của dự án là 4,23ha. Dự án này sẽ bao gồm 4 khối nhà cao tối đa 25 tầng, với tổng cộng khoảng 2.192 căn hộ. Trong đó, 3 khối nhà cao 25 tầng sẽ không có tầng hầm, với diện tích xây dựng khoảng 6.146m2, cung cấp khoảng 1.382 căn hộ; còn lại một khối nhà cao 25 tầng sẽ có 1 tầng hầm, diện tích xây dựng khoảng 3.004m2, dự kiến cung cấp khoảng 810 căn hộ. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là trên 2.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ được triển khai trong vòng 5 năm kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất hoặc thuê đất.

Cả hai dự án này sẽ chỉ được thực hiện khi vị trí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Tỉnh Lào Cai cũng có kế hoạch phát triển thêm 5 dự án nhà ở xã hội trong năm 2023 với tổng diện tích đất khoảng 14,22ha, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân thu nhập thấp trên địa bàn.

TP HCM sắp có trung tâm thương mại ngầm ở khu vực bến Bạch Đằng

Văn phòng UBND TP HCM mới đây đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trong đó đề cập đến việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 công viên bến Bạch Đằng (Quận 1) và chỉnh trang khu vực bờ sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm vượt sông Sài Gòn.

Theo đó, Chủ tịch thành phố đề nghị tổ công tác đầu tư nghiên cứu phát triển không gian đô thị khu vực trung tâm thành phố, định hướng phát triển về giao thông, bến bãi đậu xe, trung tâm thương mại ngầm, không gian ngầm. Tại công viên bến Bạch Đằng và tại các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, công viên 23/9, khu vực nhà ga Bến Thành, chợ Bến Thành.

Cơ quan đề xuất kế hoạch và hình thức kêu gọi đầu tư các hạng mục này, trình UBND TP HCM trong tháng 9/2023.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án cải tạo, chỉnh trang khu vực bờ sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm vượt sông Sài Gòn phía TP Thủ Đức.

Phương án này cần đảm bảo tương quan về kiến trúc cảnh quan khu vực 2 bên bờ sông Sài Gòn giữa quảng trường công viên bờ sông của Khu đô thị mới Thủ Thiêm và công viên bến Bạch Đằng.

Các đơn vị cùng cần nghiên cứu định hướng quy hoạch vị trí, chức năng các bến thủy dọc 2 bên bờ sông Sài Gòn (từ cầu Thủ Thiêm 1 đến cột cờ Thủ Ngữ).

Sau khi UBND TP HCM chấp thuận định hướng quy hoạch vị trí các bến thủy dọc 2 bên bờ sông, Sở GTVT làm việc với các doanh nghiệp và đơn vị liên quan để thỏa thuận việc sắp xếp, di dời các bến thủy phù hợp theo quy hoạch và chủ trương của thành phố, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp. Chậm nhất đến năm 2025 phải di dời đến các vị trí mới.

Công viên bến Bạch Đằng dài khoảng 1,3 km. Hiện có 6 bến thủy dọc bờ sông Sài Gòn phục vụ cho các hoạt động công vụ, vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy, tàu nhà hàng.

Công ty Him Lam xin chuyển gần 3.800 căn hộ thành nhà ở xã hội

TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc chuyển toàn bộ dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội.

Tin bất động sản ngày 31/8: Quận Long Biên (Hà Nội) sắp đấu giá 27 thửa đất
Công ty Him Lam xin chuyển gần 3.800 căn hộ thành nhà ở xã hội/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trước đó, Công ty CP Him Lam đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào năm 2018.

Dự án khu nhà ở xã hội, tái định cư và nhà ở thương mại Him Lam Phúc Lợi (khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi - Long Biên, Hà Nội) có diện tích sử dụng đất khoảng 134.418m2 (tương đương 13,44ha), quy mô xây dựng 5.724 căn hộ chung cư. Dự án có 1.944 căn nhà ở xã hội, 504 căn nhà tái định cư và khoảng 3.276 căn hộ nhà ở thương mại.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, tiến độ triển khai dự án khoảng 19 tháng.

Đến tháng 2/2020 UBND TP Hà Nội lại có Văn bản số 97 đồng ý chủ trương chuyển toàn bộ phần nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư trong dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội .

Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội có văn bản 1857 báo cáo UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty CP Him Lam nghiên cứu phương án chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư thành nhà ở xã hội.

Tháng 12/2021, Công ty CP Him Lam chính thức có Văn bản 213 đề nghị TP Hà Nội cho chuyển dự án khu nhà ở Him Lam Phúc Lợi thành dự án nhà ở xã hội.

Theo đó, gần 3.300 căn nhà ở thương mại, hơn 500 căn nhà ở tái định cư của dự án được đề xuất chuyển đổi thành nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu ở của người thu nhập thấp sống tại Hà Nội.

Công ty CP Him Lam cũng xin giữ lại 20% quỹ nhà dự án Him Lam Phúc Lợi để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư dự án theo nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ.

Trước đó, Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà tái định cư sang nhà ở xã hội phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, đồng thời bảo đảm khả năng đáp ứng về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực dự án.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)