Tin bất động sản ngày 31/7: Hà Nội xem xét ban hành nghị quyết về cải tạo phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ

10:15 | 31/07/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Lâm Đồng chuyển đổi gần 3.000m2 đất rừng để xây khu nghỉ dưỡng; Tập đoàn Hòa Phát có hơn 1.100 ha đất khu công nghiệp; Địa ốc Kim Thi muốn làm dự án trăm tỷ ở Quảng Ngãi… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 29/7: Hà Nội sắp có thêm dự án thấp tầng mới tại Thanh TrìTin bất động sản ngày 29/7: Hà Nội sắp có thêm dự án thấp tầng mới tại Thanh Trì
Tin bất động sản tuần qua: Bình Định kiểm tra, sẽ xử lý các dự án chậm tiến độTin bất động sản tuần qua: Bình Định kiểm tra, sẽ xử lý các dự án chậm tiến độ

Xem xét ban hành Nghị quyết về cải tạo phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ

Vừa qua, Thường trực HĐND TP Hà Nội, UBND thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị thống nhất nội dung kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tin bất động sản ngày 31/7: Hà Nội xem xét ban hành nghị quyết về cải tạo phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ
Hà Nội xem xét ban hành Nghị quyết về cải tạo phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Sau khi trao đổi, xem xét các đề xuất, Thường trực HĐND thành phố dự kiến thời gian tổ chức kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 13) của HĐND TP Hà Nội vào trung tuần tháng 9.

Dự kiến, tại kỳ thứ 13, UBND TP Hà Nội sẽ đề xuất các nội dung để ban hành nghị quyết gồm: Nghị quyết của HĐND thành phố sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 23/7/2013 của HĐND thành phố về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội; Phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cấp thành phố...

Được biết, trong năm 2023, HĐND TP Hà Nội dự kiến xây dựng và ban hành 31 nghị quyết quy phạm pháp luật và 18 nghị quyết cá biệt. Đến nay, sau 2 kỳ họp (kỳ họp thứ 11 và kỳ họp thứ 12), HĐND TP Hà Nội đã thông qua 15/31 nghị quyết quy phạm pháp luật và 7/18 nghị quyết cá biệt.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan, đơn vị về nội dung cho kỳ họp chuyên đề của HĐND thành phố trong kỳ họp tới. Theo đánh giá của ông Tuấn, các nội dung được đưa ra xem xét, thảo luận tại kỳ họp chuyên đề rất tốt, sát thực tiễn, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP Hà Nội sớm hoàn thiện các nội dung kỳ họp để gửi HĐND thành phố. Trong trường hợp có các nội dung phát sinh, cần khẩn trương bổ sung để kịp thời đề xuất đưa ra xem xét tại Kỳ họp.

Lâm Đồng chuyển đổi gần 3.000m2 đất rừng để xây khu nghỉ dưỡng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký văn bản về việc chấp thuận chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng khách sạn - resort Lạc Hồng tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt.

Cụ thể, 2.860m2 đất rừng trồng thông ba lá tại tiểu khu 162A, phường 4, TP Đà Lạt được chuyển đổi sang mục đích khác để triển khai dự án Khu nghỉ dưỡng khách sạn - resort Lạc Hồng do Công ty cổ phần du lịch sinh thái Lạc Nam làm chủ đầu tư tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ, thủ tục tận dụng lâm sản, giải phóng mặt bằng tiếp tục xây dựng dự án. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện tận dụng lâm sản; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh việc trồng rừng thay thế diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Giao Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định giá trị lâm sản bồi thường để yêu cầu chủ đầu tư nộp tiền bồi thường giá trị lâm sản vào ngân sách nhà nước.

Theo Quyết định điều chỉnh đầu tư ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án Khu nghỉ dưỡng khách sạn - resort Lạc Hồng có diện tích quy hoạch 11,31ha, gồm 1.315 m2 xây dựng nhà hội thảo - khách sạn; 18 villa các loại; 898 m2 xây dựng công trình dịch vụ công cộng. Còn lại là 11.168 m2 công trình không có mái che và lên tới 96.839 m2 cây xanh, tương đương mật độ xây dựng đối với công trình có mái che chỉ ở 4,5%.

Trong khi đó, Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm được Thủ tướng công nhận là khu du lịch quốc gia đầu tiên của cả nước vào năm 2017. Khu du lịch có tổng diện tích quy hoạch hơn 29.000 ha, nằm trên địa bàn phường 3 và 4, TP Đà Lạt và một phần huyện Đức Trọng. Hơn 10 doanh nghiệp đã đầu tư với các loại hình tham quan dã ngoại, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, thể thao mạo hiểm, du lịch tâm linh...

Tập đoàn Hòa Phát có hơn 1.100 ha đất khu công nghiệp

Tập đoàn Hòa Phát được xem như một "ông vua tiền mặt" trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ.

Mặc dù đang là doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực sản xuất thép, nhưng Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long vẫn bày tỏ mong muốn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và đặt mục tiêu trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.

Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, tập đoàn không đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất thông qua mua bán, sáp nhập dự án như thị trường vẫn làm.

“Chiến lược của Hòa Phát là tích cực đi các địa phương xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó phát triển dự án. Triển vọng của lĩnh vực bất động sản là tốt đẹp vì Hòa Phát làm từ gốc, không phải bỏ tiền mua dự án, không bị áp lực giá vốn", ông Long cho biết.

Được biết, lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát bao gồm xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN) và các dự án nhà ở, khu đô thị.

Theo kết quả kinh doanh mới nhất vừa công bố, Hòa Phát báo doanh thu quý II/2023 đạt 29.800 tỷ đồng, giảm 21%; lợi nhuận sau thuế là 1.448 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng cho biết tổng quỹ đất KCN được phê duyệt quy hoạch hiện nay là khoảng hơn 1.133 ha.

Hiện tại, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật tại 3 KCN, gồm KCN Phố Nối A (689 ha), KCN Yên Mỹ II giai đoạn 1 (97,5 ha) đều tại Hưng Yên và KCN Hòa Mạc - Hà Nam (131 ha). Thời gian tới, doanh nghiệp này cho biết sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với các dự án bất động sản khu đô thị, đồng thời triển khai mở rộng Khu công nghiệp Yên Mỹ II với diện tích quy hoạch 216 ha.

Kế hoạch trong vòng 10 năm tới, Hòa Phát sẽ vừa triển khai những KCN đang có, vừa mua lại hoặc xin mới để mở rộng 4-6 khu nữa. Đến năm 2030 sẽ có 10 KCN, bao gồm cả các KCN đang có.

Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Hòa Phát sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300 -500 ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Các dự án bất động sản nhà ở - khu đô thị đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.

Địa ốc Kim Thi muốn làm dự án trăm tỷ ở Quảng Ngãi

Theo biên bản mở hồ sơ đăng ký vừa được Sở KH&ĐT Quảng Ngãi công bố, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Quảng Ngãi và Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Thi cùng quan tâm nộp hồ sơ thực hiện Dự án Khu dân cư Vinh Hòa, phường Phổ Hòa, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Tin bất động sản ngày 31/7: Hà Nội xem xét ban hành nghị quyết về cải tạo phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Dự án được thực hiện trên khu đất có diện tích hơn 7,7 ha với tổng mức đầu tư hơn 177 tỷ đồng (tổng chi phí thực hiện hơn 161 tỷ đồng; chi phí bồi thường, tái định cư hơn 16 tỷ đồng. Dự án với 49 căn nhà ở thương mại, 204 lô đất ở liên kế bán nền, còn lại là đất thương mại dịch vụ, đất giáo dục và công trình hạ tầng kỹ thuật… Thời hạn hoạt động của dự án 49 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Trong số 2 doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án trên thì Địa ốc Kim Thi là cái tên khá quen mặt trong thời gian gần đây khi liên tiếp "đặt chỗ" tại nhiều dự án lớn với tổng mức đầu tư lên đến 3.179 tỷ đồng.

Cụ thể, từ tháng 3/2023 đến nay, Địa ốc Kim Thi đã đăng ký thực hiện các dự án gồm: Khu dân cư và dịch vụ công cộng Thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa (diện tích 10,81 ha, vốn đầu tư 604,6 tỷ đồng); dự án Chỉnh trang đô thị hạ tầng dân cư tổ dân phố 7, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh (diện tích hơn 4,5ha, với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng); dự án khu dân cư Kha Sơn tại Thái Nguyên (quy mô 15,4ha, chi phí thực hiện 207,7 tỷ đồng); Dự án phát triển nhà ở khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu xã Hà Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (tổng mức đầu tư gần 105 tỷ đồng; quy mô 6,6ha); dự án Khu đô thị tại thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (vốn đầu tư 889,3 tỷ đồng, quy mô 10,9ha); dự án Khu đô thị sinh thái ven sông phía Tây Bắc đường Lê Lợi, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình (quy mô 30,5ha, vốn đầu tư 812 tỷ đồng); dự án Nhà ở xã hội khu quy hoạch 5B - CC5, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (mức đầu tư 511 tỷ đồng, quy mô 20.950m2).

Địa ốc Kim Thi được thành lập từ năm 2014, trụ sở đặt tại tỉnh Nghệ An. Cập nhật ở lần thay đổi gần nhất (ngày 21/2/2023), Kim Thi có số vốn điều lệ 310 tỷ đồng. Giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Kim Hoa, còn Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Đình Dũng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)