Thủy điện A Vương - Hình mẫu trong vận hành hồ chứa và giảm lũ cho hạ du
Thị trường năng lượng thế giới đang chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Trong kịch bản không phát thải ròng này, khi điện gió, mặt trời được dự đoán là tạo ra phần lớn điện năng toàn cầu trong tương lai thì càng cần thiết xuất hiện loại hình lưu trữ năng lượng và khả năng ổn định lưới điện với nguồn cung cấp đáng tin cậy. Việc phát triển thủy điện là công cụ hoàn hảo, có thể lưu trữ và phát điện linh hoạt, cân bằng nguồn điện gió và điện mặt trời, ổn định lưới điện thông qua hệ thống phụ trợ dịch vụ. Thủy điện có lượng phát thải carbon thấp nhất trong vòng đời của nó hơn bất kỳ dạng năng lượng nào khác.
Nhà máy Thủy điện A Vương là một trong những công trình đa mục tiêu, thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc khai thác có hiệu quả tiềm năng thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam. Ngoài mục tiêu cung cấp điện, nhà máy còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão, đồng thời cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh trong mùa khô. Thủy điện A Vương được khởi công xây dựng vào ngày 31/8/2003 tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, với công suất 210 MW gồm 2 tổ máy, tổng sản lượng điện hàng năm là 815 triệu kWh, bằng khoảng 10% của Nhà máy Thủy điện Sơn La (nhà máy thủy điện lớn nhất của nước ta).
Sau 20 năm vừa xây dựng và vận hành, đến nay Thủy điện A Vương đã cán mốc 10 tỷ kWh điện, góp phần cùng các nhà máy điện của Tổng Công ty Phát điện 2 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp an toàn, liên tục cho hệ thống điện quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế, giữ vững an ninh năng lượng, dự phòng công suất, đưa điện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương là đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành Nhà máy thủy điện A Vương đã trở thành công ty đại chúng từ năm 2017 và chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM từ tháng 1/2018. Đến nay, Thủy điện A Vương đã đóng góp ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Nam hơn 2000 tỷ đồng. Nhà máy Thủy điện A Vương vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba; cùng nhiều huân chương, cờ thi đua, bằng khen, giấy khen khác do Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương trao tặng.
Phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy Thủy điện A Vương. |
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, các dự án thủy điện thực hiện theo quy hoạch đảm bảo nhu cầu cung ứng điện cho toàn tỉnh, đảm bảo nguồn năng lượng điện của quốc gia, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giúp tăng thu ngân sách tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi khó khăn, có điều kiện địa hình, vị trí địa lý không thuận lợi trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội với các loại hình kinh tế khác.
Việc triển khai xây dựng các nhà máy thủy điện đã góp phần huy động được nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho người dân vùng dự án: đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước, nhà tình nghĩa, công trình phúc lợi... đồng thời, cũng giải quyết một phần lực lượng lao động địa phương trong quá trình xây dựng cũng như vận hành phát điện. Đến nay, các nhà máy thủy điện đã tạo được việc làm cho 1.534 người, trong đó có 736 lao động là người Quảng Nam (có 338 lao động là người địa phương (huyện) nơi có dự án). Đã huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng từ nguồn đóng của các dự án thủy điện đã giúp cho người dân tham gia bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, qua đó góp phần tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng, góp phần phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng. Đến nay, các nhà máy thủy điện đã nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được tổng cộng trên 1.000 tỷ đồng.
Được biết, việc quản lý, vận hành và chế độ thông tin, báo cáo của các công trình hồ chứa thủy điện thực hiện đảm bảo theo Quy trình vận hành liên hồ chứa, đơn hồ chứa và các quy chế phối hợp được ký kết, qua đó đã góp phần đáng kể trong việc giảm lũ, chậm lũ cho hạ du trong mùa lũ và đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho nhân dân vùng hạ du và chống xâm nhập mặn trong mùa cạn. Trong các năm gần đây, mặc dù các vùng lân cận đều có xảy ra tình trạng thiếu nước do hạn hán thì Quảng Nam vẫn cơ bản đảm bảo được nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân vùng hạ du.
Ông Cao Huy Bảo - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết, suốt 15 năm vận hành, công tác điều tiết hồ chứa, phòng chống bão lũ, nhất là những trận lũ lịch sử luôn được đảm bảo an toàn về người và thiết bị. Các tổ máy được vận hành ổn định, an toàn, đảm bảo hệ số khả dụng cao. Với yêu cầu ngày càng cao, công ty đã đào tạo bộ phận quản lý kỹ thuật làm chủ được công nghệ và tự đảm nhận thực hiện công tác bảo trì, thí nghiệm hiệu chỉnh. Từ nền tảng này, công ty mạnh dạn vừa đảm bảo nhà máy vận hành an toàn vừa hình thành bộ phận, lực lượng thực hiện công tác cung cấp dịch vụ kỹ thuật.
Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương tự đảm nhận thực hiện công tác bảo trì, thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị. |
Song hành với công tác sản xuất, phong trào thi đua lao động sáng tạo được phát huy trong toàn công ty, phần lớn giải pháp kỹ thuật được ứng dụng vào thực tế, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2008 đến nay đã có 363 sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, quản lý được công nhận, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xét cấp 33 Bằng lao động sáng tạo cho cán bộ công nhân viên công ty.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam cũng như trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Không nằm ngoài xu thế phát triển đó, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương đã và đang thực hiện các giải pháp cải tạo, nâng cấp, lắp đặt bổ sung Hệ thống giám sátonline toàn bộ hệ thống thiết bị nhà máy, làm cơ sở phân tích, đánh giá tình trạng thiết bị trong quá trình vận hành để đưa ra hình thức bảo trì phù hợp và phương án “Trạm không người trực” mà EVN đang hướng đến. Đến nay hệ thống đang vận hành hiệu quả với độ tin cậy cao.
Thủy điện A Vương vận hành điều tiết hồ chứa an toàn trong mùa mưa bão. |
Qua hơn 2 năm thực hiện, đề án chuyển đổi số tại Công ty Cổ phần Thủy điện A Vươngmang lại những kết quả khả quan từ hiệu quả mô hình văn phòng số, phòng họp không giấy, các quy trình nội bộ được số hóa và liên thông, đồng bộ với quy trình nghiệp vụ quản lý dùng chung trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, công tác quản lý kỹ thuật, vận hành tại A Vương đều được quản lý trên hệ thống PMIS, tất cả thiết bị được số hóa, ứng dụng sửa chữa bảo dưỡng thiết bị theo độ tin cậy RCM và theo tình trạng thiết bị CBM. Việc quản lý thiết bị, tài liệu trên phần mềm PMIS cũng rất nhanh chóng và tiện lợi cho người vận hành. Từ phần mềm có thể truy xuất tất cả lý lịch thiết bị, tài liệu vận hành, quy trình quy định liên quan… mọi lúc, mọi nơi trên máy tính hoặc các thiết bị di động cầm tay.
Công ty còn ứng dụng giải pháp tự động cập nhật và báo cáo số liệu vận hành hồ chứa thủy điện A Vương đến cơ quan chức năng, nhập số liệu tự động lên website đơn vị quản lý cũng như mở rộng hoàn thiện thêm chức năng tự động gửi email báo cáo đến các cơ quan quản lý.
Thủy điện A Vương từ một đơn vị vận hành, sản xuất điện trở thành hình mẫu trong thực hiện công tác vận hành hồ chứa và giảm lũ cho hạ du. Năm 2022, hồ chứa thủy điện A Vương có 3 đợt đón lũ do mưa lớn vận hành hồ chứa giảm lượng nước xả xuống hạ du ở mức tối thiểu trong giai đoạn xảy ra lũ nhằm giảm mức ngập cho hạ du. Mới đây, trong đợt mưa lũ từ ngày 13-18/10/2023 tại miền Trung, hồ thủy điện A Vương, tỉnh Quảng Nam đã tăng cường ứng trực, tổ chức vận hành an toàn, giữ lại toàn bộ 133 triệu m3 nước về hồ, tham gia giảm lũ cho hạ du. Qua đây càng thấy rõ lợi ích tổng hợp của các hồ thủy điện trong việc phát điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; cấp nước chống hạn vào mùa khô và tham gia cắt, giảm lũ hiệu quả cho hạ du vào mùa mưa.
Cùng với nhiệm vụ sản xuất điện, công tác an sinh xã hội luôn được Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương chú trọng, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng dự án. Trong 15 năm qua, công ty đã góp hơn 6,5 tỷ đồng cho công tác xã hội, từ thiện của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, với các hoạt động hỗ trợ gạo, xây dựng 20 nhà đại đoàn kết, trao tặng quà cho nhân dân, học sinh vùng dự án, khắc phục lũ lụt và nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực khác.
Trong tháng 10 vừa qua, tại Hội nghị tuyên dương, tôn vinh các điển hình tiêu biểu năm 2023, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương được trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Nam” lần thứ VI - 2022 và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong việc chấp hành pháp luật thuế năm 2022. |
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Hải Minh
- Tạp chí Tự động hóa Ngày nay bổ nhiệm Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập
- Bình Định: Khởi động chương trình phân loại rác tại nguồn
- Marathon Quốc tế Hà Nội Techcombank mùa 3: Hành trình của tinh thần thể thao kiên định, mạnh mẽ
- Kinh doanh thua lỗ, vốn âm, nợ của Capitaland Tower ngày càng "phình to"
- Khai mạc LPBank V.League 1- 2024/25: Khởi tranh một mùa giải chất lượng