Tin bất động sản ngày 22/11: Năm 2023, thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản tại 7 tỉnh, thành phố

10:30 | 22/11/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Xem xét thu hồi quyết định gia hạn sử dụng đất dự án 30 triệu USD của Benthanh Group; Đề xuất hơn 30.000 tỷ đồng mở rộng sân bay Đà Nẵng; Thủ tướng chỉ đạo phát triển bất động sản phải lùi xa khu trung tâm Đà Lạt… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 21/11: Bình Định tìm nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 5.000 tỷ đồngTin bất động sản ngày 21/11: Bình Định tìm nhà đầu tư dự án khu đô thị hơn 5.000 tỷ đồng
Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Thanh tra toàn diện dự án khu chức năng đô thị Ao SàoTin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Thanh tra toàn diện dự án khu chức năng đô thị Ao Sào

Năm 2023, thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản tại 7 tỉnh, thành phố

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2023 và giao Chánh Thanh tra Bộ tổ chức triển khai, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra và pháp luật khác có liên quan, định kỳ báo cáo Bộ trưởng theo quy định.

Tin bất động sản ngày 22/11: Năm 2023, thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản tại 7 tỉnh, thành phố
Năm 2023, thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản tại 7 tỉnh, thành phố/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, trong năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra công tác quản lý hoạt động xây dựng tại một số dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng do bộ (ngành), địa phương và tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư.

Cụ thể, 3 ban quản lý dự án nằm trong danh sách thanh tra năm 2023 của Bộ Xây dựng gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ninh; Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Bộ Giao thông Vận tải; Ban Quản lý dự án 4 - Cục Đường bộ Việt Nam.

Thực hiện thanh tra công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng tại các địa phương, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra tại 3 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bình Phước.

Nội dung thanh tra gồm các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch được duyệt, hoạt động xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản tại 3 tỉnh trên. Đối tượng thanh tra là UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng cũng thanh tra chuyên đề đối với 7 tỉnh, thành phố về việc chấp hành quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh, thành phố trong hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Các tỉnh, thành nằm trong danh sách thanh tra trong năm 2023 của Bộ Xây dựng gồm: Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang.

Ngoài ra, về thanh tra hành chính, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý tài chính, phòng, chống tham nhũng và chấp hành các nhiệm vụ do Bộ trưởng giao tại Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia.

Xem xét thu hồi quyết định gia hạn sử dụng đất dự án 30 triệu USD của Benthanh Group

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành văn bản số 14644/UBND-VP về việc thu hồi, hủy bỏ quyết định cho phép Tổng Công ty Bến Thành - TNHH MTV (Benthanh Group) gia hạn sử dụng đất 24 tháng dự án Khu du lịch Bến Thành - Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Trước đó, ngày 27/9/2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định số 2702/QĐ-UBND cho phép Benthanh Group gia hạn sử dụng đất 24 tháng để tiếp tục thực hiện dự án Khu du lịch Bến Thành - Hồ Tràm.

Mới đây, ngày 13/10/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có Tờ trình số 7045/TTr-STNMT đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi, hủy bỏ quyết định nói trên.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa giao Sở TN&MT rà soát, bổ sung căn cứ quy định về thời điểm giãn tiến độ đầu tư và thời điểm tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với dự án Khu du lịch Bến Thành - Hồ Tràm.

Đồng thời, Sở TN&MT phải xác định tính pháp lý của thời điểm gia hạn, thời điểm thu hồi đất để đảm bảo đúng quy định Luật Đầu tư và Luật Đất đai; báo cáo UBND tỉnh trong tháng 11/2022.

Được biết, Khu du lịch Bến Thành - Hồ Tràm tọa lạc tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc do Benthanh Group làm chủ đầu tư. Dự án này quy mô hơn 166.000m2, với tổng số vốn đầu tư là 30 triệu USD. Dự án có nhiều loại hình sản phẩm như Biệt thự, khách sạn, bungalow, trung tâm hội nghị…

Được biết, dự án này được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho Benthanh Group thuê đất vào tháng 12/2003. Đến năm 2011, chủ đầu tư mới tổ chức lễ động thổ. Qua nhiều năm kể từ khi nhận bàn giao đất thực địa, Benthanh Group vẫn không hoàn thiện dự án. Từ đề nghị của doanh nghiệp này, tháng 9/2018 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định gia hạn thời gian sử dụng đất thêm 24 tháng.

Theo quyết định gia hạn, nếu hết thời hạn được gia hạn mà Benthanh Group vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản trên đất.

Đề xuất hơn 30.000 tỷ đồng mở rộng sân bay Đà Nẵng

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị thẩm định, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, UBND TP Đà Nẵng tính toán cả chi phí quản lý dự án, giải phóng mặt bằng, dự phòng, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho việc nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là hơn 30.000 tỷ đồng. Việc huy động vốn sẽ chia làm 3 giai đoạn trên cơ sở nhu cầu sử dụng của cảng hàng không và tiến độ xây dựng của từng hạng mục công trình, việc huy động vốn đầu tư trong khuôn khổ của đồ án quy hoạch.

Giai đoạn từ 2021-2025, nhu cầu vốn là hơn 6.600 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2025 đến năm 2030 là hơn 9.400 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là gần 8.000 tỷ đồng. Các chi phí khác gồm chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí dự phòng, kinh phí giải phóng mặt bằng lần lượt là 3.600 tỷ đồng, 2.400 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng.

Sau khi điều chỉnh quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ là sân bay cấp 4E (theo quy định của ICAO) và sân bay quân sự cấp 1, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 25 triệu hành khách/năm đến năm 2030, đạt 30 triệu hành khách/năm đến năm 2050.

Sản lượng vận chuyển hàng hóa của Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng là 200.000 tấn/năm với 92 vị trí sân đỗ máy bay. Để đạt các mục tiêu quy hoạch nói trên trong thời kỳ sau 2030, sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ xây dựng mới đường cất hạ cánh.

Đối với sân đỗ máy bay, trong thời kỳ 2021-2030, UBND TP Đà Nẵng đề xuất mở rộng sân đỗ tàu bay về phía đông đạt 73 vị trí và giai đoạn sau 2030 sẽ xây dựng mới sân đỗ phía tây với 19 vị trí đỗ.

Về nhà ga hành khách, thời kỳ 2021-2030, UBND TP Đà Nẵng đề xuất mở rộng nhà ga T1 về phía đông nam sân bay; giữ nguyên nhà ga T2 hiện hữu khai thác quốc tế (2 nhà ga sẽ được kết nối với nhau bởi cầu nối dài 170m).

Thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga quốc nội T3 về phía đông nam đạt công suất 15 triệu hành khách/năm, diện tích xây dựng nhà ga là 9.475m2, 2 cao trình và cải tạo nhà ga T1 kết hợp nhà ga T2 khai thác quốc tế.

Trong giai đoạn 2021-2022, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị xây dựng nhà ga hàng hóa phía đông; thời kỳ sau năm 2030 sẽ xây dựng nhà ga hàng hóa phía tây kết hợp với khu logistic hàng không...

Thủ tướng chỉ đạo phát triển bất động sản phải lùi xa khu trung tâm Đà Lạt

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Tin bất động sản ngày 22/11: Năm 2023, thanh tra hoạt động kinh doanh bất động sản tại 7 tỉnh, thành phố
Thủ tướng chỉ đạo phát triển bất động sản phải lùi xa khu trung tâm Đà Lạt/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Thủ tướng, Lâm Đồng có nhiều di sản văn hóa như cồng chiêng, mộc bản triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang…, cần phải hết sức coi trọng. Thủ tướng cũng rất ấn tượng với cảnh quan khí hậu, môi trường xanh, sạch đẹp của Đà Lạt, thành phố Festival Hoa.

“Phải giữ cho bằng được cảnh quan đẹp ở khu trung tâm Đà Lạt. Nếu muốn phát triển bất động sản phải lùi sâu lùi xa. Quanh hồ Xuân Hương hiện có những vị trí xây dựng phá vỡ cảnh quan, cần phải xem lại”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng nhấn mạnh, Lâm Đồng cần giữ gìn tôn tạo các kiến trúc độc đáo, di tích lịch sử ở TP Đà Lạt; xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Với tiềm năng khác biệt, những lợi thế có sẵn, Lâm Đồng có lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh Tây nguyên, do đó, phải là động lực phát triển của vùng này. Lâm Đồng phải tập trung vào phát triển du lịch, dịch vụ, văn hóa, trở thành cực tăng trưởng, chứ không thể phát triển sau các tỉnh khác của Tây Nguyên.

Lâm Đồng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho cả nước học tập. Trong tương lai, tỉnh cần phát triển công nghiệp giải trí, công nghiệp sản xuất hoa…

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nội lực phấn đấu về kinh tế quyết liệt trọng tâm trọng điểm; biểu dương, ghi nhận những thành tích mà Lâm Đồng đã đạt được trong năm nay. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tỉnh còn một số hạn chế trong việc kết nối vùng, công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng...

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, dư địa phát triển của Lâm Đồng còn nhiều, nhưng chưa khai thác hết. Kết cấu hạ tầng là điểm nghẽn, cản trở phát triển, chưa kết nối tốt với các địa phương, vùng xung quanh; các nguồn lực đầu tư chưa được tập trung thỏa đáng.

Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng, Lâm Đồng cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế ban đêm; khẩn trương lập quy hoạch tỉnh, tạo ra các không gian phát triển mới.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto