Tin bất động sản ngày 11/12: Giá nhà ở Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cao

10:10 | 11/12/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nghệ An sắp có thêm khu sân golf và du lịch sinh thái quy mô hơn 2.300 tỷ đồng; Cần Thơ tìm chủ đầu tư 21 dự án phát triển đô thị quy mô hàng nghìn ha… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 9/12: Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự ánTin bất động sản ngày 9/12: Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án
Tin bất động sản tuần qua: Chung cư cũ ở Khánh Hòa xuống cấp nghiêm trọngTin bất động sản tuần qua: Chung cư cũ ở Khánh Hòa xuống cấp nghiêm trọng

Giá nhà ở Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cao

Một khảo sát về nhu cầu mua bất động sản tại Hà Nội được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng, One Mount Real Estate, đã tiến hành với 1.400 người vào tháng 9 và 10/2023. Kết quả chỉ ra rằng, 63% người tham gia khảo sát có nhu cầu và xem xét việc mua bất động sản, trong đó có tới 72% dự định mua nhà trong vòng 1-2 năm tới.

Tin bất động sản ngày 11/12: Giá nhà ở Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cao
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo các chuyên gia, nhu cầu nhà ở đang tăng mạnh do hai nguyên nhân chính: nguồn cung hạn chế trong khi dân số đô thị đang gia tăng không ngừng; và giá nhà liên tục tăng khiến người mua lo ngại về việc mua muộn sẽ gặp khó khăn hơn và phải trả giá cao hơn.

Ở phía Tây Hà Nội, giá nhà đã đạt mức cao mới. Giám đốc phát triển Kinh doanh của OneHousing, ông Trần Quang Trung cho biết, giá bán nhà ở khu vực này đã lên tới 100 triệu đồng/m2. Ông Trung nhấn mạnh rằng nguồn cung chính là yếu tố quyết định diễn biến giá nhà. Trong khoảng 2 năm gần đây, nguồn cung mới rất ít, chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt 1:500 và đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất mới có thể bắt đầu tiến hành.

Đồng thời, ông Trung cũng chia sẻ về xu hướng đặc biệt: trong năm 2023, theo thống kê của One Housing, có tới 58% khách hàng nước ngoài đã chọn mua bất động sản ở Hà Nội thay vì TP HCM. Lý do chính là sự chênh lệch giá căn hộ trung và cao cấp giữa hai thành phố, từ 30-40%. Cùng phân khúc giá 90-100 triệu đồng/m2 tại Hà Nội, giá căn hộ ở TP HCM lại cao hơn, ở mức 120-125 triệu đồng/m2.

Ông Trung dự đoán, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới cho các sản phẩm dành cho tầng lớp trung và thượng lưu. Người mua nhà sẽ dần quen với việc căn hộ có giá rất cao, vì ngày càng nhiều người muốn ở sang trọng và đẳng cấp hơn.

Ông cũng nhấn mạnh rằng thị trường có thể phục hồi vào năm 2024 và năm 2026 có thể là 'điểm rơi' khi mặt bằng giá mới được thiết lập. Hiện nay, lãi suất huy động rất thấp, điều này khiến người dân đầu tư vào bất động sản hơn vì lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn.

Điều chỉnh Luật Kinh doanh bất động sản cũng đang diễn ra để kiểm soát việc phân lô bán đất nền trong dân, làm cho nguồn cung đất sạch giảm đi và không còn hình thành các khu đô thị mới ở phía Tây Hà Nội. Điều này sẽ khiến cho những ngôi nhà có quỹ đất nhỏ không có được các tiện ích lớn và đồng bộ như công viên, trường học quốc tế hay hệ thống siêu thị và giao thông thuận tiện.

Với tình hình hiện tại, người mua nhà trong 1-2 năm tới sẽ sở hữu tài sản với mức giá mới, và những người muốn mua sau này sẽ phải trả giá cao hơn.

Cần Thơ tìm chủ đầu tư 21 dự án phát triển đô thị quy mô hàng nghìn ha

Tại hội nghị công bố quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư, lãnh đạo TP Cần Thơ đã giới thiệu về tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, dự án đầu tư vào địa phương

Theo UBND TP Cần Thơ , có 56 dự án thu hút đầu tư, địa phương này sẽ cần huy động vốn để đầu tư 5 dự án hạ tầng các khu công nghiệp, 8 dự án thương mại dịch vụ, 21 dự án phát triển đô thị, 7 dự án hạ tầng nông nghiệp, còn lại là các dự án thuộc lĩnh vực nước sạch, giáo dục, y tế, giao thông vận tải và văn hóa xã hội.

Một số dự án thu hút đầu tư tiêu biểu như: Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tại quận Bình Thủy và Cờ Đỏ, diện tích 250 ha;

Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2), tại xã Vĩnh Trịnh, huyện Vĩnh Thạnh, diện tích khoảng 600 ha; Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 2 tại xã Vĩnh Trịnh, huyện Vĩnh Thạnh, diện tích khoảng 519 ha; Dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn, tại xã Phước Thới, quận Ô Môn, diện tích 250 ha;

Đáng chú ý, trong hai năm tới, Cần Thơ cần nguồn vốn khá lớn để phát triển đô thị. Địa phương này hiện đã cấp phép đầu tư cho 21 dự án xây dựng các khu đô thị mới ở khắp các quận, huyện.

Trong đó có dự án khu đô thị mới xã Đông Thuận, huyện Thới Lai với diện tích dưới 300ha; dự án khu đô thị phường Phước Thới, quận Ô Môn với diện tích 100ha; dự án khu đô thị mới 2 bên đường Võ Văn Kiệt (khu 1), quận Bình Thủy diện tích khoảng 270ha; dự án khu đô thị mới 2 bên đường Võ Văn Kiệt (khu 2), quận Bình Thủy diện tích khoảng 249ha; Khu đô thị mới phường An Bình diện tích 216,03ha…

Đến nay, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của 32 địa phương. Cần Thơ là địa phương thứ 27 của cả nước và thứ 8 của Đồng bằng sông Cửu Long được phê duyệt Quy hoạch.

Nghệ An sắp có thêm khu sân golf và du lịch sinh thái quy mô hơn 2300 tỷ đồng

Ban Quản lý dự án khu vực Khu kinh tế Nghệ An chuẩn bị lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu khảo sát, lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu sân golf và du lịch sinh thái Hồ Xuân Dương tại xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu.

Gói thầu có giá 2,374 tỷ đồng sẽ đấu thầu rộng rãi trong quý I/2024; thời gian thực hiện hợp đồng là 9 tháng. Nguồn vốn thực hiện là từ ngân sách Tỉnh năm 2023, nguồn vốn xã hội hóa đã nộp thu ngân sách Tỉnh.

Trong quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050, tỉnh này đang phấn đấu 100% các khu du lịch có trung tâm vui chơi, giải trí địa phương, đồng thời tiến tới thu hút đầu tư xây dựng thêm 9 sân golf.

Theo đó, đối với giai đoạn 2021-2030, địa phương vẫn giữ và tiếp tục hoàn thành các dự án sân golf tại Nghệ An: Sân golf Mường Thanh, Diễn Châu (Mường Thanh, hoạt động 2019), sân golf Cửa Lò, Nghi Hương, TX Cửa Lò (2011) và sân golf FLC, Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc) và thêm 2 dự án sân golf mới: Khu sân golf Diễn Trung, Diễn Châu, khu sân golf và nghỉ dưỡng tại xã Quỳnh Trang (Tx. Hoàng Mai) và khu vui chơi giải trí Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu.

Còn đến giai đoạn 2030- 2050 bổ sung thêm khu sân golf: Nghi Yên, Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc và phấn đấu đến thời gian đó, 100% các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ có trung tâm vui chơi, giải trí.

Vì sao nhiều dự án tại Hà Tĩnh bị chậm tiến độ?

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa báo cáo kết quả thực hiện các nội dung chất vấn từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay. Trong đó có việc kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, chấn chỉnh và xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ kéo dài, không đủ năng lực triển khai.

Tin bất động sản ngày 11/12: Giá nhà ở Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cao
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Cụ thể, tính từ cuối năm 2021, Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát được 161 dự án; lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư và ra quyết định xử phạt đối với 72 dự án với tổng số tiền phạt 3.851,7 triệu đồng; thu hồi, chấm dứt hoạt động 29 dự án; chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện đối với 45 dự án; cho phép gia hạn tiến độ sử dụng đất đối với 32 dự án.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn thực hiện thủ tục tiếp theo đối với các dự án, đồng thời Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư tiếp tục triển khai hoàn thành các hồ sơ, thủ tục theo quy định.

Về xử lý nhóm 60 dự án vướng Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ, gồm: Đã chấm dứt hoạt động 03 dự án; UBND tỉnh đã chấp thuận điều chỉnh tiến độ để tiếp tục triển khai đối với 02 dự án; 17 dự án đã nộp hồ sơ điều chỉnh; Tiếp tục chỉ đạo đôn đốc các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục triển khai đối với 38 dự án còn lại.

Báo cáo nêu trên cũng cho biết, việc các dự án chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Trong đó có nguyên nhân kinh tế tăng trưởng chậm lại kèm lạm phát tăng cao cùng với chính sách thắt chặt tín dụng trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án đầu tư.

Ngoài ra còn có nguyên nhân, do các bất cập, chồng chéo vướng mắc giữa các quy định của pháp luật; năng lực một số nhà đầu tư hạn chế, đặc biệt là năng lực tài chính; ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà đầu tư chưa cao…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)