Tin bất động sản ngày 1/11: Khẩn trương di dời các cơ sở y tế, giáo dục đại học ra khỏi nội đô Hà Nội

10:35 | 01/11/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
TP HCM kiến nghị bổ sung 72.000 tỉ đồng phát triển giao thông; Hà Nội cưỡng chế thu hồi đất với 9 hộ dân để mở đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài; Quảng Nam tiếp tục thúc tiến độ dự án do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 31/10: 21 dự án đầu tư sai mục tiêu tại Bắc GiangTin bất động sản ngày 31/10: 21 dự án đầu tư sai mục tiêu tại Bắc Giang
Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Hà Nội công bố 8 dự án nhà ở người nước ngoài được sở hữuTin bất động sản nổi bật trong tuần qua: Hà Nội công bố 8 dự án nhà ở người nước ngoài được sở hữu

Khẩn trương di dời các cơ sở y tế, giáo dục đại học ra khỏi nội đô Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa có báo cáo một số nội dung về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực xây dựng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tin bất động sản ngày 1/11: Khẩn trương di dời các cơ sở y tế, giáo dục đại học ra nội đô Hà Nội
Khẩn trương di dời các cơ sở y tế, giáo dục đại học ra khỏi nội đô Hà Nội/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Liên quan đến việc di dời trụ sở Bộ ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể Trung ương) để xây dựng các phương án quy hoạch.

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, công tác di dời còn triển khai chậm do công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện công tác di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng (cơ chế chính sách, sử dụng quỹ đất sau khi di dời, hình thức huy động nguồn lực, phối hợp các cơ quan liên quan),

Các Bộ, ngành và thành phố Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).

Về giải pháp, theo Bộ trưởng, Bộ Xây dựng đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nội dung, trong đó, các Bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, xác định danh mục cơ sở cần phải di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Các Bộ Y tế, GD&ĐT, LĐTB&XH khẩn trương hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội, các tỉnh trong vùng Thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ di dời…

TP HCM kiến nghị bổ sung 72.000 tỉ đồng phát triển giao thông

Trong văn bản mới nhất, Sở GTVT TP HCM kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, tham mưu bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn Thành phố để thực hiện dự án giao thông đang và sắp triển khai.

Sở GTVT kiến nghị mức kinh phí 71.695 tỉ đồng để đầu tư 90 dự án gồm: 61 dự án giao thông bộ, 27 dự án giao thông thủy và 2 chương trình đầu tư.

Trước đây, UBND TP HCM đã phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030, dự kiến đầu tư khoảng 454 km, gồm các tuyến đường cao tốc, vành đai, quốc lộ, các tuyến giao thông trục chính, cầu lớn… Tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 266.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách hạn chế, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được TP HCM thông qua bố trí cho lĩnh vực giao thông là 52.744 tỉ đồng, đạt 19,8% so với tổng nhu cầu vốn, chưa đáp ứng để thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông.

Giai đoạn giai đoạn 2021-2025, TP HCM có nhu cầu 672.000 tỉ đồng để thực hiện đầu tư công. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương của TP HCM được Thủ tướng Chính phủ giao là 142.557 tỉ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu.

UBND TP HCM công bố, giai đoạn 2021-2025, số công trình, dự án chuyển tiếp, các công trình, dự án triển khai mới, các công trình, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 1.191 dự án được bố trí tổng số vốn là 67.853 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng 48% tổng số vốn trung hạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách Thành phố (142.557 tỉ đồng). Đến nay 298 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tính đến ngày 30/9, tổng vốn đã giải ngân của Thành phố là 10.379 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 27,3% tổng kế hoạch vốn được giao (37.996 tỉ đồng). Trong đó, vốn cân đối ngân sách Trung ương chỉ đạt tỉ lệ 3%, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 29%.

Hà Nội: Cưỡng chế thu hồi đất với 9 hộ dân để mở đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài

Theo UBND quận Đống Đa, liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ gia đình, cá nhân liên quan đến Dự án xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, UBND quận đã quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án và tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với toàn bộ 69/69 hộ dân và 16/16 tổ chức có đất thu hồi trong chỉ giới thực hiện dự án.

Tuy nhiên, đến nay còn 7 chủ sử dụng đất chưa ký biên bản bàn giao mặt bằng và 2 chủ sử dụng đất đã ký biên bản bàn giao mặt bằng nhưng chưa di chuyển tài sản, bàn giao mặt bằng.

Cũng theo UBND quận Đống Đa, căn cứ các quy định của pháp luật, Ban thực hiện cưỡng chế đã tiến hành vận động các chủ sử dụng đất nhận tiền và bàn giao mặt bằng vào các ngày 1, 6, 9 tháng 6 năm 2022. “Các chủ sử dụng đất không bàn giao mặt bằng”.

Theo đó, ngày 21/10/2022, UBND quận Đống Đa ký, ban hành Kế hoạch số 384 về việc tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất của UBND quận Đống Đa đối với các hộ gia đình trên địa bàn phường Láng Thượng. Thời gian thực hiện cưỡng chế từ 8h ngày 1/11/2022.

Theo thông tin từ quận Đống Đa, hộ dân chưa chấp hành bàn giao mặt bằng có các địa chỉ, số nhà cụ thể ở ngõ 10, ngõ 14 phố Pháo Đài Láng; ngõ 84 phố Chùa Láng.

Trước đó, UBND quận Đống Đa cũng đã thông tin trên báo chí trả lời đơn thư liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

UBND quận Đống Đa cho biết: Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt theo đúng trình tự quy định (Quyết định số 1769, ngày 10/5/1997 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/200 phường Láng Thượng, trong đó có chỉ giới tuyến đường, phạm vi thu hồi đất đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài) nên phản ánh của các hộ dân cho rằng quy hoạch tuyến đường bị điều chỉnh theo hướng lượn vào hai khu dân cư là không có căn cứ.

Bên cạnh đó, tại dự án trên, UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã bố trí quỹ nhà tái định cư với 108 căn hộ tại nhà CT2 khu X2 Đại Kim (quận Hoàng Mai), đủ điều kiện bố trí cho các hộ dân vào ở theo quy định.

Quảng Nam tiếp tục thúc tiến độ dự án do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Quang vừa ký văn bản yêu cầu phối hợp giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án do Công ty Cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư.

Tin bất động sản ngày 1/11: Khẩn trương di dời các cơ sở y tế, giáo dục đại học ra khỏi nội đô Hà Nội
Quảng Nam tiếp tục thúc tiến độ dự án do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư/Ảnh Khu Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Bách Đạt An khẩn trương, tích cực phối hợp với đơn vị, địa phương giải quyết các tồn tại, vướng mắc, phát sinh trong công tác bồi thường của các dự án. Nhất là tại các dự án Khu đô thị Bách Đạt, số 7B mở rộng, Hera Complex Riverside, Bách Thành Vinh, Bách Thành Vinh mở rộng.

Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu doanh nghiệp này, khẩn trương chuyển nguồn kinh phí cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã để kịp thời chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng được duyệt; sớm hoàn chỉnh thủ tục thu hồi đất, giao đất để triển khai các thủ tục tiếp theo.

Trước đó, trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Tỉnh tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 8 năm 2022, trả lời kiến nghị của người dân liên quan đến dự án Khu đô thị Bách Đạt, Khu đô thị số 7B mở rộng, Khu đô thị Hera Complex Riverside, tỉnh Quảng Nam cho biết, các dự án trên triển khai kéo dài là ngoài mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi đặt mua đất nền từ rất sớm, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng. Do đó, việc đảm bảo các điều kiện theo qui định pháp luật để được cấp Giấy chứng nhận kéo dài gây lo lắng cho người đã đặt mua.

Tỉnh Quảng Nam cho biết, sẽ chỉ đạo để Chủ đầu tư dự án tập trung thi công, sớm hoàn thành hạ tầng, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận cho người mua.

Được biết, các dự án do Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo; UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác để hỗ trợ giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)